1. Cow Protocol là gì?
Cow Protocol là một sàn giao dịch phi tập trung (DEX Aggregator) giúp người dùng tối ưu hóa giá giao dịch bằng cách tổng hợp thanh khoản từ nhiều sàn khác nhau. Điều này giúp giảm thiểu các vấn đề như trượt giá và thanh khoản kém, mang đến trải nghiệm giao dịch hiệu quả hơn.
Cow Protocol là một nhánh sản phẩm thuộc Cow DAO – Tổ hợp sản phẩm DeFi với nhiều cải tiến trên mạng lưới Ethereum:
- Cow Protocol: Cow Protocol – Giao thức giao dịch hoàn toàn phi tập trung, sử dụng cơ chế đấu giá theo lô (Bathc Auctions) để tìm mức giá tốt nhất cho các giao dịch.
- MEV Blocker: MEV Blocker là một RPC Endpoints được thiết kế để bảo vệ các giao dịch của người dùng khỏi các cuộc tấn công MEV như frontrunning và sandwiching.
- Cow AMM: Cow AMM là một loại AMM mới giúp bảo vệ nhà cung cấp thanh khoản (LPs) khỏi tổn thất do chênh lệch giá chưa cập nhật (LVR). LVR xảy ra khi giá trong pool thanh khoản không kịp điều chỉnh, tạo cơ hội cho các arbitrageurs kiếm lời, gây thiệt hại cho LPs. Cow AMM khắc phục triệt để vấn đề này bằng cơ chế bảo vệ giá mới, giúp các pool thanh khoản hoạt động hiệu quả hơn so với Balancer và Uniswap.
Các sản phẩm của Cow DAO đều hướng tới mục tiêu nâng cao lợi ích và trải nghiệm người dùng, đồng thời giải quyết những vấn đề còn tồn đọng mà các dự án DEX truyền thống đang gặp phải.
2. Đội ngũ phát triển
Dự án chưa công bố thông tin đội ngũ phát triển.
3. Nhà đầu tư và đối tác
Vào tháng 3/2022, Cow Protocol đã huy động thành công 23 triệu USD từ các quỹ đầu tư uy tín như Delphi Digital, Blockchain Capital, Robot Ventures và một số nhà đầu tư khác. Tại vòng gọi vốn này, dự án được định giá khoảng 230 triệu USD, cho thấy sự tin tưởng mạnh mẽ từ các quỹ lớn vào tiềm năng phát triển của Cow Protocol.
Tháng 11/2024, Cow Protocol nhận thêm được sự đầu tư từ Green Field với số tiền không được tiết lộ.
4. Sản phẩm của Cow Protocol
Cow Protocol – Sàn DEX tổng hợp thanh khoản từ nhiều nguồn nhằm mang lại mức giá tốt nhất cho người dùng thông qua các cơ chế nổi bật mà mình sẽ làm rõ từng phần dưới đây.
Trong hệ thống hoạt động của Cow Protocol, bạn cần nắm rõ vai trò của một số nhân tố như:
- Solvers: Solvers là các bên thứ ba tham gia vào quá trình khớp lệnh. Họ cạnh tranh để đề xuất giải pháp khớp lệnh tốt nhất cho mỗi lô giao dịch, nhằm tối ưu hóa lợi ích cho người dùng. Solver chiến thắng sẽ thực hiện giao dịch và nhận phần thưởng từ giao thức.
- Coincidence of Wants (CoWs): Một trong những điểm nổi bật của CoW Protocol là khả năng tìm ra các “nhu cầu trùng khớp” (CoWs), tức là khi có hai hoặc nhiều người dùng muốn trao đổi tài sản trực tiếp với nhau mà không cần thông qua thị trường trung gian. Việc này giúp giảm chi phí và cung cấp giá tốt hơn cho người dùng.
- Liquidity Aggregation: Nếu không tìm thấy CoWs trong lô giao dịch, Solvers sẽ tìm kiếm thanh khoản từ các nguồn khác như AMM (Uniswap, Sushiswap), DEX Aggregators (1inch, Paraswap) và các nhà tạo lập thị trường riêng để đảm bảo người dùng nhận được giá tốt nhất.
Đây đều là các thành phần tham gia vào quá trình khớp lệnh của 1 giao dịch. Bây giờ hãy cùng đi sâu vào từng cơ chế của Cow Protocol để xem cách giao thức triển khai một giao dịch là như thế nào nhé!
4.1 Trade Intents
Thay vì thực hiện giao dịch trực tiếp trên chuỗi khối, người dùng CoW Protocol gửi một thông điệp đã ký, gọi là “ý định giao dịch”, chứa các thông tin như cặp tài sản, số lượng và giới hạn giá mong muốn. Việc này giúp giảm chi phí gas và tăng tính linh hoạt cho người dùng.
VD: Giả sử bạn muốn đổi 1 ETH lấy DAI nhưng chỉ chấp nhận giá từ 1 ETH = 1800 DAI trở lên. Bạn gửi một “ý định giao dịch” tới CoW Protocol để thực hiện giao dịch này. Ý định này giống như một thông điệp đã ký, cho biết điều kiện giao dịch của bạn mà không thực hiện giao dịch ngay lập tức. Điều này giúp giảm phí gas vì không phải tốn chi phí để đưa từng lệnh lên blockchain khi chưa cần.
Trade intents của CoW Protocol có một số nét tương đồng với lệnh limit trong giao dịch truyền thống, nhưng có vài điểm khác biệt quan trọng:
- Giống: Cả trade intents và lệnh limit đều cho phép người dùng thiết lập mức giá tối thiểu hoặc tối đa mà họ sẵn sàng mua hoặc bán tài sản.
- Khác: Trade intents trong CoW Protocol là các thông điệp được ký số, thể hiện ý định giao dịch nhưng không gửi ngay lên Blockchain, giúp giảm chi phí gas và tránh phải đưa từng lệnh lên chuỗi ngay lập tức.
4.2 Batch Auctions
Cow Protocol thu thập các ý định giao dịch (Trade Intents) trong một khoảng thời gian nhất định và nhóm chúng lại thành một lô (Batch). Sau đó, giao thức tiến hành đấu giá để tìm ra cách khớp lệnh tối ưu cho toàn bộ lô, thay vì xử lý từng giao dịch riêng lẻ. Phương pháp này giúp tận dụng hiệu quả thanh khoản và giảm thiểu tác động của các cuộc tấn công MEV (Maximal Extractable Value).
VD
Giả sử có ba người dùng tham gia CoW Protocol cùng lúc:
- Người A muốn bán 10 ETH để lấy DAI, và chấp nhận giá 1 ETH = 1800 DAI.
- Người B muốn bán 2000 DAI để lấy ETH, và chấp nhận giá 1 ETH = 1900 DAI.
- Người C muốn bán 0.5 ETH để lấy DAI, và cũng chấp nhận giá tối thiểu là 1 ETH = 1850 DAI.
Bước 1: Cách hoạt động của Batch Auction
- Tạo Batch: CoW Protocol sẽ tập hợp tất cả các ý định giao dịch từ người A, B, và C vào một batch (lô) trong một khoảng thời gian nhất định. Thay vì xử lý riêng lẻ từng lệnh, giao thức sẽ xử lý các ý định này cùng lúc để tìm phương án khớp lệnh tối ưu nhất.
- Xác định “Coincidence of Wants” (CoW): Giao thức sẽ tìm xem có sự “trùng hợp mong muốn” nào giữa các người dùng trong lô này không.
Bước 2: Lúc này hệ thống sẽ tiếp tục xử lý như sau
- Người A muốn bán ETH lấy DAI, và Người B muốn bán DAI lấy ETH. Điều này tạo ra một cơ hội khớp lệnh trực tiếp giữa hai bên.
- Tuy nhiên, giá mong muốn của Người A là 1 ETH = 1800 DAI, trong khi Người B muốn 1 ETH = 1900 DAI, nên không thể khớp trực tiếp.
Bước 3: Giải quyết Batch thông qua Đấu giá
- CoW Protocol sử dụng đấu giá để tìm ra mức giá phù hợp nhất cho toàn bộ batch. Các Solvers (người giải quyết) sẽ tham gia đấu giá, cạnh tranh nhau để đưa ra giải pháp tối ưu cho việc khớp lệnh của tất cả người dùng trong batch.
- Solver có thể đề xuất mua ETH từ Người A với giá 1 ETH = 1850 DAI, rồi bán ETH này cho Người B và Người C với giá tương tự, đồng thời tận dụng thanh khoản từ các DEX bên ngoài như Uniswap hoặc Sushiswap nếu cần.
Bước 4: Thực hiện Giao dịch
- Sau khi có được giải pháp khớp lệnh tối ưu, solver chiến thắng sẽ thực hiện giao dịch và các người dùng trong batch sẽ nhận được tài sản với mức giá tốt nhất có thể.
Kết quả:
Nhờ vào Batch Auctions, CoW Protocol giúp:
- Giảm chi phí giao dịch: Vì tất cả giao dịch trong batch được thực hiện cùng lúc, giảm chi phí gas.
- Tận dụng thanh khoản: Solvers có thể lấy thanh khoản từ các nguồn bên ngoài nếu cần, đảm bảo mức giá tốt nhất.
- Tránh được các rủi ro tấn công MEV: Vì giao dịch không bị xử lý riêng lẻ trên chuỗi.
4.3 Cow Swap
Cow Swap là phần giao diện để người dùng tương tác được xây dựng trên nền tảng Cow Protocol và hiện đang là cách phổ biến nhất để người dùng giao dịch với Cow Protocol.
Các ứng dụng và dApp giao dịch khác như Balancer cũng đã tích hợp Cow Protocol trực tiếp trong giao diện giao dịch của họ.
5. Lộ trình phát triển
Hiện tại, CoW Protocol chưa công bố lộ trình phát triển chi tiết cho giai đoạn tiếp theo trong tương lai.
6. Tokenomics
6.1 Thông tin tổng quan về token COW
Tên Token | Cow Protocol |
Blockchain | Ethereum |
Ticker | COW |
Contract | 0xdef1ca1fb7fbcdc777520aa7f396b4e015f497ab |
Tổng cung | 1 tỷ COW |
Sàn giao dịch | Binance, Coinbase, HTX, Gate.io… |
6.2 Token Allocation và Token Unlock
1 tỷ COW sẽ được phân bổ với tỉ lệ sau:
- CoW DAO Treasury 44.4%: Không có thông tin cụ thể về vesting, được kiểm soát bởi cộng đồng DAO.
- Team 15%: Mở khóa tuyến tính 4 năm thời điểm TGE.
- GnosisDAO 10%: Mở khóa tuyến tính 4 năm thời điểm TGE.
- CoWmunity Airdrop 10%: Không có thông tin về vesting cho airdrop, có thể đã mở khóa ngay 100% tại TGE để tạo điều kiện cho các thành viên cộng đồng sử dụng.
- CoWmunity Investment 10%: Mở khóa tuyến tính 4 năm thời điểm TGE.
- CoW Advisory 0.6%: Mở khóa tuyến tính 4 năm thời điểm TGE.
- Investment Round 10%: Mở khóa tuyến tính 4 năm thời điểm TGE.
Các quỹ đầu tư đã bắt đầu nhận token, nhưng hiện tại vẫn thiếu thông tin chi tiết về các vòng định giá để xác định mức lợi nhuận của họ, khiến việc xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp trở nên khó khăn.
Phần lớn lượng token được phân bổ cho các bên nội bộ; ngay cả Treasury chiếm tới 44% cũng đòi hỏi chúng ta đặt niềm tin vào việc dự án sẽ sử dụng nguồn vốn này một cách minh bạch và hiệu quả.
Trong khi đó, đội ngũ dự án lại ẩn danh, và có rất nhiều đồng coin khác trên thị trường với thông tin minh bạch hơn. Vì vậy, việc đầu tư vào COW trở thành một ván bài đầy rủi ro.
6.3 Token Usecase
COW có thể được dùng để làm những việc sau:
- Quản trị
- Trả phí giao dịch khi sử dụng các sản phẩm trong hệ sinh thái Cow Protocol
- Staking
- Phần thưởng khuyến khích cho các nhà cung cấp thanh khoản
7. Tiềm năng và thách thức
Tiềm năng:
- Dự án mang tới mô hình khá mới nhờ vào các cơ chế “độc lạ” từ đó giúp người dùng giảm chi phí giao dịch, chống MEV… mang lại trải nghiệm tốt hơn so với các DEX thông thường.
Thách thức:
- Cow Protocol mang đến một ý tưởng mới lạ và thú vị, nhưng để đánh giá xem liệu cơ chế của nó có vượt trội hơn các mô hình truyền thống như AMM DEX hay DEX Aggregator hay không, chúng ta cần thêm thời gian để kiểm chứng hiệu quả thực tế.
- Về tokenomics, đây là điểm mà các nhà đầu tư nên lưu ý, vì hiện có rất ít dữ liệu để đánh giá chi tiết, trong khi phần lớn token đã được phân bổ cho đội ngũ phát triển và các quỹ đầu tư.
- Mô hình hoạt động độc đáo của Cow Protocol có thể yêu cầu các nhà phát triển và dự án khác phải điều chỉnh để tích hợp, điều này có thể làm chậm quá trình áp dụng rộng rãi.
- Bên cạnh đó, Cow Protocol phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các sàn DEX lớn và có lượng người dùng đông đảo như Uniswap và SushiSwap.
8. Kênh thông tin dự án
9. Tổng kết
Hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về Cow Protocol, đồng thời cung cấp những insights hữu ích hỗ trợ cho quyết định đầu tư của bạn.