1. Meteora là gì?

Meteora là một sàn giao dịch phi tập trung (AMM DEX) trên Solana, giúp người dùng mua/bán tiền mã hóa với giá tốt hơn, đồng thời cho phép người cung cấp thanh khoản kiếm lợi nhuận cao hơn so với các sàn AMM khác.

Dự án đặc biệt thu hút sự chú ý khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn làm nền tảng phát hành memecoin TRUMP. Đồng coin này nhanh chóng tạo cơn sốt, đạt vốn hóa 15 tỷ USD chỉ sau 24 giờ ra mắt, ngay trước thời điểm ông chuẩn bị nhậm chức.

Hiện tại, Meteora đạt TVL hơn 1,5 tỷ USD với khối lượng giao dịch hàng ngày lên đến hàng tỷ USD. Trong đợt ra mắt memecoin TRUMP, sàn đã đạt khối lượng giao dịch đỉnh điểm lên tới 8 tỷ USD, cho thấy sức hút cực kỳ lớn của nền tảng này.

Không thể bỏ qua, Meteora cũng xác nhận sẽ dành 10% tổng cung MET để airdrop cho những người cung cấp thanh khoản dựa trên hệ thống Point.

Meteora đạt khối lượng giao dịch 8 tỷ USD trong 24 giờ sau khi token TRUMP ra mắt 
Meteora đạt 8 tỷ USD volume sau 24 giờ nhờ $TRUMP

2. Đội ngũ phát triển 

Meteora được phát triển bởi chính đội ngũ đứng sau Jupiter Exchange – sàn DEX hàng đầu trên Solana. 

Trước đó, họ từng xây dựng Mercurial, một giao thức Stableswap trên Solana, được Solana Ventures rót vốn và ra mắt qua Launchpad của FTX. Tuy nhiên, sau cú sập của FTX, Mercurial cùng nhiều dự án khác trên Solana chịu ảnh hưởng nặng nề, buộc đội ngũ phải đóng cửa dự án.

Đội ngũ phát triển của Jupiter và Meteora 
Đội ngũ phát triển của Jupiter và Meteora 

Mặc dù Mercurial đã “thất bại” nhưng đội ngũ vẫn tiếp tục phát triển Jupiter và Meteora, cuối cùng họ đã thành công. Đặc biệt, để đền bù cho những người nắm giữ token MER của Mercurial, họ đã phân phối 5% JUP (Jupiter) và 20% MET (Meteora), chứng tỏ họ là những người có trách nhiệm và uy tín trong cộng đồng.

Chi tiết về đội ngũ phát triển, bạn có thể tham khảo bài “Jupiter (JUP) là gì? DEX Aggregator lớn nhất hệ Solana” nhé!

3. Quỹ đầu tư

Meteora không huy động vốn từ các quỹ đầu tư, nhưng một số quỹ đã từng đầu tư vào Mercurial hiện đang nắm giữ token của dự án. Nếu bạn muốn hiểu rõ hơn về vấn đề này, hãy xem phần Tokenomics nhé!

4. Sản phẩm của Meteora là gì? 

Meteora cung cấp nền tảng để người dùng giao dịch (swap) các loại tài sản như Altcoin, Stablecoin và Memecoin với mức giá tốt, đặc biệt là ít khi gặp tình trạng trượt giá. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể kiếm lợi nhuận bằng cách cung cấp thanh khoản cho sàn qua  nhiều loại Pool được giới thiệu chi tiết dưới đây.    

Swap trên Meteora
Swap trên Meteora

4.1 DLMM Pool

Nếu bạn từng giao dịch trên sàn phi tập trung (DEX), bạn có thể gặp tình trạng trượt giá – tức là giá mua/bán thay đổi nhanh, khiến bạn không nhận được mức giá mong muốn. DLMM giải quyết vấn đề này bằng cách tối ưu hóa cơ chế cung cấp thanh khoản.

  • Hiệu quả vốn cao: DLMM cho phép giao dịch khối lượng lớn với yêu cầu thanh khoản thấp.
  • Không trượt giá: Khi có đủ thanh khoản ở mức giá hoặc vùng giá cụ thể (gọi là bin), giao dịch sẽ không làm thay đổi giá, giúp tránh tình trạng trượt giá.
  • Thanh khoản linh hoạt: Nhà cung cấp thanh khoản (LP) có thể tạo chiến lược phân phối thanh khoản theo ý muốn. Họ cũng có thể cung cấp thanh khoản cho một mã thông báo duy nhất, không giống như AMM thông thường.

Ví dụ về cách hoạt động của DLMM: 

  • Nếu giá gạo hiện tại là 10.000 đồng/kg (giá thấp nhất thị trường), bạn có thể mua ngay ở mức giá này nếu cửa hàng còn gạo.
  • Nếu cửa hàng hết gạo giá 10.000 đồng, bạn phải mua ở cửa hàng khác với giá 11.000 đồng/kg.
  • Nếu bạn bán gạo nhưng cửa hàng đã quá tải, họ có thể chỉ mua lại của bạn với giá 9.000 đồng/kg.

DLMM hoạt động tương tự bằng cách chia thị trường thành các mức giá nhỏ (bin giá). Nếu một bin hết thanh khoản, giao dịch sẽ tiếp tục ở bin kế tiếp, giúp giá không thay đổi đột ngột.

Mô hình thanh khoản của DLMM, mỗi bin sẽ gắn với một mức giá cụ thể
Mô hình thanh khoản của DLMM, mỗi bin sẽ gắn với một mức giá cụ thể

DLMM của Meteora hỗ trợ các kiểu cung cấp thanh khoản như: 

  • Spot: Thanh khoản được phân bố đều cho các bin trong vùng giá mà bạn đã chọn cung cấp thanh khoản. Chiến lược này áp dụng được cho mọi cặp giao dịch. 
Chế độ Spot của DLMM
Chế độ Spot của DLMM
  • Curve: Thanh khoản được phân bố nhiều ở giữa và giảm dần ở 2 biên, trong vùng giá mà bạn đã chọn cung cấp thanh khoản. Chiến lược này áp dụng tốt cho cặp tài sản ngang giá hay ổn định như stablecoin. 
Chế độ Curve của DLMM
Chế độ Curve của DLMM
  • Bid-Ask: Thanh khoản được phân bố nhiều ở 2 biên và giảm dần ở giữa, trong vùng giá mà bạn đã chọn cung cấp thanh khoản. Chiến lược này phù hợp cho các tài sản biến động như memecoin hay altcoin có vốn hóa thấp. 
Chế độ Bid-Ask của DLMM
Chế độ Bid-Ask của DLMM

4.2 Dynamic Vaults

Dynamic Vaults là một lớp thanh khoản kết nối với các Dynamic Pool, giúp tận dụng các tài sản như USDC, USDT, SOL để đem đi cho vay trên các nền tảng như Kamino, Marginfi, Save (Solend). Mục tiêu là tăng lợi nhuận cho nhà cung cấp thanh khoản và đồng thời nâng cao thanh khoản cho thị trường DeFi. 

Cấu trúc của Dynamic Vaults
Cấu trúc của Dynamic Vaults

Các loại Dynamic Pool trong Vault:

  • Volatile Pool: Mô hình AMM giống Uniswap V2, hỗ trợ tất cả các loại tài sản nhưng đặc biệt phù hợp cho giao dịch Altcoin, nhất là những tài sản dễ biến động.
  • Stable Pool: Mô hình AMM giống Curve Finance (Stableswap), lý tưởng cho các cặp tài sản ngang giá. Nó giúp duy trì giá ổn định và giảm trượt giá bằng cách tập trung thanh khoản vào một vùng cố định.
  • Multi-token Pool: Kết hợp thanh khoản từ nhiều tài sản vào một nhóm duy nhất, giúp các nhà cung cấp thanh khoản (LP) đa dạng hóa cổ phần và tối ưu hóa việc sử dụng vốn. (Tương tự thanh khoản ổn định của Curve với 3 – 4 stablecoin).
  • Non-Pegged Stable Pools: Dành cho các tài sản ổn định nhưng không gắn chặt với nhau như cặp stablecoin (DAI-sUSD) hoặc cặp LST (mSOL-JitoSOL), tập trung tối ưu hóa giao dịch và giảm trượt giá dựa trên các Stable Pools.
  • LST Pool: Dành cho các token LST (Liquid Staking Token), có giá trị tăng theo thời gian. Mô hình AMM này tương tự Stable Pool, nhưng dự án theo dõi giá của LST để điều chỉnh tỷ lệ tài sản trong Pool, giúp giảm Impermanent Loss cho LP.
  • Meme Pool: Dành cho memecoin, hoạt động như Volatile Pool nhưng có sự khác biệt là thanh khoản bị khóa vĩnh viễn và nhà cung cấp thanh khoản sẽ nhận phí giao dịch cao hơn so với các tài sản thông thường.

4.3 Alpha Vault

Thị trường hiện tại gặp phải vấn đề lớn: khi các Pool mới ra mắt, thường bị Bot tấn công. Những Bot này mua hết token ở giá thấp rồi bán lại ở giá cao, khiến người thực sự quan tâm đến dự án không thể mua được token với giá hợp lý. Hậu quả là giá token sẽ pump rồi dump rất mạnh, làm mất niềm tin.

Alpha Vault ra đời để giúp các dự án ra mắt token mà không lo bị Bot tấn công. Nó giúp thu hút những người thực sự quan tâm và muốn nắm giữ token lâu dài. Dưới đây là một số tính năng nổi bật:

Phân bổ allocation của một token trên Alpha Vaults
Phân bổ allocation của một token trên Alpha Vaults
  • Khả năng mua trước: Tạo danh sách trắng cho phép những người đăng ký được quyền mua sớm, tránh Bot.
  • Phân phối công bằng hơn: Tất cả người tham gia mua sớm sẽ nhận được mức giá trung bình được tính dựa trên số tiền họ nạp vào Vault và số token đang bán.
  • Lịch vesting: Dự án có thể cài đặt lịch khóa và vesting cho những người mua sớm, giúp tránh tình trạng bán phá giá ngay lập tức.

4.4 M3M3  

M3M3 là nền tảng giúp bạn tạo ra memecoin của riêng mình. Những memecoin này sẽ được thêm vào Meme Pool của Meteora, nơi thanh khoản sẽ bị khóa vĩnh viễn. Ngoài ra, người tạo memecoin và top người staker đứng đầu sẽ nhận được phần thưởng từ phí giao dịch phát sinh từ thanh khoản này.

M3M3 của Meteora
M3M3 của Meteora

5. Tokenomics

5.1 Thông tin tổng quan về token

Tên token MET
Blockchain Solana 
Contract … 
Chuẩn TokenSPL
Mảng AMM DEX 
Tổng cung 100.000.000
Cung lưu hành ban đầu
Sàn niêm yết

5.2 Token Allocation và token Vesting 

Token MET của Meteora được phân bổ như sau: 

  • Holder MER – 20%: Những người nắm giữ MER (snapshot vào tháng 2 năm 2023) sẽ nhận được phân bổ này dưới dạng veMET để voting, cho đến khi MET listing thì sẽ được chuyển đổi sang với tỉ lệ 1 MER : 0,0749 MET (ngoài ra họ cũng nhận được 1,2 JUP với mỗi MER).
  • Airdrop – 10%: Những người cung cấp thanh khoản trên Meteora sẽ nhận được điểm MET, và sẽ được đổi sang token MET khi listing. 
  • DAO – 70%: Cộng đồng holder MET toàn quyền quyết định về phân bổ này. 

Với cơ chế phân bổ này, phần lớn token sẽ thuộc về cộng đồng, góp phần đảm bảo tính minh bạch và sự cân bằng trong cơ cấu tokenomics. Ngoài ra, đội ngũ phát triển và các quỹ đầu tư (VC) sẽ nhận token MET thông qua việc chuyển đổi từ token MER sang MET. Quyết định này không chỉ giúp ổn định hệ sinh thái token mà còn khẳng định cam kết của họ đối với dự án mới, sau khi đã chính thức chấm dứt dự án cũ. 

5.3 Token Use Case 

Người nắm giữ token sẽ được tham gia quản trị giao thức và có quyền phân phối 70% tổng cung token còn lại.  

6. Hướng dẫn làm airdrop AMM DEX từ đội ngũ Jupiter 

Meteora xác nhận sẽ dành 10% tổng cung MET để airdrop cho những người cung cấp thanh khoản, dựa trên hệ thống Point.

Dự án có kế hoạch phân bổ airdrop theo các bậc xếp hạng, tức là điểm số sẽ quyết định cấp bậc, thay vì phân chia trực tiếp theo số lượng điểm của từng cá nhân. Airdrop sau đó sẽ được phân phối theo cấp bậc này, nhằm tạo cơ hội cho những người dùng nhỏ lẻ. 

Mặc dù chiến dịch farm point đã bắt đầu từ đầu năm 2024 và không còn là thời điểm lý tưởng để tham gia. Tuy nhiên, trong một AMA cộng đồng vào đầu năm 2025, Co-Founder Ben Chow đã thông báo dự án sẽ tiếp tục trì hoãn kế hoạch ra mắt token để tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm. Vì vậy, đây là cơ hôi để người dùng tham gia và săn airdrop từ dự án!

6.1 Yêu cầu 

Đây là một cơ hội airdrop dành cho những ai có vốn và sẵn sàng cung cấp thanh khoản trên Solana. Một số điểm chính cần lưu ý:

  • Vốn yêu cầu: Tùy theo điều kiện tài chính của bạn và một ít SOL để trả phí giao dịch.
  • Cách tham gia: Chủ yếu bằng cách cung cấp thanh khoản cho AMM (Automated Market Maker).
  • Tăng điểm thưởng: Nếu bạn đang hold token trên Solana, có thể gửi vào nền tảng để kiếm thêm điểm.

6.2 Tóm tắt cách tính điểm của Meteora:

  • 1 điểm cho mỗi 1 USD TVL mỗi ngày.
  • 1000 điểm cho mỗi 1 USD phí giao dịch kiếm được mỗi ngày.
  • Hệ số nhân điểm khi khóa token MET trong quản trị.
  • Chỉ tính điểm khi cung cấp thanh khoản cho DLMM, Dynamic Pools, Multi-token Pools

Chiến lược tối ưu: Tập trung vào pool có volume cao để kiếm phí giao dịch, thay vì chỉ tăng TVL. 

Các loại Pool được tính điểm 
Các loại Pool được tính điểm 

Sau khi cung cấp thanh khoản, bạn có thể kiểm tra điểm (point) của mình bằng cách truy cập vào 1 trong 2 trang web sau:  

6.3 Hướng dẫn cách cung cấp thanh khoản làm airdrop Meteora

6.3.1 DLMM 

Bước 1: Truy cập vào Website Meteora, mặc định bạn đang ở trang cung cấp thanh khoản của DLMM. 

Cách add thanh khoản trên DLMM (bước 1 + 2) 
Cách add thanh khoản trên DLMM (bước 1 + 2) 

Bước 2: Chọn cặp tài sản mà bạn muốn cung cấp thanh khoản hoặc tạo Pool mới. 

Bạn nên chọn các cặp tài sản có sẵn, nếu tài sản mà bạn muốn cung cấp thanh khoản chưa có thì mới nên tạo Pool mới (Create Pool). 

Chọn tài sản: 

  • Nếu bạn vừa muốn kiếm Point vừa bảo toàn vốn thì chọn cặp stablecoin có Fee/TVL cao. 
  • Nếu bạn muốn kiếm nhiều Point nhất thì chọn cặp có Fee/TVL cao nhất, thường là các cặp altcoin hay memecoin, tuy nhiên rủi ro thua lỗ có thể lớn hơn vì biến động của các token này.
  • Nếu bạn muốn tận dụng tài sản đang có sẵn để kiếm điểm thì đơn giản chỉ cần kiếm Pool chứa tài sản mà bạn có. 

Bước 3: Sau khi chọn cặp giao dịch (ở đây mình chọn USDT-USDC), bạn nên chọn Bin có Fee/TVL cao nhất. 

Chọn Bin phù hợp (bước 3)
Chọn Bin phù hợp (bước 3)

Bước 4: Nhập các thông tin sau: 

  • Số lượng token: Nhập số lượng một loại token, hệ thống sẽ tự động tính số lượng còn lại. 
  • Chế độ thanh khoản: Chọn chế độ Curve vì nó phù hợp cho cặp stablecoin (đã giải thích ở những phần trên), bạn cũng có thể chọn chế độ nào tùy thích. 
  • Tỉ lệ tài sản: Dùng thanh trượt thanh khoản để điều chỉnh tỷ lệ token trong Pool. 
  • Vùng thanh khoản: Dùng thanh điều chỉnh hoặc nhập giá Min/Max để đặt phạm vi thanh khoản hoặc nhập số Bin (Num Bins).  
Nhập các thông số cho việc cung cấp thanh khoản (bước 4) 
Nhập các thông số cho việc cung cấp thanh khoản (bước 4) 

Lưu ý: Giới hạn vùng thanh khoản càng nhỏ càng tối ưu, giúp tăng hiệu suất sử dụng vốn, và đảm bảo giá thị trường nằm trong vung thanh khoản đó. 

Bước 5: Sau khi thiết lập các thông số cung cấp thanh khoản xong, bạn chọn Add Liquidity và ký xác nhận trên ví là hoàn thành. 

Lưu ý: Mỗi khi cung cấp thanh khoản hoặc rút thanh khoản Solana sẽ tính phí rất cao, từ 0,05 đến 0,1 SOL. 

Click Add Liquidity trên DLMM trên Meteora (bước 5)
Click Add Liquidity trên DLMM trên Meteora (bước 5)

6.3.2 Dynamic Pools 

Bước 1: Truy cập vào Dynamic Pool trên Meteora

Cung cấp thanh khoản cho Dynamic Pools của Meteora (bước 1 + 2)
Cung cấp thanh khoản cho Dynamic Pools của Meteora (bước 1 + 2)

Bước 2: Chọn cặp tài sản muốn cung cấp cho Pool có sẵn hoặc tạo một Pool mới hoàn toàn. (Cách chọn tài sản đã được hướng dẫn kỹ ở phần DLMM) 

Lưu ý: Ở Dynamic Pools sẽ bao gồm nhiều loại Pool (Type) như Stable, Volatile, LST,… Do đó, bạn cần xem kỹ cặp tài sản mà bạn cung cấp đang hoạt động ở loại Pool nào để đánh giá rủi ro trước khi tham gia. 

Bước 3: Nhập số lượng token > chọn Deposit > ký xác nhận trên ví để hoàn thành. 

Nhập số lượng token và xác nhận (bước 3)
Nhập số lượng token và xác nhận (bước 3)

Cung cấp thanh khoản trên Dynamic Pools & Multi-token Pools khá giống nhau, bạn có thể xem lại ở phần trên nhé!

6.4 Chiến lược farm point trên Meteora: 

  • Kiếm nhiều point: Chọn cung cấp thanh khoản cho DLMM và trong vùng giá càng nhỏ càng tối ưu (ưu tiên các cặp có chứa SOL, USDC hoặc USDT). Tuy nhiên, bạn phải luôn theo sát để cung cấp lại thanh khoản nếu giá vượt ra ngoài vùng thanh khoản của bạn. 
  • Tối ưu tài sản: Nếu bạn có tài sản sẵn và không có thời gian theo dõi sát các Pool thì chọn cung cấp thanh khoản cho Dynamic Pools. 
  • An toàn: Nếu mong muốn an toàn với khả năng thua lỗ thấp thì bạn chỉ nên cung cấp thanh khoản cho cặp stablecoin trên DLMM. 

Lưu ý: Khi cung cấp thanh khoản cho Meteora, bạn có thể đối mặt với rủi ro thua lỗ. Ví dụ, altcoin bạn thêm vào pool có thể mất giá hoặc bạn có thể gặp tổn thất do Impermanent Loss khi giá token biến động. Hãy cân nhắc kỹ trước khi tham gia và chỉ dùng số vốn bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro.

7. Lộ trình phát triển 

Cho đến hiện tại, mọi sản phẩm của Meteora đã hoàn thành và hoạt động trơn tru. Dự án cũng không có cập nhật về lộ trình phát triển trong thời gian tới. 

8. Tiềm năng và thách thức

8.1 Tiềm năng 

  • Tiềm năng Airdrop: Meteora sẽ phân phối 10% token MET qua airdrop cho những người kiếm được MET Points. Dù số token này không quá lớn, nhưng đừng quên rằng đội ngũ đã từng airdrop 10% tổng cung JUP cho gần 1 triệu người dùng, với ví thấp nhất nhận hơn 1 nghìn USD và ví cao nhất lên đến hơn 40 nghìn USD.
  • Sản phẩm tiên tiến: DLMM của Meteora đang vượt trội hơn so với Uniswap V3 về hiệu quả và tính năng. Ngoài ra, Dynamic Vault cũng rất hứa hẹn, giúp tận dụng thanh khoản từ AMM để cho vay, tăng lợi nhuận cho nhà cung cấp thanh khoản (LP).
  • Đội ngũ phát triển mạnh mẽ: Dù từng thất bại khi đóng cửa dự án Mercurial, đội ngũ này đã vực dậy mạnh mẽ, xây dựng Jupiter thành DEX số 1 trên Solana và phát triển Meteora hiện tại. Họ cũng đã tạo dựng uy tín khi bồi thường cho những người nắm giữ token MER bằng JUP và MET. 

8.2 Thách thức 

  • Cạnh tranh: Dù Meteora có sản phẩm tốt, nhưng Raydium hiện vẫn là AMM số 1 trên Solana và được cộng đồng tin tưởng. Meteora chỉ mới được chú ý gần đây nhờ vào dự án memecoin của Donald Trump.
  • Rủi ro: Mọi dự án DeFi đều có rủi ro liên quan đến Smart Contract. Thêm vào đó, Solana cũng hay gặp vấn đề nghẽn mạng hoặc tạm ngừng hoạt động, điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm người dùng.

9. Kênh thông tin của Meteora

10. Tổng kết

Meteora có tiềm năng trở thành AMM DEX số 1 trên Solana nhờ vào sản phẩm đi đầu và đội ngũ phát triển mạnh mẽ. Mặc dù Raydium hiện vẫn là ông lớn trong hệ sinh thái Solana, nhưng thị trường crypto thay đổi rất nhanh, và thời gian có thể mang lại cơ hội mới.

Hy vọng qua bài viết này, bạn đã hiểu rõ về Meteora và nhận thấy được tiềm năng cũng như thách thức của dự án, từ đó có thể đưa ra quyết định đầu tư hợp lý trong tương lai.