1. Tổng quan về Arbitrum
Arbitrum là Blockchain Layer 2 sử dụng công nghệ Optimistic Rollup, được thiết kế để tăng khả năng mở rộng cho Ethereum. Kể từ khi ra mắt vào tháng 8 năm 2021, Arbitrum đã thực hiện đúng tầm nhìn ban đầu là: cung cấp tốc độ giao dịch nhanh hơn và phí rẻ hơn so với Ethereum.
Arbitrum được phát triển bởi Offchain Labs và Arbitrum Foundation, với đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm như Ed Felten, cựu thành viên Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC), và James He, một trong những nhà phát triển chính của Ethereum.
Arbitrum là dự án dẫn đầu trong các Layer 2 Ethereum với tổng tài sản trên chuỗi lên đến 17 tỷ USD cùng hệ sinh thái gần 1 nghìn dApp với mũi nhọn là DeFi. Và là cái tên nổi bật nhất trong “Tứ Trụ Layer 2 Ethreum”, gồm 4 dự án Optimism, Arbitrum, ZKsync & StarkNet.

Ngoài ra, dự án đã gọi vốn được 123.7 triệu USD qua 3 vòng với sự tham gia của Polychain Capital, Mark Cuban, Lightspeed Venture, Pantera Capital, eGirl Capital và Manifold Trading. Đáng chú ý là Lightspeed Venture dẫn đầu hai vòng Series A và Series B, trong khi Pantera Capital dẫn đầu vòng Seed.

2. Tổng quan các chỉ số về hệ sinh thái Arbitrum quý 2 năm 2024
2.1 Cập nhật chỉ số onchain
2.1.1 Người dùng/địa chỉ ví
Trong quý 2/2024, tổng số địa chỉ ví trên chuỗi Arbitrum đã tăng gần 13.36 triệu, từ mốc 19.9 triệu đến 30 triệu địa chỉ, tương đương với mức tăng 49%. Đây là quý có số lượng địa chỉ tăng lớn nhất kể từ khi mạng lưới ra mắt.

Lượng địa chỉ hoạt động hằng ngày trên Arbitrum cũng tương đối cao với mức trung bình khoảng 600 nghìn. Đây cũng là quý có lượng địa chỉ hoạt động cao nhất từ trước đến nay.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến lượng địa chỉ ví mới tăng đột biến?
Cụ thể là có một dự án Social tên UXLINK chính thức hoạt động vào cuối năm 2023. Vào thời điểm đầu tháng 04 dự án ra mắt chương trình mint NFT để nhận airdrop Token UXLINK và kết thúc vào ngày 19 tháng 05. Nhờ đó mà lượng người dùng mới của dự án đã tăng từ 5 triệu lên 13 triệu trong quý 2, tương đương với mức tăng trưởng 160%.

Đáng chú ý là vào ngày 18 tháng 05, Arbitrum đã đạt mốc người dùng hoạt động cao nhất với gần 1.5 triệu, thì có đến 1.26 triệu trong số đó thuộc UXLINK. Và khoảng thời gian này có nhiều địa chỉ ví mới hoạt động. Do đó, lượng địa chỉ mới tăng trưởng trên chuỗi Arbitrum phần lớn đến từ nhu cầu mint NFT airdrop của UXLINK. Và lượng người dùng hoạt động trên chuỗi tăng cao cũng đến từ dự án này.
Ngoài ra, một dự án game mới có tên là Rumble Racing Star ra mắt vào đầu tháng 6 và góp phân không nhỏ vào lượng người dùng hoạt động mỗi ngày trên chuỗi Arbitrum với trung hơn 20 nghìn người người dùng.

2.1.2 Số lượng giao dịch
Có khoảng từ hơn 1 triệu đến 3 triệu giao dịch diễn ra mỗi ngày trên chuỗi Arbitrum. Và trở thành quý 2 có tổng số giao dịch cao nhất, hơn cả giai đoạn ra mắt Token ARB vào nửa đầu năm 2023.

2.1.3 TPS
Quý 2/2024 là quý đầu tiên mà Arbitrum có thể hoàn toàn vượt tốc độ giao dịch của Ethereum. Với trung bình khoảng 20 giao dịch mỗi giây, trong đó thời điểm thấp nhất là 14 giao dịch mỗi giầy vào ngày 01 tháng 04 và cao nhất là 40 giao dịch vào 20 tháng 06.

2.1.4 Phí giao dịch
Phí từ các giao dịch trên chuỗi Arbitrum trong quý 2 đã giảm hàng chục lần kể từ đầu năm 2023 xuống dưới 0.01 USD. Đây là thành quả nhờ nâng cấp Dencun trên Ethereum vào tháng 03 vừa rồi. Bản cập nhật này giúp các Layer 2 giảm đi khoảng 90% phí lưu trữ dữ liệu trên Ethereum.

2.1.5 Dòng tiền
Trong quý 2, có khoảng 3.3 tỷ USD được chuyển từ các hệ sinh thái khác đến Arbitrum. Trong đó, phần lớn dòng tiền đến từ Ethereum, với khoảng 2.7 tỷ USD. Xếp sau đó là các chuỗi Layer 2 như Linea, ZKsync Era, Base, Optimism,…

Và có khoảng 2.6 tỷ USD chảy ra khỏi hệ sinh thái Arbitrum đến các chuỗi khác. Đặc biệt, Ethereum là nơi đón dòng tiền lớn nhất với 2.2 tỷ USD. Xếp sau đó là các chuỗi Layer 2 như Base, Optimism, Linea, Solana,…

Tổng kết lại thì quý 2 có khoảng 700 triệu USD đổ vào Arbitrum, đưa dự án vào TOP 2 hệ sinh thái nhận được dòng tiền lớn nhất, chỉ xếp sau Optimism với 1.4 tỷ USD.
2.2 Cập nhật chỉ số DeFi
2.2.1 TVL
Tổng giá trị TVL của Arbitrum trong quý 2 chủ yếu đi ngang và giảm nhẹ. Khởi động quý 2, Arbitrum có TVL đạt mức cao nhất là 20 tỷ USD nhưng kết thúc quý, TVL lại giảm xuống còn 16,9 tỷ USD do ảnh hưởng của sự điều chỉnh giảm của thị trường chung.
Lưu ý: TVL tổng hay TVL trên chuỗi là tính giá trị của tất cả các tài sản trên chuỗi, kể cả lượng đã khóa trong Bridge. Còn TVL DeFi hay được thống kê bởi Defillama là lượng tài sản được khóa trong các dApp trên chuỗi.

Arbitrum sở hữu hơn 20 tỷ USD TVL trên chuỗi nhưng chỉ có khoảng 15%, tương đương với 3 tỷ USD đổ vào hệ sinh thái DeFi. Đây là con số khá khiêm tốn so với quy mô tài sản trên chuỗi, chứng tỏ các sản phẩm trên chuỗi này vẫn chưa phát huy hết tiềm năng để thu hút dòng tiền lớn đổ vào.

Trong đó, mảng Lending có TVL lớn nhất với 1.1 tỷ USD nhờ sự đóng góp của các dự án Aave, Compound, Radiant, Silo Finance & Dolomite. Riêng quý 2, Aave có TVL tăng từ 577 triệu USD lên 696 triệu USD, chiếm hơn 80% thị phần mảng Lending và khoảng 30% thị phần TVL của cả hệ sinh thái DeFi trên Arbitrum.
Nguồn thanh khoản còn lại phân bổ đều trong các mảng DEX, Derivative, Yield & Liquid Staking. Với các dự án nổi bật như GMX, Uniswap, Pendle & Renzo. Và một phần nhỏ được khóa trong một số mảng Cross-chain, CDP, RWA. Đáng chú ý là Pendle trên Arbitrum đã lập đỉnh cao nhất mọi thời đại với 878 triệu USD vào tháng 04, cho đến ngày cuối cùng của quý 2 là 30 tháng 6 thì TVL chỉ giảm còn 345 triệu USD. Nguyên nhân là do lượng lớn token EETH, rzETH, pufETH, rsETH, rswETH khóa trên giao thức đáo hạn trong tháng 06 và sự giảm nhiệt của airdrop nên người dùng không còn động lực tiếp tục gửi tiền nữa.
Ngoài ra, Whale Market chính thức hỗ trợ chuỗi Arbitrum vào ngày 14 tháng 05, nhanh chóng đạt gần 14 triệu USD TVL sau đó giảm còn 7 triệu USD. Và Orderly có TVL tăng từ 3.8 triệu USD lên 27 triệu, mức tăng trưởng rất lớn kể từ sau khi hỗ trợ chuỗi Arbitrum vào tháng 01/2024.
2.2.2 Volume giao dịch
Volume DEX Spot
Tổng khối lượng giao dịch Spot trong quý 2 đạt 52 tỷ USD, trung bình mỗi ngày dao động từ 300 đến 800 triệu USD. Tuy khối lượng giao dịch quý 2 đã giảm so với quý 1 là 65 tỷ USD nhưng đây cũng là mức cao so với các quý trước đây.

Và trong nửa đầu năm 2024, Arbitrum luôn đứng thứ 4 về volume giao dịch spot, sau Ethereum, Solana và BNB Chain. Nhìn lại giai đoạn 2023, Arbitrum thường xếp hạng 2 hoặc 3, cạnh tranh với BNB Chain & Etherem. Tuy nhiên, sang năm 2024, Solana đã thể hiện quá nổi bật và giật lấy vị trí này từ Arbitrum.
Trong các DEX Spot, Uniswap chiếm tỉ trọng cao nhất với 29.395 tỷ USD tương đương 56% thị phần trên Arbitrum. Bảng dưới là xếp hạng các DEX nổi bật trong quý 2 trên Arbitrum theo Volume giao dịch:
Tên dự án | Volume Quý 1 (Tỷ USD) | Volume Quý 2 (Tỷ USD) | So sánh quý 2 với quý 1 |
Uniswap | 35.4 | 29.4 | – 17% |
Camelot | 7.9 | 5.5 | – 31% |
Ramses | 4.0 | 5.1 | + 27% |
Trader Joe | 4.9 | 2.4 | – 51% |
Pancake | 0.5 | 1.8 | + 250% |
GMX | 2.4 | 1.8 | – 22% |
Vertex | 3.8 | 0.9 | – 75% |
Dodo | 0.5 | 0.8 | + 79% |
Theo bảng thống kê trên thì Uniswap và Camelot luôn là dự án dẫn đầu. Quý 2 chứng kiến sự tăng trưởng khối lượng giao dịch của Ramses, Pancake, Dodo còn lại đều đã giảm so với quý 1. Trong đó, đáng chú ý là Pancake đã tăng trưởng lớn nhất với 250% trong khi DEX có khối lượng giao dịch giảm nhiều nhất là Trader Joe với -51%.
Volume Perp DEX
Tổng khối lượng giao dịch Perp DEX trên Arbitrum trong quý 2 là 150.7 tỷ USD, cao hơn quý trước 8.7 tỷ USD, tương đương với mức tăng trưởng 6% và cũng là quý thứ 2 liên tiếp trong nửa đầu năm 2024, Arbitrum đạt được TOP 1 volume Perp DEX.

Dưới đây là bảng thống kê khối lượng giao dịch Perp DEX trong quý 1 và quý 2 của các dự án hàng đầu hệ sinh thái Arbitrum:
Tên dự án | Volume Quý 1 (Tỷ USD) | Volume Quý 2 (Tỷ USD) | So sánh Quý 2 với Quý 1 |
Orderly | 12.4 | 47.1 | + 280% |
Vertex Edge | 34.1 | 27.4 | – 20% |
Aark Digital | 12.5 | 17.8 | + 42% |
HMX | 11.5 | 15.5 | + 36% |
MYX Finance | Không có dữ liệu | 13.0 | Không có dữ liệu |
GMX | 25.1 | 12.3 | – 51% |
Gains | 12.0 | 5.5 | – 54% |
MUX Protocol | 15.5 | 2.7 | – 83% |
Vela Exchange | 1.9 | 1.1 | – 46% |
Dựa vào bảng thống kê, khối lượng giao dịch Perp DEX trong quý 2 trên Arbitrum chứng kiến sự biến động rất lớn. Lần đầu tiên, Orderly vượt lên dẫn đầu về volume giao dịch perp dex trên hệ sinh thái Arbitrum, với tổng khối lượng giao dịch đạt 47 tỷ USD tương đương với mức tăng 280% so với quý 1.
Trong quý 2 hệ sinh thái Arbitrum đã xuất hiện một cái tên mới là MYX Finance và chiếm ngay vị trí thứ 4 với khối lượng giao dịch gần 13 tỷ USD..
Kết luận:
Volume giao dịch spot trên Arbitrum trong quý 2 đã có đợt giảm gần 13 tỷ USD so với quý 1, tuy nhiên vẫn giữ vị trí thứ 4 trên thị trường. Trong đó, Uniswap vẫn là cái tên dẫn đầu, chiếm 56% thị phần của mảng.
Trái ngược với Spot DEX, Perp DEX trên Arbitrum tiếp tục dẫn đầu về khối lượng giao dịch perp trong quý 2. Orderly đã vươn lên đứng đầu với 47 tỷ USD, theo sau là Vertex. Cả hai đều có điểm chung là sử dụng mô hình Orderbook đa chuỗi tương tự như các sàn CEX. Có vẻ như phí thấp, tốc độ giao dịch nhanh và sản phẩm chất lượng là lý do giúp Arbitrum duy trì vị thế hàng đầu về Perp DEX.
3. Cập nhật dApps
Hệ sinh thái Arbitrum đang có 921 dự án đang xây dựng và phát triển, với 354 dự án thuộc mảng DeFi:

- 62 DEX
- 20 DEX Aggregator
- 46 Lending
- 8 Derivative
- 26 Stablecoin
- 36 Perpetuals
- 25 Option
- 15 RWA
Với số lượng dApp cực kỳ nhiều và đặc biệt là mảng DeFi nên Arbitrum đã trở thành hệ sinh thái dApp lớn thứ 2 thị trường sau Ethereum nhờ lượng người dùng và nguồn thanh khoản dồi dào.
Bên cạnh các dự án cũ đã có nhiều thời gian phát triển trên Arbitrum thì quý 2 có sự xuất hiện của 2 dự án đáng chú ý là MYX Finance, Cowswap và Whale Market:
- MYX Finance: Là dự án Perp DEX sử dụng kết việc matching (khớp ngang hàng) giữa các lệnh và Pool thanh khoản để hỗ trợ giao dịch. Mới vừa ra mắt nhưng dự án đã nhanh chóng lọt vào top 4 dự án có khối lượng giao dịch cao nhất. Và dự án cũng được đầu tư bởi Sequoia, OKX, Consensys, GSR,…
- Cowswap: Là DEX giúp người giao dịch tìm được giá tốt nhất, tránh rủi ro bị tấn công MEV. Chính thức hỗ trợ chuỗi Arbitrum vào đầu tháng 6 và đã đạt volume gần 40 triệu USD trong tháng đầu tiên. Đây cũng là DEX được Vitalik và một số whale hay dùng.
- Whale Market: Là nền tảng giao dịch point, OTC, pre-market nổi bật nhất thị trường. Và khi ra mắt trên chuỗi Arbitrum dự án cũng đã thu hút được hàng chục triệu USD TVL.
Một số dự án DeFi native nổi bật trên hệ sinh thái Arbitrum trong quý 2:
- Lending: Radiant là giao thức cho vay, nổi bật với khả năng tương tác chuỗi chéo nhờ sử dụng sản phẩm của LayerZero.
- DEX: Camelot là AMM sử dụng đa dạng mô hình thanh khoản giúp hỗ trợ tốt cho nhóm Altcoin và Stablecoin.
- Perp DEX: GMX là dự án hàng đầu, tiên phong với mô hình Pool tài sản chung chung và đang có TVL lớn thứ 2 hệ sinh thái Arbitrum. Bên cạnh đó còn có Vertex, sử dụng sổ lệnh Orderbook cho tất cả các chuỗi để tạo thanh thanh khoản giao dịch tốt nhất và có khối lượng giao dịch quý 2 chỉ xếp sau đối thủ Orderly.
Một số dự án DeFi Multichain nổi bật trên hệ sinh thái Arbitrum trong quý 2
- Lending: Aave giao thức Lending lớn nhất chiếm khoảng 30% thị phần TVL của hệ sinh thái và đã có TVL tăng trưởng 20% trong quý 2.
- DEX: Uniswap là AMM DEX có Volume giao dịch lớn nhất, chiếm 56% thị phần khối lượng Spot DEX trên hệ sinh thái.
- Yield: Pendle là nền tảng giao dịch lợi nhuận trong tương lai, tuy không có phần sụt giảm TVL trong quý 2 nhưng đây là sản phẩm chiến lược cho thị trường DeFi.
- Liquid Restaking: Renzo là giao thức hàng đầu của mảng trên Arbitrum nhưng quý 2 cũng chưa để lại ấn tượng mạnh. Tuy nhiên, mảng này rất quan trọng đối với hệ sinh thái Arbitrum.
- Perp DEX: Là ngách chứng kiến sự thành công nhất trong quý 2 với tổng volume cao nhất vượt cả Ethereum. Trong đó Orderly dự án hàng đầu với tầm nhìn là xây dựng sổ lệnh Orderbook cho tất cả các chuỗi.
Tuy DeFi là mũi nhọn của Arbitrum và quy mô chỉ xếp sau Ethereum nhưng các dự án multichain như Uniswap, Aave, Pendle, Compound,… đã chiếm phần lớn thị phần. Chỉ có một số ít dự án native có thể cạnh tranh như GMX, Vertex & Camelot.
4. Cập nhật nền tảng
Một số chương trình đáng chú ý của Arbitrum trong quý 2 vừa qua:
- Ra mắt chương trình đại sứ Arbitrum giai đoạn 2, với mục đích xây dựng cộng đồng trên các nước Nigeria, Ấn Độ và Mexico.

- Farcaster chính thức tích hợp chuỗi Arbitrum. Để đánh dấu cho sự kiện quan trọng này Arbitrum khởi động chương trình Frame It với phần thưởng lên tới 500 nghìn USD.

- Hợp đồng Stylus cập bến mạng Arbitrum Sepolia, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình bao gồm cả Rust. Theo cùng với cột mốc này thì Arbitrum đã tổ chức Hackathon với phần thưởng 15 nghìn USD để thu các nhà phát triển sử dụng Stylus.

- Arbitrum Foundation đưa ra đề xuất áp dụng cơ chế Timeboost cho chuỗi, tức là các giao dịch trả phí cao sẽ được ưu tiên thực hiện trước. Điều này cho phép bất kỳ ai cũng có thể tham gia để kiếm doanh thu từ MEV và Arbitrum DAO sẽ kiếm được một nguồn thu lớn từ các cuộc đấu giá để tấn công MEV.
- Arbitrum Foundation thực hiện chương trình tài trợ Phase 3 cho các dự án phát triển trên hệ sinh thái, thời gian diễn ra từ tháng 04 đến tháng 06. Trong đó, dự án xây dựng với Stylus, Orbit Stack có cơ hội nhận được ít nhất 150 nghìn USD còn các dự án nổi bật trên hệ sinh thái có thể nhận từ 20 nghìn đến 150 nghìn USD.

Thông qua đề xuất triển khai chương trình Gaming Catalyst: Trích ra 200 triệu ARB trong phân bổ của DAO để tài trợ và đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực game trên hệ sinh thái Arbitrm, Orbit và Stylus. Chính sự kiện này đã thổi lên là sóng GameFi trên Arbitrum trong tháng 6.

5. Cập nhật giá đồng ARB
Trong quý 2 năm 2024, ARB đã giảm hơn 50%, từ 1,6 USD xuống còn 0,7 USD, do ảnh hưởng của thị trường chung, với BTC điều chỉnh hơn 20%. ARB cũng đã vượt qua đáy thấp nhất trước đó là 0,74 USD, được thiết lập vào ngày 11 tháng 9 năm 2023.

Quý 2 năm 2024 là lúc ARB đang được vesting cho quỹ đầu tư, đội ngũ phát triển và cố vấn. Đợt trả đầu tiên vào ngày 16 tháng 3 năm 2024, với 1.1 tỷ ARB (11% tổng cung), chiếm 25% phân bổ của quỹ và đội ngũ phát triển. Sau đó, khoảng 92.6 triệu ARB được trả vào ngày 16 hàng tháng cho đến tháng 3 năm 2027. Chỉ tính trong quý 2, 278 triệu ARB đã được unlock (2,78% tổng cung), gần 12% phân bổ của quỹ và đội ngũ phát triển.
Vì vậy, ngoài sự hoảng loạn của thị trường, đợt giảm giá hơn 50% của ARB trong quý 2 còn có thể do áp lực bán từ quỹ đầu tư và đội ngũ phát triển dự án.
6. Dự phóng về Arbitrum
Điểm mạnh:
- Arbitrum đã trở thành một hệ sinh thái lớn trong thị trường Crypto với mũi nhọn là DeFi, chỉ thua duy nhất Ethereum. Nhờ đó mà Arbitrum đã xây dựng được một cộng đồng người dùng vững mạnh, là yếu tố quyết định đến thành bại của các dự án.
- Sau bản cập nhật Dencun trên Ethereum vào tháng 03 thì Arbitrum đã chính thức đạt được mục tiêu ban đầu là tăng khả năng mở rộng với phí gas dưới 0.01 USD, tốc độ giao dịch vượt Ethereum có thời điểm còn gấp đến 3 – 4 lần.
- Liên tục hợp tác với nhiều đối tác mới và ra mắt các chương trình khuyến khích người dùng cũng như nhà phát triển.
- Trong tương lai, Arbitrum có thể giảm phí giao dịch và tăng tốc độ hàng chục lần khi cập nhật Stylus trên Mainnet.
- Arbitrum đang xây dựng hệ sinh thái Orbit Chain rất tốt với 50 dự án, dẫn đầu về số lượng trong các bộ Stack mở rộng Layer 2, Layer 3 nhờ có bộ công cụ Orbit Stack rất thân thiện với nhà phát triển.
Thách thức:
- DeFi trên Arbitrum đang dần bị bão hòa và không chưa có dấu hiệu của trend mới hay mảng mới có sức hút như Staking BTC, AI, RWA. Tuy Arbitrum cũng đang hỗ trợ rất nhiều để phát triển mảng Game nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy được dự án thực sự chất lượng.
- Cạnh tranh của các Layer 2 đang rất khốc liệt, không chỉ các nền tảng cũ như Optimism, Base, Linea, StarkNet mà đang có các Layer 2 mới có tốc độ rất nhanh như MegaETH, Eclipse, Nexus, LayerN, Movement Labs.
7. Tổng kết
Bài viết cập nhật hệ sinh thái quý 2 này cho thấy Arbitrum vẫn đang là Layer 2 hàng đầu thị trường hiện nay. Tuy nhiên, hệ sinh thái đang có những dấu hiệu hụt hơi và vẫn đang loay hoay tìm hướng đi mới cho giai đoạn tiếp theo. Công nghệ blockchain và crypto phát triển rất nhanh, hy vọng đội ngũ Arbitrum vẫn tiếp tục giữ được động lực và bám sát thị trường để đưa ra các chiến lược tốt nhất cho sự phát triển của hệ sinh thái.