1. MegaETH là gì?
MegaETH là Layer 2 được xây dựng trên mạng lưới Ethereum, tương thích hoàn toàn EVM. Dự án thu hút sự chú ý bởi màn rót vốn của cả 2 nhà sáng lập Ethereum là Vitalik Buterin và Joseph Lubin, cùng tham vọng trở thành Blockchain có tốc độ nhanh nhất, với khả năng xử lý hơn 100 nghìn giao dịch mỗi giây (TPS).
MegaETH ra đời để hiện thực hóa tầm nhìn mở rộng vô hạn cho Ethereum với tốc độ siêu nhanh và phí gas cực thấp. Nếu đạt được tốc độ 100.000 TPS thì Layer 2 này nhanh gấp hàng chục lần so với mốc 2.000 – 4.000 TPS của Solana.
Hiện thực hóa được tham vọng trên thì MegaETH hoàn toàn đáp ứng nhu cầu người dùng hướng tới mass adoption, giúp xây dựng các Dapps phức tạp như Game, AI hay giao thức DeFi với quy mô lớn.

2. Đội ngũ phát triển
- Yilong Li (Co-Founder & CEO): Ông tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học máy tính tại Stanford University và từng làm Kỹ sư phần mềm cấp cao tại Runtime Verification, công ty bảo mật hệ thống máy tính dành cho hàng không vũ trụ, ô tô và Blockchain.

- Shuyao Kong (Co-Founder & CBO): Cô tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Harvard Business School và có kinh nghiệm 7 năm làm Trưởng phòng Phát triển kinh doanh toàn cầu cho Consensys. Hiện tại cô chỉ giữ vai trò Cố vấn tại Consensys để tập trung xây dựng MegaETH và humanID, giải pháp xác thực danh tính người dùng

- Namik Muduroglu (Head of Growth): Ông tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại NYU Stern School of Business. Có kinh nghiệm gần 1 năm làm Nhà phát triển chiến lược kinh doanh cho Consensys. Và hiện tại, ngoài tham gia vào team sáng lập của MegaETH thì ông còn đang xây dựng humanID với vai trò là nhà sáng lập, kim thành viên hội đồng quản trị.

Được thành lập từ đầu năm 2023, MegaETH có đội ngũ gồm những con người có năng lực trong lĩnh vực Blockchain. Đặc biệt là mối quan hệ khăng khít với Consensys khi có tới 2 chuyên gia trước đây đều làm việc tại Consensys là Shuyao Kong và Namik Muduroglu.
3. Quỹ đầu tư
27/06/2024: Dự án huy động thành công 20 triệu USD trong vòng seed với sự dẫn đầu của DragonFly Capital, cùng các quỹ khác như Figment Capital, Robot Ventures, Big Brain Holdings,… Đặc biệt là sự góp mặt của các Angel Investors như Vitalik Buterin (Co-Founder Ethereum), Joseph Lubin (Co-Founder Ethereum & Consensys), Sreeram Kannan (Co-Founder EigenLayer), Kartik Talwar (Co-Founder ETHGlobal),…

MegaETH bắt đầu huy động vốn cho vòng Seed vào tháng 12 năm 2023 và kết thúc vào tháng 5 năm 2024 với định giá lên đến hàng trăm triệu đô,. Điểm nhấn lớn nhất của vòng gọi vốn này là sự tham gia của Vitalik Buterin và Joseph Lubin, đều là nhà sáng lập Ethereum.
4. Sản phẩm của MegaETH là gì?
4.1 Sản phẩm
MegaETH là nền tảng Layer 2 trên Ethereum, hỗ trợ xây dựng các dApps bằng ngôn ngữ lập trình Solidity. Với khả năng tương thích cao với máy ảo Ethereum, các DApps từ các chuỗi EVM có thể dễ dàng chuyển sang hoạt động trên MegaETH.
Ngoài ra, các nhà vận hành node có thể tham gia vào Layer 2 MegaETH với vai trò Sequencer, Prover hay Fullnode để kiếm phí giao dịch và doanh thu từ MEV trên nền tảng.
4.2 Cấu trúc và Công nghệ

MegaETH là Blockchain không đồng nhất, tức là các node có các cấu hình khác nhau với các nhiệm vụ chuyên biệt. Cụ thể hơn, có 3 vai trò chính trong MegaETH: Sequencer (trình sắp xếp), Prover (trình chứng minh) và Fullnode (nút đầy đủ).

- Sequencer: Có nhiệm vụ sắp xếp, thực thi sau đó gộp các lô giao dịch cho vào khối L2. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là MegaETH chỉ có một trình sắp xếp duy nhất hoạt động tại bất kỳ thời điểm nào. Nhờ đó loại bỏ chi phí và thời gian đồng thuận giữa các Sequencer.
- Prover: Có nhiệm vụ tạo bằng chứng giao dịch để chứng minh tính chính xác cho các khối trên Layer 2 MegaETH ngay sau khi Sequencer hoàn thành chúng. Bằng chứng này giúp Fullnode xác thực trạng thái chuỗi nhanh chóng mà không cần thực hiện lại các giao dịch.
- Fullnode: Có nhiệm vụ xác nhận sự thay đổi trạng thái (state diffs)* trên chuỗi MegaETH được gửi từ Sequencer bằng cách xác thực lại khối với bằng chứng do Prover cung cấp. Nếu khối giao dịch hợp lệ thì Fullnode sẽ chấp nhận để cập nhật trạng thái mới vào mạng lưới.
Các yếu tố giúp MegaETH đạt 100,000 TPS:
- Sequencer có GPU mạnh, tốc độ tính toán và xử lý nhanh, đồng thời tốc độ truy cập mạng vượt trội giúp đọc và truyền dữ liệu đi nhanh chóng.
- Chỉ có một Sequencer duy nhất hoạt động nên loại bỏ thời gian và chi phí đồng thuận giữa các Sequencer.
- Sequencer có RAM lớn giúp lưu trữ toàn bộ trạng thái chuỗi tạm thời nên có khả năng truy cập để xác thực giao dịch và thay đổi trạng thái chuỗi nhanh.
- Fullnode chỉ xác thực khối mới dựa trên bằng chứng được cung cấp từ Prover thay vì phải thực hiện lại các giao dịch như các chuỗi Layer 2 khác.
- Lưu trữ dữ liệu trên EigenDA giúp tăng tốc độ nhanh hơn và rẻ hơn so với việc lưu trữ trực tiếp trên Ethereum.
Do MegaETH được tối ưu ở nhiều mặt nên các node không cần hoạt động tối đa công suất và ở điều kiện mạng bình thường cũng cho khả năng xử lý hơn 100 nghìn giao dịch mỗi giây. Đó là điều mà đội ngũ phát triển tuyên bố sau quá trình nghiên cứu và thử nghiệm.
Tuy nhiên, với thiết kế trên thì MegaETH đang gặp vấn đề lớn về độ phi tập trung của Sequencer. Cụ thể là chỉ có duy nhất một Sequencer tham gia xác thực và tạo khối giao dịch. Dự án khắc phục điều này bằng cách đưa Fullnode tham gia xác nhận lại trạng thái và các khối nên cũng không đáng lo ngại.
Đọc thêm: Công nghệ của Metis có gì? L2 Ethereum đầu tiên triển khai Decentralized Sequencer
5. Tokenomics
MegaETH có kế hoạch ra mắt token gốc để quản trị mạng lưới nhưng chưa ấn định thời điểm ra mắt cụ thể.
6. Lộ trình phát triển
MegaETH sẽ ra mắt testnet công khai vào đầu quý 3/2024, mainnet dự kiến ra mắt vào gần cuối năm.
7. Tiềm năng và thách thức
7.1 Tiềm năng
Hiện tại, Solana đang là Blockchain nhanh nhất với khoảng 3.000 tps và đã mang lại trải nghiệm người dùng tốt cũng như trở thành nền tảng Smart Contract hàng đầu thị trường. Nhưng với mục tiêu 100.000 TPS mà MegaETH đề ra thì nó còn vượt trội hơn Solana hàng chục lần.
Với tốc độ và khả năng xử lý giao dịch nhanh chóng thì MegaETH là nền tảng lý tưởng để xây dựng các ứng dụng phức tạp, cần trải nghiệm tức thời như game, AI, DeFi…
7.2 Thách thức
Thách thức lớn nhất của MegaETH chính là vấn đề tập trung do chỉ sử dụng một Sequencer duy nhất để xử lý giao dịch. Do đó, nó gây ra nhiều lo lắng về tính phi tập trung, khả năng thao túng và tấn công chuỗi.
Các đối thủ cạnh tranh của MegaETH như:
- Eclipse: Layer 2 sử dụng môi trường thực thi song song tương thích SVM (Solana) và EVM (Ethereum).
- LayerN: Dùng các node yêu cầu phần cứng cao để có tốc độ 100.000 tps.
- M2 của Movement Labs: Layer 2 được code bằng ngôn ngữ move với khả năng thực thi song song.
Ngoài ra, việc phát triển công nghệ để đạt đến 100.000 TPS là rất phức tạp, chưa một dự án nào thực hiện được và con số cũng chỉ nằm trên giấy mà thôi.
8. Kênh thông tin của MegaETH
9. Tổng kết
Blockchain nhanh, rẻ, hiệu quả hơn chính là yếu tố then chốt giúp thị trường crypto tiến tới mass adoption. Mang đến nền tảng lý tưởng để xây dựng các dApp và đáp ứng nhu cầu của người dùng.
Tuy mọi con số mà MegaETH đưa ra chỉ đang là lý thuyết nằm trên giấy nhưng với sự hẫu thuẫn của 2 nhà sáng lập Ethereum là Vitalik Buterin và Joseph Lubin cùng đội ngũ từ Consensys thì chúng ta có thể kỳ vọng 100.000 TPS sẽ trở thành hiện thực và MegaETH chính là chuỗi đầu tiên làm được điều này.
Đọc thêm: Omni Network là gì? Giải pháp kết nối các blockchain Layer 2