1. DeFAI là gì?
DeFAI là sự giao thoa giữa DeFi và AI, bằng cách tận dụng sức mạnh của AI, DeFAI loại bỏ những thao tác phức tạp, giúp việc sử dụng DeFi trở nên đơn giản và gần gũi hơn. Đây chính là cánh cửa để DeFi tiếp cận rộng rãi với mọi người trong cuộc sống hàng ngày.
Một trong những khó khăn lớn nhất khi tham gia DeFi đối với cả người mới và người cũ là sự phức tạp khi thực hiện giao dịch trên nhiều giao thức khác nhau. Thông thường, bạn phải:
- Truy cập đúng ứng dụng phi tập trung (dApp).
- Kết nối ví của mình (VD: Metamask, Ledger, Phantom…).
- Nhập các chi tiết giao dịch như số tiền, token muốn Swap.
- Xác nhận (và đôi khi phải xác nhận lại) giao dịch.
Quy trình này không chỉ tốn thời gian mà còn dễ xảy ra lỗi, đặc biệt nếu bạn đang sử dụng nhiều nền tảng DeFi cùng lúc.
Giao diện được hỗ trợ bởi AI (DeFAI) có thể làm đơn giản hóa quy trình này đáng kể. Thay vì phải bấm qua nhiều giao diện và kiểm tra kỹ địa chỉ hợp đồng, bạn chỉ cần sử dụng các lệnh đơn giản như:
- “Chuyển 3 ETH sang USDC”
- “Cung cấp thanh khoản vào pool ETH-USDC”
- “Bridge ETH của tôi từ Mainnet sang L2 Base”

Bằng cách tự động hóa quá trình tạo giao dịch và chỉ để người dùng thực hiện bước ký cuối cùng, DeFAI cải thiện đáng kể trải nghiệm người dùng và loại bỏ nhiều rào cản khiến mọi người e ngại khi tham gia vào DeFi.
Đây là một bước đột phá, giúp tài chính phi tập trung dễ dàng tiếp cận hơn với mọi người, cho phép họ tập trung vào việc đạt được kết quả giao dịch mong muốn thay vì phải loay hoay với các thao tác phức tạp.
2. Tổng quan hệ sinh thái DeFAI
Hiện tại hệ sinh thái DeFAI có thể được chia thành 3 thành phần chính:
- Abstraction Layers
- Autonomous Trading Agents
- AI-Powered dApps
Mỗi thành phần trong DeFAI đều hướng tới một mục tiêu chung đó là giúp người dùng quản lý, thao tác với DeFi một cách đơn giản nhất. Để dễ hình dung bạn hãy tưởng tượng nó giống với cách bạn sử dụng ChatGPT để nhờ chúng quản lý danh mục đầu tư. Chỉ cần viết ra yêu cầu, các AI Agents sẽ tự động thực hiện chúng cho bạn.
Cùng 5 Phút Crypto tìm hiểu sâu hơn về cấu tạo của từng thành phần nhé!
2.1 Abstraction Layers
Abstraction Layer với mục tiêu mang tới một trải nghiệm thân thiện hơn cho người dùng bằng cách ẩn đi sự phức tạp của các giao thức DeFi, thay vào đó là các giao diện trực quan, dễ thao tác. Người dùng có thể tương tác với các giao thức DeFi thông qua các câu lệnh tương tự như cách họ sử dụng Chat GPT.
Hình bên dưới là ví dụ cho việc sử dụng AI trong DeFi:
- Tác giả đã sử dụng Griffain (AI Agent) để nhờ chúng tạo Memecoin.
- Thay vì bạn phải vào Pump.fun tự thao tác thì giờ đây bạn chỉ cần chọn dApps mình muốn tương tác và đưa ra câu lệnh, mọi thứ trở nên đơn giản và gần gũi hơn rất nhiều, đặc biệt là cho người mới.

Tiếp theo chúng ta cũng có một ví dụ về việc sử dụng AI Agent – Orbit. Tác giả đã đưa ra câu lệnh “Can you Swap 40 USDC for Sol on Solana” và kết quả đó là bạn không cần phải vào các DEX để thao tác mà chỉ cần viết yêu cầu, mọi thứ sẽ được AI Agent làm giúp bạn.
Bên cạnh các câu lệnh trên, bạn cũng có thể đưa ra một số yêu cầu khác như:
- Nếu token A đạt tới vốn hóa 5 triệu USD vốn hóa hãy bán 25% số token của tôi (Lệnh Limit nhưng giờ đây bạn có thể viết ra bằng câu lệnh).
- Nếu token B có giá 0.1 USD hãy dùng 1000 USD và mua cho tôi tại mức giá đó.
=> Đây là một giải pháp khá hay khi trong bối cảnh hiện tại DeFi đang gây ra rất nhiều khó khăn cho người dùng, đặc biệt là người mới.
2.2 Autonomous Trading Agents
Autonomous Trading Agents (ATA) là một phiên bản cao cấp hơn của Trading Bot, chúng có khả năng hoạt động độc lập, tư động học hỏi và đưa ra các quyết định thông minh hơn theo thời gian.
Trading Bot thực tế đã xuất hiện rất nhiều năm trước đây, tuy nhiên chúng chỉ hoạt động dựa trên các dữ liệu được lập trình sẵn, giống như một chiếc máy làm việc theo hướng dẫn cố định, ATA thì lại hoàn toàn khác:
- Agent thông minh hơn: Nó có thể tự tìm kiếm thông tin từ những nguồn dữ liệu lộn xộn và liên tục thay đổi.
- Hiểu mục tiêu rõ ràng: Agent biết cách xử lý dữ liệu dựa trên mục tiêu cụ thể mà nó được giao.
- Học hỏi theo thời gian: Agent có thể tìm ra các xu hướng hoặc quy luật và tự cải thiện để đưa ra quyết định tốt hơn.
- Làm những việc không được lập trình trước: Agent có thể thực hiện các hành động mà chủ sở hữu không cần hướng dẫn chi tiết, vì nó biết cách tự tìm ra giải pháp phù hợp.
Nói đơn giản, bot giao dịch giống như một chiếc máy làm việc lặp đi lặp lại, còn agent giống như một “trợ lý thông minh” có thể học hỏi và sáng tạo khi làm việc.
Tuy vậy các ATA hầu hết vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa có dự án nào tiến vào giao đoạn hoạt động thực tế. Đội ngũ của 5 Phút Crypto sẽ liên tục cập nhật những thông tin mới nhất về ngách này đến cho quý độc giả.
Một số dự án tiềm năng mà bạn có thể quan sát bao gồm:

Hiện tại, lĩnh vực này đang phát triển rất nhanh. Ban đầu, các Agent được tạo ra chủ yếu để giải trí, chẳng hạn như đặt cược vào các đồng “shitcoin”, nhưng giờ đây chúng đang chuyển hướng trở thành các công cụ thực tế, tập trung vào việc tạo lợi nhuận, giúp người dùng giao dịch hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, vẫn còn một thách thức quan trọng: Làm thế nào để xác minh rằng một “Agent” thật sự là một ATA mà không phải chỉ là một bot thông thường, hoặc thậm chí có con người đứng sau thao túng?
Đây chính là ranh giới cần làm rõ để đảm bảo Agent mang lại giá trị thực sự, thay vì chỉ là một lớp vỏ tinh vi của các công cụ cũ.
Tới đây chúng ta sẽ có thêm vai trò của một ngách khác đó là DeAI – Decentralized AI.
2.3 DeAI – Môi trường AI phi tập trung
Niềm tin là nền tảng của AI phi tập trung. Khi các AI Agent ngày càng trở nên tự chủ hơn, chúng ta cần những hệ thống cho phép xác minh những gì đang diễn ra bên trong. Những câu hỏi như sau cần được giải đáp rõ ràng:
- Agent này có thực sự là AI không, hay chỉ là con người giả mạo?
- Kết quả đầu ra có chính xác và được tạo ra bởi thuật toán hoặc mô hình đã được công bố không?
- Các phép tính có được thực hiện chính xác và an toàn không?
Đây là những yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin và đảm bảo hệ thống hoạt động đúng như kỳ vọng.
Trong DeAI, TEE (Trusted Execution Environment) là một từ khóa/công nghệ quan trọng, đóng vai trò cốt lõi trong việc đảm bảo các agent hoạt động an toàn, độc lập và không bị can thiệp từ phía con người.
Một số dự án đang làm trong mảng TEE mà bạn có thể để mắt tới bao gồm:
2.4 AI-powered dApps
Các dApp được hỗ trợ bởi AI (AI-powered dApps) là một lĩnh vực đầy tiềm năng nhưng còn mới mẻ trong không gian DeFAI. Đây là các ứng dụng phi tập trung (dApp) hoàn chỉnh, tích hợp AI hoặc các AI Agents để nâng cao tính năng, tự động hóa, và trải nghiệm người dùng.
Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng ra một số ứng dụng của dApp được hỗ trợ bơi AI như:
- ARMA: Công cụ tự động hóa Farming Stablecoin phù hợp với người từng khẩu vị của dùng, do gizatechxyz phát triển.
- Modius: Các Agent tự động hóa Farming trên Balancer LPs, được hỗ trợ bởi autonolas.
- Amplifi Lending Agents: Do Amplifi_Fi phát triển, các Agent này tích hợp với IroncladFinance để tự động chuyển đổi tài sản, cho vay trên Ironclad, và tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách cân đối lại tài sản tự động.
Các dự án trong mảng này vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển nên chúng ta cũng cần chờ thêm, tuy nhiên tiềm năng của chúng là không phải bàn cãi.
3. Tiềm năng và thách thức
3.1 Tiềm năng
Từ những thông tin trên mình tin rằng DeFAI, AI Agent sẽ là xu hướng tiếp theo vì những lí do sau đây:
- Tính khả thi? Hoàn toàn xây dựng được.
- Tính ứng dụng? Cực kỳ cao.
- Lợi ích mà nó mang lại cho DeFi? Rất cao khi đơn giản hóa thao tác cho người dùng.
Hãy tưởng tượng bạn chỉ cần ra lệnh như sau:
“Chuyển ETH của tôi từ Mainnet sang Base, Swap một nửa thành USDC, Tạo một pool thanh khoản Uniswap v2 bằng 2 token đó, rồi gửi token LP Token trở lại ví chính của tôi.”
Một DeFi Agent sẽ tự động xử lý toàn bộ quy trình này:
- Xác định giao thức Bridging an toàn (dựa trên các công cụ được nhà phát triển phê duyệt).
- Tìm đường hoán đổi có chi phí thấp nhất.
- Tạo Pool thanh khoản trên Uniswap (hoặc một DEX khác).
- Gửi token LP tạo ra về lại ví của bạn.
Quy trình này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian mà còn loại bỏ hầu hết các thao tác thủ công, khiến DeFi trở nên dễ dàng và thân thiện hơn rất nhiều.
DeFAI cũng có thể mở ra thêm các ứng dụng AI vào trong việc Research như: “Tìm một đồng coin tương tự như ai16z nhưng có vốn hóa thị trường lớn hơn. Và ai16z cần tăng bao nhiêu để đạt mức vốn hóa đó?”.
=> Đây sẽ là phương án rút ngắn khoảng cách giữa người dùng Web2 và không gian Web3 đi rất nhiều.
3.2 Thách thức
Bên cạnh tiềm năng bùng nổ, DeFAI cũng phải đối diện với tương đối nhiều khó khăn, trong đó bao gồm:
- Các AI Agent theo kiểu tự động (ATA) vẫn đang bị đặt dấu hỏi về khả năng tự đầu tư của các Agent này. Liệu chúng có thực sự mang lại hiệu quả cho người dùng hay không?
- Bảo mật là yếu tố tiếp theo cần xét đến, việc minh bạch trong cách các Agent hoạt động (VD: xác minh các giao dịch, dữ liệu đầu ra, tính bảo mật) sẽ là một yếu tố quan trọng để xây dựng niềm tin. Các hạ tầng như TEE, zkML, và cơ chế xác minh sẽ cần được phát triển mạnh mẽ để đảm bảo tính đáng tin cậy và bảo mật.
- Để DeFAI hoạt động hiệu quả, các hệ thống cần xử lý dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau như on-chain analytics, tài liệu giao thức, và thị trường theo thời gian thực. Điều này đòi hỏi sự phối hợp phức tạp giữa các công nghệ.
- Một trong những mục tiêu lớn của DeFAI là đơn giản hóa trải nghiệm người dùng. Tuy nhiên, để đạt được điều này, cần phải đảm bảo rằng giao diện ngôn ngữ tự nhiên hoạt động chính xác và dễ sử dụng, đồng thời giảm thiểu lỗi trong quá trình xử lý.
- Khi các agent bắt đầu xử lý khối lượng tài sản khóa lớn (TVL), vấn đề bảo mật trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các lỗ hổng trong mã nguồn hoặc giao thức có thể dẫn đến tổn thất nghiêm trọng.
4. Tổng kết
Hi vọng qua bài viết bạn đã có được góc nhìn tổng quan về DeFAI là gì, đây là một thuật ngữ mới bắt nguồn từ việc ứng dụng AI vào DeFi. Đội ngũ của 5 Phút Crypto sẽ liên tục cập nhật các dự án mới nhất đến cho mọi người.