1. AMM là gì?
AMM là viết tắt của Automated Market Maker, là công cụ tạo lập thị trường tự động, cho phép người dùng mua hoặc bán tài sản trên các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) mà không cần phải tìm kiếm người đối tác giao dịch. Thay vì dựa vào các lệnh mua bán như trong các sàn giao dịch truyền thống, AMM sử dụng các hợp đồng thông minh và các nhóm thanh khoản (liquidity pools) để tự động định giá và thực hiện các giao dịch.
Thông thường, khi mua một món hàng như mua cá ở chợ hay mua một ngôi nhà, phải có người bán. Nhưng với AMM, việc mua bán được thực hiện qua một “pool” – kho tài sản, nơi người dùng có thể nạp vào một loại tài sản và rút ra loại tài sản khác. Giá trị của các tài sản trong pool này được điều chỉnh tự động dựa trên các công thức toán học, đảm bảo tính thanh khoản và giá trị công bằng cho tất cả các giao dịch.
Những người góp tài sản vào pool mà không đổi lấy tài sản khác được gọi là nhà cung cấp thanh khoản (liquidity provider). Họ cung cấp thanh khoản cho hệ thống và kiếm phí giao dịch từ các giao dịch mua bán diễn ra trong pool. Chính những nhà cung cấp thanh khoản này đảm bảo rằng người dùng thông thường luôn có đủ thanh khoản để thể thực hiện giao dịch dễ dàng.
Các điểm nổi bật của AMM như sau:
- Tự động hóa: AMM hoạt động dựa trên các thuật toán và hợp đồng thông minh (smart contract), tự động xử lý các giao dịch mà không cần sự can thiệp của con người hay các tổ chức. Hệ thống này tự động điều chỉnh giá giao dịch tùy thuộc vào tỷ lệ tài sản có trong pool, giúp duy trì sự cân bằng giữa giá trị các tài sản trong pool và tạo ra một thị trường luôn có thanh khoản.
- Không cần người giao dịch đối lập: Bạn không cần phải có người bán khi muốn mua và ngược lại. Các bể thanh khoản (pool) với tài sản sẵn có giúp bạn thực hiện giao dịch ngay lập tức.
2. Lịch sử phát triển của AMM
- Bancor là dự án đầu tiên giới thiệu khái niệm AMM vào năm 2017, mang đến cách giao dịch tài sản tự động tạo tiền đề cho cả ngành DeFi phát triển sau này. Từng đạt TVL 2.3 tỷ USD vào năm 2021, nhưng đến nay TVL chỉ còn hơn 50 triệu USD và dự án gần như không còn người dùng, do thiếu sự đổi mới và thân thiện với người dùng.
- Năm 2018, Uniswap ra mắt và nhanh chóng trở thành AMM DEX nổi bật nhờ công thức định giá đơn giản x*y=k, hỗ trợ mọi token ERC-20 và có giao diện thân thiện, dễ sử dụng. Đây là nơi giao dịch sớm nhất của nhiều Hidden gems x10, x100 thậm chí là xx1000 như PEPE, SHIB,…
- Đến năm 2020, Sushiswap và Pancakeswap – hai “bản sao” của Uniswap ra đời và đạt được những thành công nhất định. Sushiswap thu hút thanh khoản bằng token incentives và phát triển Multichain, còn Pancakeswap trở thành cái tên lớn nhất trên hệ sinh thái BNB Smart Chain.
- Cũng trong năm 2020, Curve Finance giới thiệu mô hình Stableswap với công thức phức tạp hơn để tối ưu hiệu quả giao dịch cho các cặp tài sản ngang giá. Và đỉnh điểm nhất là năm 2021, Curve đã đỉnh TVL vơi 24 tỷ USD vào đầu năm 2022, cao gấp 3 lần TVL của Uniswap thời điểm đó.
- Từ năm 2021 đến nay, nhiều AMM cải tiến ra mắt như Uniswap V3, Balancer và gần đây nhất là Trader Joe cùng Ambient Finance, tiếp tục nâng tầm AMM trong DeFi.
3. Cơ chế hoạt động của AMM là gì?
Cách thức hoạt động của các thành phần trong AMM:
- Pool thanh khoản: Người dùng (liquidity provider – LP) có thể thêm tài sản của mình vào các pool thanh khoản, thường là một cặp tài sản (ví dụ: ETH và USDT). Đổi lại, họ nhận được một phần phí giao dịch khi người khác sử dụng pool này để trao đổi tài sản.
- Công thức tạo lập thị trường: Một thuật toán, chẳng hạn như “x*y=k” (được sử dụng trên Uniswap), giúp xác định giá tài sản trong pool khi người dùng giao dịch.
- Giao dịch phi tập trung: Người dùng có thể swap (đổi) một loại tài sản này sang loại khác thông qua các pool thanh khoản, mà không cần phải đợi có ai đó muốn giao dịch đối lập.
Ví dụ:
Pool AMM của Uniswap V2 sử dụng công thức x*y=k, trong đó: x là số lượng tài sản x, còn y là số lượng tài sản y trong pool.
Giả sử Pool ETH/USDT trên Uniswap có 1 ETH (x) và 1000 USDT (y). Theo công thức x*y=k thì k=1000 và giá ETH đang là 1000 USDT (Price(x)=y/x). (với x=1, y=1000)
Huy thực hiện lệnh swap 0.1 ETH sang USDT, tức là chuyển 0.1 ETH vào pool và lấy một lượng USDT ra khỏi pool. Vì sau khi swap thì Pool sẽ có 1.1 ETH (thêm 0.1 ETH do Huy chuyển vào), suy ra lượng USDT trong pool còn lại là y = k/x = 1000/1.1 = 909.1
Vậy sau khi thực hiện lệnh swap Huy nhận được 1000-909.1 = 90.9 USDT, tương đương với giá của ETH lúc này là 909 USDT.
Qua ví dụ trên, bạn có thể thấy một khoảng chênh lệch được tạo ra, giá ban đầu là 1 ETH = 1000 USDT nhưng giá swap thực tế là ETH = 909.1 USDT. Tức là Huy đã chịu trượt giá hay còn gọi là Slippage khoảng 9% khi thực hiện lệnh giao dịch này.
4. Phân loại các AMM
AMM là ngách thuộc mảng DEX, thường được phân loại dựa trên công thức tạo lập được sử dụng và cách phân bố thanh khoản:
- Constant Product AMM (Uniswap V2): Đây là loại AMM phổ biến nhất, được sử dụng bởi Uniswap. Dùng công thức tích số của số lượng hai token trong pool luôn không đổi (x*y=k). Khi một token được mua vào, giá của token đó sẽ tăng lên, trong khi token kia giảm giá.
Ưu điểm: Hỗ trợ cho bất kỳ tài sản nào, đặc biệt là tài sản kém thanh khoản, biến động mạnh.
Nhược điểm: Trượt giá cao, hiệu quả thanh khoản kém.
- Concentrated Liquidity AMM (Uniswap V3): Cải tiến từ Constant Product AMM, cho phép người dùng cung cấp thanh khoản trong một khoảng giá mà họ cho rằng sẽ có nhiều giao dịch diễn ra. Điều này giúp tối ưu hóa vốn, làm cho thanh khoản dày hơn trong khoảng giá đó và giảm trượt giá cho người giao dịch.
Ưu điểm: Mang lại hiệu quả cho nhà cung cấp thanh khoản và Pool dày hơn nhằm mang lại mức giá giao dịch tốt, giảm trượt giá.
Nhược điểm: Phải cung cấp thanh khoản lại cho vùng giá mới nếu giá biến động vượt ngoài khoảng giá cung cấp ban đầu. Chỉ hỗ trợ tốt cho các loại sản ngang giá, tài sản có vốn hóa lớn hoặc ít biến động.
- StableSwap AMM / Hybrid AMM (Curve): Đây là loại AMM được tối ưu hóa để giao dịch các tài sản có giá trị gần như tương đương (như các cặp stablecoin). Dựa vào một công thức phức tạp để tạo ra vùng thanh khoản dày đặc, giúp giảm thiểu trượt giá.
Ưu điểm: Tập trung thanh khoản và giảm tác động giá trong một vùng duy nhất. Hỗ trợ tốt cho các cặp tài sản có giá tương đương nhau.
Nhược điểm: Do thanh khoản tập trung lại một vùng nên ra ngoài vùng đó giá sẽ bị trượt đi rất nhanh. Và mô hình này không phù hợp cho các cặp tài sản biến động.
Ngoài các mô hình AMM chính kể trên, thị trường còn có những sản phẩm độc đáo khác như Constant Sum AMM (x+y=0) được ứng dụng trong Liquidity Book của Trader Joe, Constant Mean AMM – dùng công thức x(^a)*y(^b)=k để tạo ra pool nhiều hơn 2 token, Knockout Liquidity (đặt lệnh Limit), Proactive Market Maker (mô phỏng hành vi của market maker truyền thống), Virtual AMM (khuếch đại thanh khoản),…
Mỗi mô hình AMM đều có ưu và nhược điểm riêng, và các nhà phát triển sẽ chọn hoặc thiết kế loại phù hợp nhất với mục tiêu của dự án mà họ xây dựng.
Dưới đây là bảng so sánh giữa các mô hình AMM để có cái nhìn trực quan nhất:
Constant Product | Concentrate Liquidity | StableSwap | |
Công thức tạo lập | x*y=K | x*y=K | A*n(x+y+…)−(x*y*…)=D |
Số lượng Token trong Pool | 2 Token | 2 Token | nhiều Token |
Trượt giá | trượt giá cao | trượt giá thấp trong vùng dày thanh khoản | trượt giá rất thấp trong vùng cân bằng |
Độ hiệu quả thanh khoản | thấp | cao trong vùng giá hoạt động | cao |
Phù hợp với loại tài sản | tất cả tài sản (đặc biệt là tài sản kém thanh khoản, ít người giao dịch, biến động mạnh) | tài sản vốn hóa lớn, ít biến động | tài sản ổn định (stablecoin) |
Phân bố thanh khoản | từ 0 đến vô cùng | trong vùng chọn trước | trong vùng cân bằng |
Độ phổ biến | rất phổ biến | phổ biến | ít phổ biến |
Các dự án sử dụng | Uniswap, Pancake, Raydium, Orca, Aerodrome,… | Uniswap, Pancake, Raydium, Orca, Aerodrome,… | Curve, Pancake, Aerodrome,… |
5. TOP 5 dự án AMM DEX sáng tạo nhất thị trường
5.1 Uniswap
Uniswap luôn giữ vững vị thế số một kể từ khi ra mắt đến nay. Với TVL gần 5 tỷ USD, mỗi ngày giao thức đã xử lý khối lượng giao dịch hàng tỷ USD, mang về hàng triệu USD cho các nhà cung cấp thanh khoản.
Một số điểm nổi bật của Uniswap:
- Đội ngũ tài năng, có mỗi quan hệ và luôn cập nhật công nghệ để đưa ra các sản phẩm đi đầu như Uniswap V2, Uniswap V3 và sắp tới là phiên bản V4.
- Nhờ hoạt động và phát triển trong thời gian dài nên dự án đã tạo được sự uy tín, cùng lượng khách hàng thường xuyên.
- Uniswap là AMM có TVL lớn nhất với gần 5 tỷ USD, đây cũng chính là điểm sống còn của một giao thức AMM và rất khó để các dự án mới có thể cạnh tranh.
Bên cạnh đó, Uniswap còn có Uniswap X, giao diện quen thuộc mà bạn sử dụng để swap token, đây thực chất là một DEX Aggregator, giúp người dùng tìm được mức giá tốt nhất khi giao dịch.
Không dừng lại ở đó, Uniswap đã bắt tay với Across để hỗ trợ giao dịch xuyên chuỗi với tốc độ chỉ vài giây. Và họ đang phát triển một chuỗi Layer 2 riêng, gọi là Unichain, giúp tập trung thanh khoản và dễ dàng kết nối với các chuỗi khác, là xu hướng tất yếu trong bối cảnh ngày càng nhiều blockchain xuất hiện, khiến trải nghiệm của người dùng trở nên phức tạp hơn.
5.2 Curve Finance
Curve là dự án chỉ tập trung vào việc hỗ trợ cho các cặp tài sản ngang giá (như USDT/USDC, ETH/WETH), còn gọi là Stableswap. Nhờ đánh vào thị trường ngách này, Curve đã xây dựng được vị thế riêng mà không cần cạnh tranh trực tiếp với Uniswap.
Một số điểm nổi bật của Curve Finance:
- Mô hình Stableswap hỗ trợ rất tốt cho các cặp tài sản ngang giá, điều mà Uniswap chưa làm được.
- Tạo được sức hút với cuộc chơi veToken xoay quanh Curve, giúp xây dựng một hệ sinh thái sôi động.
- Lợi thế của kẻ đi đầu trong thị trường ngách, đã có lúc giao thức đạt mốc TVL 24 tỷ USD – một con số không tưởng, tuy hiện tại TVL chỉ còn gần 2 tỷ USD nhưng bấy nhiêu đó cũng đủ để đáp ứng nhu cầu giao dịch của thị trường.
Nhìn chung, Curve Finance vẫn là cái tên số một trong ngách Stableswap. Với khối lượng giao dịch hàng trăm triệu USD mỗi ngày, cho thấy sự ổn định của giao thức qua thời gian, mặc dù chưa nhiều cải tiến trong quá trình phát triển.
5.3 Trader Joe (LFJ)
Trader Joe (đã đổi tên thành LFJ) ban đầu là AMM kiểu Uniswap V2 và nhanh chóng thống trị DEX trên hệ Avalanche. Bất ngờ lớn đến năm 2023 khi họ ra mắt phiên bản V2 với Liquidity Book – một AMM sáng tạo, rất phù hợp cho các tài sản ổn định hay tài sản có vốn hóa lớn và ít biến động.
Một số điểm nổi bật của Trader Joe:
- Mô hình Liquidity Book mang lại độ hiệu cao cho nhà cung cấp thanh khoản và hỗ trợ tốt cho tài sản có vốn hóa lớn, ít biến động.
- Lợi thế là kẻ thống trị trên hệ sinh thái Avalanche với TVL hơn 100 triệu USD và tạo ra khối lượng giao dịch hàng chục, hàng trăm triệu USD mỗi ngày.
Nếu Trader Joe có thể thu hút nhiều thanh khoản hơn và mở rộng sang nhiều chuỗi lớn như Ethereum, Solana, Base, thì chắc chắn sẽ trở thành một cái tên tiềm năng trong DeFi.
5.4 Maverick Protocol
Maverick là dự án lấy cảm hứng từ mô hình Liquidity Book của Trader Joe, nhưng thêm tính năng tự động quản lý thanh khoản. Điều này giúp thanh khoản theo sát giá mà không cần người dùng phải liên tục điều chỉnh vùng giá.
Một số điểm nổi bật của Maverick Protocol:
- Sử dụng mô hình thanh khoản Liquidity Book có độ hiệu quả cao của Trader Joe.
- Tích hợp thêm tính năng quản lý thanh khoản tự động nhằm mang lại sự tiện lợi cho nhà cung cấp thanh khoản.
- Sản phẩm có loại pool di chuyển theo chiều giá tăng, lý tưởng cho các token sinh lợi như rETH, sUSDe, sDAI…
Maverick từng gây chú ý khi gọi vốn 17 triệu USD và lên Binance Launchpool, nhưng sau đó dần bị lãng quên do hệ sinh thái “chọn mặt gửi vàng” là ZKsync Era đã không phát triển như mong đợi. Gần đây, dự án đã mở rộng sang Arbitrum, hy vọng tạo sức bật mới. Tuy nhiên, Maverick cần một cú hích lớn để tăng thanh khoản và tỏa sáng trong thị trường này.
5.5 Ambient Finance
Ambient là một AMM có sự sáng tạo khi kết hợp cả mô hình Uniswap V2, Uniswap V3 trong cùng một Pool. Khác với Uniswap, nơi hai mô hình này bị tách riêng, Ambient tập trung thanh khoản vào một Pool duy nhất, giúp giảm phân mảnh và tăng hiệu quả.
Ambient Finance là một AMM thế hệ mới, với một số điểm nổi bật như sau:
- Kết hợp cả mô hình Uniswap V2, Uniswap V3 trong cùng một pool tăng độ hiệu quả và tập trung thanh khoản.
- Dùng một Smart Contract duy nhất cho tất cả các pool, giúp giao dịch với phí rẻ và hạn chế phân mảnh thanh khoản – công nghệ này cũng sẽ có mặt trong Uniswap V4 sắp ra mắt.
- Giao diện rất thân thiện, dễ sử dụng và có cả biểu giao dịch cũng như lệnh Limit.
Hành trình của Ambient không suôn sẻ, dự án bắt đầu trên Ethereum nhưng gặp khó khăn, rồi mở rộng sang Blast và Scroll, cả hai chuỗi này sau đó lại không phát triển như kỳ vọng.
Nếu Ambient có thể đưa ra chiến lược thu hút thanh khoản mới hay tập trung vào một thị trường ngách nào đó thì dự án vẫn có thể tạo được chỗ đứng nhất định trong thị trường DeFi.
6. Ưu và nhược điểm của AMM là gì?
6.1 Ưu điểm
- Không cần trung gian: Không cần qua các tổ chức hoặc cá nhân trung gian để giao dịch, giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.
- Thanh khoản luôn có sẵn: Với AMM, người dùng có thể giao dịch ngay lập tức miễn là pool có đủ thanh khoản.
- Tự động hóa: Tất cả các giao dịch đều được thực hiện tự động thông qua smart contract.
- Linh hoạt và minh bạch: AMM hoạt động trên blockchain nên minh bạch và linh hoạt trong việc tích hợp với các ứng dụng tài chính phi tập trung khác (DeFi).
6.2 Nhược điểm
- Impermanent Loss (Tổn thất tạm thời): Các LP có thể gặp tổn thất tạm thời nếu giá của tài sản trong pool thay đổi quá lớn so với lúc họ nạp thanh khoản.
- Trượt giá (Slippage): Đối với các giao dịch lớn hoặc các tài sản có thanh khoản thấp, trượt giá là một vấn đề phổ biến trong AMM do sự biến động giá nhanh chóng trong pool.
- Phụ thuộc vào thanh khoản: Nếu không có nhiều người thêm thanh khoản, pool sẽ trở nên thiếu thanh khoản và không thể đáp ứng các giao dịch lớn.
- Lừa đảo và pool giả mạo: Trên các DEX, ai cũng có thể tạo pool, dẫn đến nguy cơ xuất hiện các pool giả mạo và lừa đảo.
- Rủi ro smart contract: Các AMM DEX dựa vào smart contract, nên nếu có lỗi hoặc bị hack, người dùng và LP có thể mất tài sản.
7. Dự phóng tiềm năng của thị trường AMM DEX
Ngay từ khi ra đời, AMM đã cho thấy tiềm năng lớn với mô hình tạo lập thị trường tự động – hoạt động mà không cần sự tham gia của các nhà giao dịch đối lập hay market maker (MM), mọi giao dịch được xử lý tự động, không bị kiểm soát và giảm thiểu chi phí vận hành.
Thị trường hiện tại:
- Các mô hình AMM cốt lõi như Uniswap V2, Uniswap V3 hay Stableswap (Curve Finance) đều đã chứng minh sự hiệu quả và tính ứng dụng mạnh mẽ.
- Uniswap là cái tên đang thống trị nhờ thanh khoản và uy tín lớn, chiếm 35% thị phần. Còn Curve Finance lại là sự lựa chọn hàng đầu cho các cặp tài sản ngang giá. Bên cạnh đó, Raydium và Aerodrome là 2 cái tên số 1 lần lượt trên Solana và Base.
- Trader Joe, Ambient Finance hay Maverick đều là những dự án có sản phẩm AMM rất sáng tạo, mang lại độ hiểu quả cao nhưng vẫn khó “sống” vì thanh khoản đã rơi vào tay các ông lớn.
Xu hướng sắp tới:
- Uniswap V4 ra đời: Phiên bản mới của Uniswap sẽ tiếp tục là chuẩn mực để các dự án DEX khác noi theo, với nhiều tính năng và cải tiến.
- Pool đa chức năng: Các pool không chỉ phục vụ giao dịch mà còn cung cấp thanh khoản cho các giao thức Lending và Perp DEX, giúp giải quyết vấn đề thiếu hụt thanh khoản và tạo ra lợi nhuận bền vững cho người dùng.
- Chain riêng: Để đáp ứng nhu cầu của hàng triệu người dùng mới, Uniswap sẽ phát triển chuỗi Layer 2 riêng, tạo ra một môi trường tập trung thanh khoản và kết nối qua cross-chain.
Vậy cơ hội nào cho các dự án AMM mới?
Dù thị trường hiện tại bị chi phối bởi các ông lớn, một số dự án mới có thể vẫn có cơ hội nổi bật nếu hoạt động trên những hệ sinh thái nóng. Chẳng hạn như Cetus (Sui), một dự án native trên Sui, đã thu hút được sự chú ý. Tuy nhiên, về dài hạn, việc cạnh tranh trực tiếp với các tên tuổi như Uniswap là rất khó khăn. Thay vào đó, các dự án mới có thể tạo ra các sản phẩm bổ trợ cho các nền tảng lớn, hoặc nhắm vào các ngách chưa được khai thác. Đôi khi, một tên tuổi mới lại có thể gây bất ngờ và làm thay đổi cục diện thị trường, giống như cách TikTok đã làm trong ngành mạng xã hội.
Tương lai của AMM DEX:
Mô hình AMM DEX sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thị trường crypto. Mặc dù các blockchain ngày càng cải thiện khả năng mở rộng và Orderbook đang dần hồi sinh, cả hai mô hình này sẽ không thay thế nhau mà sẽ tồn tại song song, bổ trợ cho nhau.
AMM sẽ là nơi cung cấp thanh khoản cho các tài sản mới và giúp giao dịch diễn ra tự động, mang lại lợi nhuận cho nhà cung cấp thanh khoản. Trong khi đó, Orderbook sẽ tận dụng thanh khoản từ các market maker và các lệnh giao dịch từ người dùng. Khi kết hợp cả hai mô hình này, thị trường crypto sẽ có những sản phẩm và mô hình tối ưu nhất về thanh khoản, mang lại lợi ích lớn cho người dùng và các nhà đầu tư.
8. Tổng kết
Bài viết này đã cung cấp cái nhìn chi tiết về AMM, giải thích cách hoạt động, những ưu điểm và nhược điểm, cũng như đánh giá tiềm năng của mô hình này trong hiện tại và tương lai. Hy vọng bạn đã có một cái nhìn tổng quan rõ ràng và có thể nhận diện được những dự án AMM tiềm năng để đưa ra những quyết định đầu tư thông minh!