1. Tại sao nên học cách xác minh quỹ đầu tư và gọi vốn?

Việc nhận diện những dự án được các quỹ đầu tư uy tín rót vốn có thể giúp bạn tìm ra những “viên ngọc” thực sự trong thị trường Crypto. Các dự án này thường có nền tảng tài chính vững chắc, kế hoạch phát triển rõ ràng và tiềm năng tăng trưởng vượt trội.

Dưới đây là những lý do vì sao xác minh quỹ đầu tư và gọi vốn là bước quan trọng để chọn lọc dự án Crypto tiềm năng:

1.1 Bắt kịp xu hướng, không bị chậm chân

Từ cuối 2019 đến 2021, nhiều quỹ đầu tư lớn như a16z, Paradigm, và Polychain Capital đã bắt đầu rót vốn vào các dự án DeFi, mở đường cho “DeFi Summer” – thời kỳ bùng nổ của tài chính phi tập trung. Đây là giai đoạn mà các quỹ lớn không chỉ đầu tư mà còn tích cực hỗ trợ các dự án tiềm năng.

Các quỹ đầu tư lớn đã rót vốn vào các dự án DeFi từ cuối 2019 đến 2021
Các quỹ đầu tư lớn đã rót vốn vào các dự án DeFi từ cuối 2019 đến 2021
  • Compound: a16z dẫn đầu vòng Series A trị giá 25 triệu USD vào tháng 11/2019, cùng với Paradigm và Polychain. Và chỉ trong giai đoạn 5 tháng từ tháng 11/2020 – tháng 3/2021, giá COMP đã tăng hơn 10 lần.
Quỹ đầu tư của Compound
Quỹ đầu tư của Compound
  • Uniswap: a16z đã quan tâm và hỗ trợ Uniswap ngay từ giai đoạn đầu (cuối 2019 – đầu 2020), không chỉ rót vốn đầu tư mà còn cung cấp thanh khoản và tư vấn chiến lược. Khi token UNI ra mắt được 2 tháng, giá đã tăng từ 3 USD lên 42 USD, tức hơn 10 lần so với đáy.
Quỹ đầu tư của Uniswap
Quỹ đầu tư của Uniswap
  • MakerDAO: a16z tham gia đầu tư cả hai vòng liên tiếp (2018 – 2019) cùng với Polychain Capital và DragonFly Capital. Sau đó, token MKR cũng tăng từ 500 USD lên gần 6.000 USD.
Quỹ đầu tư của MakerDAO
Quỹ đầu tư của MakerDAO

Vì vậy, khi các quỹ lớn đồng loạt rót vốn vào một ngách, ngách đó rất có thể trở thành xu hướng tiếp theo của thị trường. Tuy nhiên, bạn cũng cần xác minh liệu quỹ đó đầu tư sớm vào xu hướng tiềm năng hay chỉ chạy theo xu hướng sớm nở tối tàn nhé!

1.2 Giảm thiểu rủi ro

Một trong những rủi ro lớn nhất khi đầu tư Crypto là dính phải các dự án scam, rug pull (lừa đảo, đội ngũ ôm tiền bỏ chạy) hoặc dự án chết yểu vì không có nguồn lực phát triển.

Tuy nhiên, nếu bạn chọn những dự án có các quỹ đầu tư lớn như a16z, Sequoia Capital, Paradigm,… rót vốn thì sẽ đảm bảo hơn rất nhiều vì những quỹ này có đội ngũ thẩm định nghiêm ngặt và thường chỉ rót tiền vào những dự án có:

  • Đội ngũ sáng lập uy tín.
  • Công nghệ hoặc sản phẩm thực sự tiềm năng, tính đổi mới cao.
  • Lộ trình phát triển rõ ràng.

Một dự án chất lượng thường minh bạch trong việc công bố số tiền huy động, danh sách quỹ đầu tư và kế hoạch sử dụng vốn. Một dự án mập mờ về thông tin gọi vốn, không công khai hoặc không có quỹ đầu tư sẽ rủi ro hơn rất nhiều.

Ví dụ: The Squid Game (SQUID) là một dự án GameFi ra mắt trên BNB Chain vào năm 2021. Dù không có quỹ đầu tư hậu thuẫn, dự án này vẫn thu hút sự chú ý nhờ các chiến lược tăng khối lượng giao dịch và tạo vốn hóa thị trường giả. Tuy nhiên, đây chỉ là chiêu trò để lôi kéo nhà đầu tư trước khi đội ngũ rug pull, khiến vốn hóa của đồng coin này về lòng đất chỉ trong 1 cây nến.

Dự án The Squid Game (SQUID)
Dự án The Squid Game (SQUID)

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải dự án nào có quỹ đầu tư đứng sau cũng đảm bảo thành công, và ngược lại, những dự án chưa có quỹ hậu thuẫn vẫn có thể là mảnh ghép đầy bất ngờ.

Ví dụ: Jupiter và Hyperliquid là 2 dự án không cần gọi vốn từ quỹ đầu vẫn có thể tạo ra các đợt Airdrop khủng dành cho cộng đồng. Đây là 2 trong số ít các dự án có mô hình phát triển độc lập nhưng vẫn giữ được sức hút mạnh mẽ từ người dùng.

Hyperliquid Airdrop khủng cho người dùng
Hyperliquid Airdrop khủng cho người dùng

1.3 Kiểm tra mức độ cam kết của quỹ đầu tư

Không phải quỹ nào rót tiền vào dự án cũng sẽ đồng hành lâu dài. Một số quỹ chỉ đầu tư để kiếm lời nhanh, rồi xả token ngay khi có cơ hội. Vì vậy, bạn cần xem xét kỹ: 

  • Ưu tiên các quỹ uy tín, có tên tuổi trong ngành và đã có thành tựu như Pantera Capital, Andreessen Horowitz, hoặc Polychain Capital – những quỹ có lịch sử đầu tư bền vững và hiệu quả trong lĩnh vực Crypto. 
  • Hãy thận trọng với các quỹ mới nổi, thiếu kinh nghiệm, từng vướng scandal hoặc có xu hướng đầu tư dàn trải. Những quỹ này thường thiếu sự ổn định và cam kết lâu dài, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến dự án mà họ hậu thuẫn.

Ví dụ: DWF Labs – Một quỹ tập trung vào vai trò Market Maker (hỗ trợ tạo thanh khoản và điều chỉnh giá cho các dự án Crypto). Họ đầu tư vào nhiều dự án thuộc các lĩnh vực đa dạng, nhưng dù không công khai thừa nhận, quỹ này từng vướng vào không ít tranh cãi và scandal:

  • Tomi – Token TOMI đã giảm không phanh từ mốc 7 USD về 0,0026 USD. Nhiều người cho rằng, đội ngũ phát triển đã mint thêm 1 tỷ token với lý do dành cho “ngân sách của team”, sau đó họ đã xả trên các sàn CEX.
  • CryptoZoo – Dự án GameFi từng được quảng bá rầm rộ bởi KOL Logan Paul. Sau khi bán được hàng triệu USD giá trị NFT và token ZOO, dự án bắt đầu chậm trễ trong việc phát triển. Roadmap ban đầu hứa hẹn ra mắt nhiều tính năng game vào năm 2022, nhưng không có sản phẩm cụ thể nào được triển khai. Và cuối cùng là giá NFT và token ZOO giảm xuống tận đáy và không có thanh khoản.
DWF Labs bị tố cáo tham gia vào các hoạt động pump-and-dump của dự án
DWF Labs bị tố cáo tham gia vào các hoạt động pump-and-dump của dự án

Dưới đây là một vài điểm yếu mình nhìn thấy được từ DWF Labs:

  • Đầu tư ngắn hạn và dàn trải: DWF Labs đã rót vốn vào 92 dự án khác nhau, hầu hết là xu hướng ngắn hạn như memecoin, DeFi, AI,…. Điều này khác biệt với các quỹ đầu tư truyền thống, vốn ưu tiên hỗ trợ dài hạn để phát triển bền vững cho các dự án.
  • Mô hình đầu tư gây tranh cãi: Kể từ khi ra mắt, DWF Labs áp dụng mô hình mua token giá chiết khấu qua OTC và cung cấp dịch vụ Market Making để tăng thanh khoản. CoinDesk đã chỉ ra rằng mô hình này không giống đầu tư mạo hiểm truyền thống (mua cổ phần hoặc hỗ trợ dài hạn), mà giống giao dịch ngắn hạn để kiểm soát giá token. Điều này làm dấy lên nghi ngờ rằng DWF Labs có thể tham gia vào các hoạt động “pump-and-dump” (bơm giá rồi bán tháo).
  • Đội ngũ sáng lập nhiều tai tiếng: Andrei Grachev từng là CEO của Huobi Russia (2018), một chi nhánh của sàn Huobi Global (nay là HTX). Có nhiều cáo buộc cho rằng mối quan hệ này có thể liên quan đến các hoạt động không minh bạch, đặc biệt trong bối cảnh Nga từng bị cáo buộc là trung tâm của các hoạt động rửa tiền qua Crypto.

Vì vậy, trước khi đầu tư vào dự án, việc xác minh mức cam kết của quỹ là cực kỳ quan trọng. Hãy chọn quỹ uy tín, có chiến lược rõ ràng và lịch sử đồng hành lâu dài, đồng thời tránh những quỹ thiếu minh bạch để giảm rủi ro và tăng cơ hội săn được dự án chất lượng.

OKX banner ngang 60K usdt bonus

2. Cách dùng công cụ xác minh quỹ đầu tư và gọi vốn Crypto

Hiện tại, có nhiều công cụ giúp bạn kiểm tra thông tin gọi vốn và quỹ đầu tư của một dự án Crypto. Dưới đây là một số nền tảng phổ biến và đáng tin cậy:

  • Crypto Fundraising: Cung cấp thông tin về các vòng gọi vốn, số tiền huy động, và danh sách quỹ đầu tư tham gia.
  • Cryptorank: Xếp hạng các dự án theo số vốn huy động, quỹ đầu tư và hiệu suất sinh lời (ROI). Với Giao diện trực quan, dễ dàng so sánh giữa các dự án.
  • Chainbroker: Chuyên theo dõi hiệu suất của các quỹ đầu tư và danh mục đầu tư của họ.
  • RootData: Theo dõi vòng gọi vốn, danh sách nhà đầu tư, tokenomics và lịch trình unlock token của quỹ đầu tư.
  • Crunchbase: Công cụ theo dõi thông tin startup, giúp kiểm tra lịch sử gọi vốn, chiến lược đầu tư của quỹ, đội ngũ phát triển,…

Sau khi so sánh các nền tảng, mình quyết định chọn Cryptorank để hướng dẫn trong bài viết này. Lý do vì đây là nền tảng phổ biến, dễ thao tác và rất phù hợp với người mới bắt đầu.

2.1 Cách xác minh số tiền gọi vốn của dự án

Bước 1: Truy cập Cryptorank và nhập tên dự án vào thanh tìm kiếm, sau đó chọn đúng dự án mà bạn muốn tìm.

Nhập tên dự án
Nhập tên dự án

Bước 2: Chọn mục Fundraising để kiểm tra những thông tin gọi vốn như tổng số vốn huy động, số tiền gọi vốn qua các vòng (Seed, Series A, Series B,…), những quỹ nào đã đầu tư vào dự án,…

Ví dụ: Hình dưới là các quỹ đầu tư đã rót vốn vào Uniswap qua 3 vòng gọi vốn:

  • Vòng Strategic (Không công bố ngày): Dự án đã huy động được 11 triệu USD thông qua hình thức Private Sale (Bán token trước) với giá 0,0786 USD/Token. Hiện những nhà đầu tư rót vốn vào vòng này đã lãi hơn 6 lần (nếu tính giá cao nhất thì lãi 57 lần).
  • Vòng Series A (Ngày 07/08/2020): Dự án đã huy động được 11 triệu USD, được dẫn đầu bởi A16z, cùng với sự tham gia của Paradigm, Variant, SV Angel,..Trong đó,  A16z và Paradigm là 2 quỹ Tier 1 có tiếng.
  • Vòng Series B (Ngày 13/10/2022): Dự án đã huy động được 165 triệu USD, được dẫn đầu bởi Polychain Capital, cùng với 2 ông lớn đã góp mặt ở vòng trước là A16z và Paradigm.
Các vòng gọi vốn của Uniswap 
Các vòng gọi vốn của Uniswap 

Lưu ý: Những dự án không có mục Fundraising tức là dự án chưa công bố quỹ đầu tư hoặc là không có quỹ đầu tư. Để kiểm tra kỹ hơn bạn cũng có thể sang những web khác như Crypto Fundraising, Chainbroker,… để tham khảo phòng trường hợp Cryptorank chưa cập nhật nhé!

Mẹo chọn dự án tiềm năng:

  • Ưu tiên những dự án được nhiều quỹ Tier 1 (như a16z, Sequoia Capital, Paradigm) rót vốn, vì chúng thường có độ tin cậy và tiềm năng cao.
  • Ưu tiên dự án được 1-2 quỹ lớn đầu tư liên tục qua nhiều vòng, vì đây là dấu hiệu của sức hút và khả năng phát triển bền vững.

Bước 3: Để biết nhanh một dự án có các quỹ Tier 1-2 đầu tư hay không thì bạn có thể chọn PHẦN MỞ RỘNG như hình dưới nhé!

Chọn phần mở rộng
Chọn phần mở rộng

Bước 4: Cryptorank sẽ thống kê và lập danh sách các quỹ tham gia đầu tư từ Tier cao nhất đến thấp nhất.

Danh sách cách quỹ từ Tier cao nhất đến thấp nhất
Danh sách cách quỹ từ Tier cao nhất đến thấp nhất

Ngoài ra có những dự án không để phần mở rộng vì chỉ có 2-3 quỹ đầu tư thì buộc bạn phải nhấp vào từng quỹ để biết quỹ đó là Tier mấy.

A16z - Quỹ Tier 1
a16Z – Quỹ Tier 1

2.2 Cách tìm những dự án gọi vốn khủng thuộc lĩnh vực cụ thể

Nếu bạn đang quan tâm có những dự án nào gọi vốn khủng trong ngách bạn đang tìm hiểu như Layer 1, GameFi, DeFi,… thì có thể làm theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập trang Fundraising Round của Cryptorank. Sau đó chọn mục Filters để cài đặt.

Chọn mục Filters để cài đặt
Chọn mục Filters để cài đặt

Bước 2: Trong tab Filters:

  • Chọn vào mục Raise và cài đặt mức vốn huy động được tối thiểu và tối đa của những dự án mà bạn muốn tìm. 
  • Chọn mục Category và nhập lĩnh vực bạn muốn tìm kiếm.
Cài đặt Filters
Cài đặt Filters

Ví dụ: Dưới đây là danh sách các dự án đã huy động được hơn 20 triệu USD trong lĩnh vực DeFi được sắp xếp theo thứ tự mới công bố gọi vốn sớm nhất đến cũ nhất. Ngoài ra bạn còn xem được các thông tin khác như: 

  • Tổng số tiền huy động.
  • Vòng gọi vốn hiện tại.
  • Ngày công bố gọi vốn của vòng hiện tại. 
  • Danh sách quỹ đầu tư. 

Dựa vào những dữ liệu này, bạn có thể lọc ra những dự án tiềm năng và tiếp tục nghiên cứu sâu hơn trước khi quyết định đầu tư.

Như hình dưới, Ethena là dự án gần đây nhất gọi vốn được 100 triệu USD, vòng gọi vốn gần nhất là Private Token Sale được triển khai trên các sàn CEX như Binance, Bitget và Gate.io. Được hậu thuẫn bởi những ông lớn như Polychain Capital, Pantera Capital, DragonFly Capital,…

Các dự án đã lọc
Các dự án đã lọc

2.3 Cách tìm những dự án được Quỹ đầu tư có tiếng rót vốn

Phần 1: Tìm quỹ đầu tư uy tín

Bước 1: Vào trang Fund của Cryptorank, bạn sẽ thấy danh sách các quỹ đầu tư được phân theo từng cấp độ (Tier) từ thấp đến cao.

Trường hợp bạn đã có quỹ muốn tìm hiểu, bạn chỉ cần nhập tên vào thanh tìm kiếm và chọn quỹ đó để xem thông tin chi tiết.

Tìm kiếm quỹ uy tín
Tìm kiếm quỹ uy tín

Nếu bạn chưa biết quỹ nào uy tín và tiềm năng, hãy bắt đầu với các quỹ Tier 1 có ROI cao (hiệu suất đầu tư cao) để tham khảo danh mục đầu tư của họ.

Ngoài ra bạn cũng có thể chọn quỹ theo những tiêu chí như:

  • Thời gian hoạt động: Quỹ đã hoạt động bao lâu? Những quỹ có lịch sử lâu dài (3-5 năm hoặc hơn) thường đáng tin cậy hơn, đặc biệt nếu họ vẫn sống sót và vượt qua các chu kỳ downtrend.
  • Ngách: Quỹ có xu hướng đầu tư vào các ngách nào? (Điển hình như Animoca Brand thường đầu tư vào các dự án GameFi, hay a16Z hay đầu tư vào các dự án DeFi hoặc AI,…)
  • Danh mục đầu tư: Quỹ có phân bổ vốn vào nhiều dự án/danh mục để giảm rủi ro không? Một quỹ chỉ tập trung vào một loại tài sản (như memecoin) có thể rủi ro cao hơn.
Tier và ROI của các quỹ
Tier và ROI của các quỹ

Bước 2: Sau khi chọn quỹ đầu tư mong muốn, vào mục Overview, bạn sẽ thấy đầy đủ thông tin như hiệu suất đầu tư (ROI), lĩnh vực đầu tư, số lượng dự án đã đầu tư, số vốn trung bình quỹ rót vào mỗi dự án và nhiều dữ liệu quan trọng khác.

Ví dụ: a16z – một trong những quỹ đầu tư lớn và có sức ảnh hưởng trong Crypto. Họ chuyên rót vốn từ 3 – 10 triệu USD/vòng, tập trung vào các mảng như Developer Tools, EVM, Layer 1/2 và NFT. Với 172 khoản đầu tư và ROI lên đến 400 lần, quỹ này đã góp mặt trong nhiều thương vụ lớn, tiêu biểu như Uniswap, Compound,… 

Tổng quan về A16z
Tổng quan về A16z

Phần 2: Tìm dự án được quỹ đầu tư có tiếng có vốn

Bước 1: Để kiểm tra xem quỹ bạn yêu thích đang rót vốn vào dự án nào, hãy vào mục Funding Rounds của quỹ đó và nhập tên dự án vào thanh tìm kiếm.

Tìm kiếm các dự án đã được A16z đầu tư
Tìm kiếm các dự án đã được A16z đầu tư

Bước 2: Nếu bạn muốn tìm dự án theo các tiêu chí cụ thể hơn, hãy vào mục Filter và tùy chỉnh theo nhu cầu. Bạn có thể chọn:

  • Lĩnh vực đầu tư (DeFi, AI, GameFi,…).
  • Những quỹ đã từng đầu tư chung.
  • Số vốn quỹ này rót vào một dự án.
  • Định giá của quỹ cho dự án.
Cài đặt Filters cho A16z
Cài đặt Filters cho A16z

Ví dụ dưới đây mình chọn những tiêu chí sau cho quỹ A16z:

  • Lĩnh vực đầu tư: DeFi
  • Quỹ đã từng đầu tư chung: Paradigm
  • Số vốn quỹ này rót vào một dự án: Từ 20 triệu USD.
Các dự án được lọc ra từ Filters
Các dự án được lọc ra từ Filters

Hiện chỉ có 2 dự án là Uniswap và Compound là đủ những tiêu chí trên mình đã chọn. Dựa theo ví dụ này, tùy vào mảng bạn quan tâm và phong cách đầu tư của mình, bạn có thể lọc ra những dự án phù hợp để nghiên cứu sâu hơn.

Dựa trên những thông tin này, bạn có thể đánh giá xem quỹ đầu tư có phù hợp với mục tiêu và khẩu vị rủi ro của mình hay không, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các quỹ đầu tư sở hữu vị thế, nguồn lực và khả năng tiếp cận thông tin vượt trội so với nhà đầu tư cá nhân. Họ thường phân bổ vốn vào nhiều dự án cùng lúc để đa dạng hóa, dẫn đến việc danh mục của họ có thể bao gồm cả những dự án chất lượng cao lẫn những dự án kém tiềm năng.

Vì vậy, bạn nên tham khảo các quỹ uy tín như một nguồn thông tin giá trị, nhưng không nên mặc định rằng mọi dự án họ đầu tư đều đảm bảo thành công nhé!

2.4 Cách tìm các dự án tiềm năng vừa mới gọi vốn

Để theo dõi thông tin gọi vốn mới nhất của các dự án, bạn chỉ cần truy cập Funding Round. Tại đây, CryptoRank cung cấp danh sách các đợt gọi vốn được sắp xếp theo thứ tự từ mới nhất đến cũ nhất, giúp bạn dễ dàng theo dõi và nắm bắt các dựa án mới.

Ví dụ: Gần đây nhất tại thời điểm viết bài có dự án 3 dự án đã công bố gọi vốn vào ngày 10/04/2025 là:

  • Meanwhile: Đã thu về 40 triệu USD từ những cái tên như Framework Ventures, Fulgur Ventures và Wences Casares.
  • Towns: Gọi vốn 10 triệu USD từ những ông lớn như A16z, Coinbase và Benchmark.
  • Gunz: Được 1kx đầu tư vòng Strategic với số vốn chưa được công bố.
Danh sách các dự án công bố gọi vốn mới nhất
Danh sách các dự án công bố gọi vốn mới nhất

Ngoài ra, để săn tìm các dự án mới, bạn có thể tham khảo bài viết sau nhé: ”Cách tìm dự án mới trong thị trường Crypto

3. Tổng kết

Theo dõi thông tin gọi vốn giúp bạn dễ dàng nhận diện các dự án tiềm năng và bắt trend sớm hơn, đồng thời cũng tránh rơi vào những dự án kém chất lượng. Kết hợp nhiều công cụ phân tích sẽ cho bạn bức tranh toàn diện về thị trường, từ đó đưa ra quyết định đầu tư chính xác và tự tin hơn.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn dễ dàng săn tìm Hidden Gem bằng các công cụ xác minh quỹ đầu tư và gọi vốn. Bên cạnh những nền tảng đã đề cập, đội ngũ 5 Phút Crypto sẽ tiếp tục hướng dẫn bạn khám phá thêm nhiều công cụ research hữu ích khác trong Crypto.