1. Farcaster ra mắt lớp dữ liệu Snapchain

Đội ngũ phát triển Farcaster mới đây đã thông báo sẽ triển khai Testnet cho lớp dữ liệu (data layer) Snapchain vào tháng 12 và dự kiến chính thức triển khai Mainnet vào quý 1 năm 2025.

Snapchain được giới thiệu là một lớp dữ liệu mới dành cho mạng xã hội Farcaster, giúp các ứng dụng trên nền tảng này luôn đồng bộ với nhau. Snapchain được xây dựng bằng ngôn ngữ lập trình Rust, với khả năng xử lý hơn 10.000 giao dịch mỗi giây (TPS) và sẽ hỗ trợ hàng triệu người dùng mỗi ngày.

Mặc dù Snapchain có vẻ giống một blockchain thông thường, nhưng lớp dữ liệu này có một số điểm khác biệt giúp nó trở nên nhanh hơn, tiết kiệm chi phí hơn và dễ sử dụng hơn cho mạng xã hội:

  • Các giao dịch trên Snapchain chỉ thực hiện những thao tác đơn giản và không yêu cầu tính toán phức tạp.
  • Không tính phí mỗi giao dịch.
  • Lịch sử giao dịch sẽ được tự động “dọn dẹp” thường xuyên.

2. Các tính năng của Snapchain

Xử lý giao dịch

Giao dịch trên Snapchain rất đơn giản, ví dụ các thao tác như like, follow hay giao dịch chỉ thay đổi trạng thái của một tài khoản duy nhất. Việc này giúp việc phân mảnh (sharding) trở nên dễ dàng hơn, vì mỗi giao dịch chỉ ảnh hưởng đến tài khoản đó.

Farcaster ra mắt lớp dữ liệu Snapchain, dự kiến mainnet vào quý 1/2025
Xử lý giao dịch trên Snapchain

Phí giao dịch

Việc yêu cầu người dùng trả tiền cho từng giao dịch sẽ gây ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng, bất kể mức phí nhỏ như thế nào. Vì thế, Snapchain cung cấp cho người dùng giao dịch không giới hạn với một khoản phí nhất định hàng năm.

Cụ thể, với khoản phí 2 USD/năm, người dùng sẽ nhận được:

  • 500 giao dịch mỗi giờ.
  • Lưu trữ tối đa 10.000 giao dịch.

Nếu người dùng vượt quá giới hạn lưu trữ hay lượng giao dịch mỗi giờ, người dùng có thể trả thêm phí để nâng cấp giới hạn. Nếu vượt quá giới hạn lưu trữ, người dùng vẫn có thể gửi giao dịch, nhưng các bài đăng cũ sẽ được thay thế bằng bài mới.

Dọn dẹp lịch sử hoạt động

Snapchain tự động dọn dẹp các giao dịch cũ để tiết kiệm dung lượng lưu trữ, chỉ giữ lại những giao dịch cần thiết cho trạng thái hiện tại. 

Ví dụ, nếu Alice viết một bài đăng rồi xóa nó, hai giao dịch này có thể được gộp lại, vì hành động xóa sẽ hủy bỏ bài đăng trước đó, giúp tiết kiệm không gian lưu trữ.

Cơ chế hoạt động

Snapchain sử dụng một blockchain khác để quản lý tài khoản và thu phí, vì những việc này bản thân Snapchain không thể làm.

Người dùng tạo tài khoản bằng cách thực hiện giao dịch đăng ký trên OP Mainnet. Sau khi tài khoản được tạo, người dùng có thể sử dụng “app keys” đã được cung cấp trên hợp đồng (contract) này để ký các giao dịch trên Snapchain.

Farcaster ra mắt lớp dữ liệu Snapchain, dự kiến mainnet vào quý 1/2025
Cơ chế hoạt động của Snapchain

Mỗi block (khối) trên Snapchain sẽ chứa hai loại giao dịch:

  • Giao dịch blockchain: Những giao dịch này cập nhật thông tin tài khoản của người dùng (ví dụ, thay đổi số dư tài khoản hoặc trạng thái tài khoản).
  • Giao dịch Snapchain: Đây là các hành động xã hội của người dùng, chẳng hạn như like hay follow, ghi nhận các hoạt động trên mạng xã hội của họ.

Chi tiết về Snapchain v0 dành cho các nhà phát triển hiện đã được Farcaster công khai trên Github của dự án.

Snapchain của Farcaster được kỳ vọng khi ra mắt sẽ không chỉ cải thiện phần hạ tầng mà còn nâng cao trải nghiệm người dùng trong việc tối ưu hóa lưu trữ dữ liệu và tăng cường tốc độ giao dịch. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả thực tế của những cải tiến này, chúng ta vẫn cần chờ đợi thêm thời gian sau khi Snapchain chính thức triển khai trên Mainnet.