1. CPI Là Gì?
CPI (Consumer Price Index – Chỉ số Giá Tiêu Dùng) là một con số được dùng để đo lường sự thay đổi giá cả của hàng hóa và dịch vụ mà người tiêu dùng mua theo thời gian. Nó giúp chúng ta hiểu rõ liệu giá cả đang tăng lên (lạm phát) hay giảm xuống (giảm phát).
CPI được tính toán dựa vào giá của các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục… và thường công bố định kỳ hàng tháng, bởi các cơ quan thống kê của từng quốc gia.
Ví dụ: Hãy tưởng tượng bạn thường xuyên mua một giỏ hàng gồm những thứ như gạo, sữa, thịt và xăng. Nếu tổng số tiền để mua giỏ hàng này vào năm 2023 là 100 đồng, nhưng đến năm 2024 lại là 110 đồng, thì CPI tăng 10%. Điều này cho thấy giá cả đã tăng, và cuộc sống có thể trở nên đắt đỏ hơn so với năm trước.
2. Công thức tính chỉ số CPI
Ví dụ: tính chỉ số CPI cho hai năm 2022 và 2023 dựa trên một giỏ hàng hóa cơ bản:
Danh mục | Trọng số | Giá năm 2022 | Tổng chi phí 2022 | Giá năm 2023 | Tổng chi phí 2023 |
Thực phẩm | 15% | $10,000 | $1,500 | $10,500 | $1,575 |
Nhà ở | 30% | $20,000 | $6,000 | $21,000 | $6,300 |
Giao thông | 10% | $5,000 | $500 | $5,200 | $520 |
Dịch vụ y tế | 5% | $2,000 | $100 | $2,100 | $105 |
Giáo dục và Giải trí | 5% | $3,000 | $150 | $3,200 | $160 |
Áp dụng vào công thức tính thì CPI năm 2023:
CPI = 105 có nghĩa là giá cả trung bình của giỏ hàng tiêu dùng đã tăng 5% kể từ năm 2022 đến năm 2023. Chỉ số này cho thấy nền kinh tế đang rơi vào lạm phát. Khi với cùng một số tiền, người tiêu dùng sẽ mua được ít hàng hóa hơn so với năm trước do giá cả đã tăng lên.
3. Tầm ảnh hưởng của chỉ số CPI với thị trường Crypto
Là một trong các nền kinh tế lớn nhất thế giới, nên chỉ số CPI của Mỹ có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thị trường tài chính, bao gồm cả thị trường crypto:
- Ảnh hưởng đến dòng vốn và sức mạnh đồng USD: Khi CPI cao vượt quá mục tiêu, khả năng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất từ đó sức mạnh của đồng USD sẽ được củng cố, khiến giá trị của các tài sản định giá bằng USD như Bitcoin và các đồng altcoins sẽ chịu áp lực giảm. Ngược lại, CPI thấp có thể khiến dòng vốn chảy vào các tài sản rủi ro hơn như crypto khi các nhà đầu tư tìm kiếm đến các cơ hội đầu tư khác.
- Tác động đến chính sách tiền tệ: Nếu CPI cao hơn kỳ vọng, FED có thể thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất, khiến dòng tiền chảy ra khỏi các tài sản rủi ro như crypto. Ngược lại, CPI thấp hơn kỳ vọng có thể FED sẽ duy trì hoặc giảm lãi suất, tạo cơ hội cho thị trường crypto tăng trưởng trở lại.
- Tâm lý và chiến lược của nhà đầu tư: Số liệu CPI khác kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tâm lý đáng kể trong thị trường, sẽ gây ra các biến động về giá. Do vậy, khi đầu tư bạn cần theo dõi sát sao các báo cáo vĩ mô như CPI để có cho mình chiến lược đầu tư kịp thời và giảm thiểu rủi ro.
- Ảnh hưởng đến cung tiền M2: Chỉ số CPI sẽ tác động mạnh đến chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Khi CPI tăng cao, các ngân hàng trung ương thường thắt chặt cung tiền M2 bằng cách tăng lãi suất, giảm lượng tiền trong lưu thông. Điều này có thể làm giá Bitcoin giảm do dòng vốn chuyển sang các tài sản an toàn hơn và ngược lại, CPI thấp có thể thúc đẩy các chính sách nới lỏng tiền tệ và khi này giá Bitcoin thường có xu hướng tăng sau đó.
Dưới đây là một số kịch bản về chỉ số CPI và cách chúng có thể ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nói chung và thị trường crypto nói riêng:
- CPI cao hơn dự kiến
Khi CPI cao hơn dự kiến, điều này báo hiệu lạm phát tăng, nếu vượt ngưỡng cho phép, FED có thể phải tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định giá cả bằng cách giảm lượng tiền trong lưu thông.
Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư thường có xu hướng rút vốn khỏi các tài sản có tính rủi ro cao như crypto để chuyển sang các tài sản an toàn hơn, như trái phiếu hoặc vàng. Hệ quả là thị trường crypto có thể sẽ bị sụt giảm.
- CPI thấp hơn dự kiến
Ngược lại, khi CPI thấp quá ngưỡng mục tiêu, FED có thể giảm lãi suất nhằm kích thích tiêu dùng và đầu tư, tránh tình trạng suy thoái hoặc giảm phát.
Khi đó, nguồn tiền trên thị trường sẽ dư thừa, nhà đầu tư có xu hướng phân bổ vốn nhiều hơn vào các tài sản rủi ro như crypto để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Điều này có thể khiến dòng vốn đổ vào thị trường crypto nhiều hơn, tăng thanh khoản và giá trị của tài sản.
- CPI ổn định trong ngưỡng mục tiêu
Nếu CPI ổn định trong ngưỡng mục tiêu (thường khoảng 2% – mức mục tiêu của nhiều ngân hàng trung ương), FED có thể duy trì chính sách tiền tệ hiện tại, giữ nguyên mức lãi suất.
Trong tình huống này, nhà đầu tư có thể tự tin hơn trong việc duy trì hoặc tăng cường đầu tư vào các tài sản rủi ro, bao gồm crypto, nhờ sự ổn định về kinh tế vĩ mô và kỳ vọng vào lợi nhuận dài hạn.
Tuy nhiên, cần nhớ rằng dù CPI có tác động nhất định đến thị trường, nhưng thị trường crypto có những biến động khó lường và không phải lúc nào cũng phản ánh trực tiếp các chỉ số kinh tế, do đó nhà đầu tư cần cân nhắc cẩn thận khi đưa ra quyết định.
4. Cách đọc chỉ số CPI hiệu quả
Để đọc và phân tích báo cáo CPI một cách hiệu quả, các bạn cần quan tâm đến các dữ liệu sau:
- Actual – Chỉ số kỳ này: Đây là chỉ số CPI thực tế được công bố bởi Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (U.S. Bureau of Labor Statistics) và phản ánh mức độ thay đổi giá cả tiêu dùng trong tháng vừa qua.
- Forecast – Chỉ số dự báo: Đây là chỉ số dự đoán được các chuyên gia kinh tế đưa ra trước khi báo cáo CPI thực tế được công bố. Nó cho thấy kỳ vọng của thị trường về mức lạm phát.
- Previous – Chỉ số của kỳ trước: Đây là giá trị CPI của tháng trước, giúp so sánh và theo dõi xu hướng thay đổi giá cả qua các tháng.
Dựa vào các chỉ số này, bạn có thể phân tích xu hướng lạm phát hay giảm phát của thị trường và từ đó đưa ra những quyết định đầu tư cho riêng mình.
4.1 Những chỉ số quan trọng trong cáo cáo về CPI là gì?
Khi đọc về CPI, có 4 chỉ số quan trọng mà bạn cần lưu ý để hiểu rõ hơn về tình hình lạm phát và sức khỏe của nền kinh tế như sau:
- CPI tháng (Month-over-Month CPI): Đây là chỉ số đo lường mức thay đổi giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng từ tháng này so với tháng trước. Chỉ số này sẽ giúp bạn nắm bắt những biến động ngắn hạn trong giá cả tiêu dùng, từ đó có cái nhìn rõ ràng hơn về xu hướng lạm phát trong thời gian gần đây.
- CPI năm (Year-over-Year CPI): Đây là chỉ số so sánh mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của tháng hiện tại so với cùng kỳ năm trước. CPI năm cho thấy mức độ lạm phát trong dài hạn, cung cấp cái nhìn tổng quát về xu hướng giá cả trong vòng một năm qua. Đây là một trong những chỉ số được các nhà kinh tế và nhà đầu tư quan tâm hàng đầu, vì nó phản ánh xu hướng lạm phát dài hạn.
- CPI lõi tháng (Month-over-Month Core CPI): Chỉ số này tương tự CPI Tháng nhưng loại trừ các mặt hàng có giá cả biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, do giá của chúng thường chịu ảnh hưởng bởi thời tiết, địa chính trị và cung cầu toàn cầu. CPI lõi tháng giúp cung cấp cái nhìn rõ hơn về xu hướng lạm phát cơ bản, không bị tác động bởi các yếu tố ngắn hạn.
- CPI lõi năm (Year-over-Year Core CPI): Đây là chỉ số so sánh mức giá trung bình của giỏ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, loại trừ thực phẩm và năng lượng, của tháng hiện tại so với cùng kỳ năm trước. CPI lõi năm được sử dụng để đánh giá mức lạm phát cơ bản của nền kinh tế trong dài hạn, và thường là một trong những chỉ số mà Ngân hàng Trung ương và các nhà hoạch định chính sách tiền tệ quan tâm nhất khi ra quyết định.
4.2. Khi nào chỉ số CPI được công bố và có thể xem chỉ số CPI ở đâu?
Ở Mỹ, chỉ số CPI (Consumer Price Index) được công bố hàng tháng bởi Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ (Bureau of Labor Statistics – BLS). CPI được công bố vào khoảng ngày 10 đến ngày 15 hàng tháng, thường vào lúc 8:30 sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ (ET) ~ 19:30 cùng ngày tại Việt Nam.
Các bạn có thể xem báo cáo này trực tiếp trên trang web của Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) hoặc thông qua các kênh tài chính như Bloomberg, CNBC, hoặc các nền tảng giao dịch cung cấp tin tức tài chính.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cập nhật các thông tin nhanh nhất về chỉ số CPI và các thông tin quan trọng của thị trường thông qua Channel Telegram của 5 Phút Crypto.
5. Kết Luận
Báo cáo CPI là một chỉ số quan trọng trong thị trường tài chính. Việc theo dõi và phân tích các số liệu CPI giúp bạn nắm bắt được cơ hội và đưa ra các quyết định đầu tư hợp lý trong bối cảnh thị trường luôn biến động, cùng với đó giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận từ các khoản đầu tư crypto của mình.
Thông qua bài viết, 5Money hy vọng các bạn đã hiểu thêm về thông tin chỉ số CPI là gì, cách đọc các chỉ số quan trọng và tác động của chỉ số này lên thị trường. Đừng quên đăng ký email để cập nhật thông tin và các bài viết mới nhất của 5Money nhé!
?