1. Mùa Altcoin là gì?
Mùa Altcoin là thời điểm các đồng tiền mã hóa ngoài Bitcoin tăng trưởng vượt trội, với nhiều đồng ghi nhận mức tăng giá mạnh mẽ, từ x2, x5,x10 thậm chí x100 trong thời gian ngắn. Đây là giai đoạn sôi động của thị trường crypto, khi dòng tiền đổ mạnh vào altcoin để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn.
Thuật ngữ Mùa Altcoin bắt đầu được chú ý từ năm 2017, thời điểm Ethereum, XRP và hàng loạt ICO tạo nên cơn sốt đầu tư, mang lại lợi nhuận đáng kể cho nhà đầu tư.
Trong Mùa Altcoin, Bitcoin thường giảm nhẹ hoặc đi ngang, tạo động lực để dòng tiền chuyển sang altcoin. Sự bùng nổ này thường được thúc đẩy bởi các xu hướng như DeFi, NFT, hoặc sự ra mắt của các dự án tiềm năng.
Mặc dù đây là cơ hội lớn để tăng tài sản, Mùa Altcoin cũng đi kèm rủi ro cao do nhiều dự án chỉ dựa trên thổi phồng mà không có giá trị thực. Nhà đầu tư cần thận trọng và nghiên cứu kỹ để tránh “đu đỉnh”.
Có thể bạn quan tâm:
2. Lý do tại sao có Mùa Altcoin?
Dưới đây là một vài lý do chính Mùa Altcoin ra đời:
- Hiệu ứng “xoay trục” dòng tiền: Hãy tưởng tượng Bitcoin như một “ông vua” đứng yên. Khi vua không “chạy nhanh” nữa, các nhà đầu tư nhìn sang những “hiệp sĩ trẻ” – altcoin, với hy vọng tìm được lợi nhuận vượt trội. Sự chuyển dịch này giống như “domino”, khi một vài altcoin bắt đầu bứt phá, cả thị trường sẽ đồng loạt bùng nổ theo.
- Sự hấp dẫn của “câu chuyện mới”: Altcoin không chỉ là những đồng tiền mã hóa thay thế Bitcoin, mà chúng còn đại diện cho những câu chuyện công nghệ, hệ sinh thái, và những dự án mang tính cách mạng.
Ví dụ: Năm 2020, tài chính phi tập trung (DeFi) trỗi dậy mạnh mẽ, thúc đẩy nhiều dự án phát hành đồng token mới. Năm 2021, xu hướng NFT GameFi + Metaverse bùng nổ, đưa nhiều đồng coin trở thành tâm điểm thị trường, khởi đầu Mùa Altcoin sôi động. Năm 2024, làn sóng AI lại làm rung chuyển thị trường với hàng loạt token mới nổi bật.
- Lòng tham và FOMO: Trong mỗi Mùa Altcoin, luôn có những câu chuyện về việc “x2, x5 tài sản” chỉ sau vài tuần. Điều này tạo ra làn sóng FOMO, đẩy giá altcoin lên cao hơn nữa. Khi bạn thấy bạn bè khoe “lời khủng” từ altcoin, chẳng phải bạn cũng muốn thử vận may sao?
3. Cách nhận biết dấu hiệu Mùa Altcoin đang tới gần
3.1. Bitcoin Dominance có xu hướng giảm dần
Bitcoin Dominance (BTC.D) là tỷ lệ phần trăm vốn hóa thị trường của Bitcoin so với toàn bộ thị trường crypto. Nó thể hiện mức độ “thống trị” của Bitcoin so với các loại tiền mã hóa khác. Vậy nên ta sẽ có 2 trường hợp:
- Khi BTC.D tăng: Dòng tiền các nhà đầu tư đang dịch chuyển từ altcoin qua Bitcoin, tập trung chủ yếu vào đồng Bitcoin. Vậy nên mới trường hợp này các đồng altcoin sẽ bị giảm mạnh (Trường hợp này gọi là BTC hút Dom).
- Khi BTC.D giảm: Điều này có nghĩa Bitcoin không còn được quan tâm nữa, dòng tiền sẽ chảy từ Bitcoin để đầu tư vào các đồng altcoin chưa tăng, stablecoin và tiền fiat.
BTC.D giảm chính là một trong những điều kiện để kích hoạt Mùa Altcoin lớn.
Thời điểm Mùa Altcoin bắt đầu xuất hiện vào chu kỳ năm 2017-2018 đã chứng kiến vốn hóa của Bitcoin (Bitcoin Dominance) giảm một mạch từ 95% xuống mức thấp nhất hiện tại là 35,41%.
Tới chu kỳ crypto năm 2021, chỉ số BTC Dominance (BTC.D) bắt đầu giảm từ cuối năm 2020 và kéo dài đến tháng 05/2021. Đây chính là giai đoạn bùng nổ của các altcoin, khi hàng loạt token x10, x100 xuất hiện, tạo ra cơn sốt đầu tư với giấc mơ làm giàu, nhà đẹp, xe sang.
3.2. Vốn hóa toàn thị trường có xu hướng tăng dần
Vốn hóa thị trường crypto (Crypto Market Cap) là tổng giá trị của tất cả các đồng tiền mã hóa đang lưu hành trên thị trường. Như vậy, sẽ có 2 trường hợp:
- Khi vốn hóa thị trường tăng: Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đang rất quan tâm tới crypto.
- Khi vốn hóa thị trường giảm: Dòng tiền đang bị rút ra khỏi thị trường, thể hiện rằng không còn ai hứng thú với thị trường crypto.
Như vậy, từ phần 4.1 và 4.2 có thể rút ra kết luận điều kiện để kích hoạt Mùa Altcoin khi BTC.D phải giảm và Vốn hóa thị trường phải tăng.
Khi vốn hóa thị trường tăng, nhà đầu tư và tổ chức tiếp tục đổ tiền vào crypto. Khi Bitcoin đạt đỉnh, dòng tiền thường chuyển sang các altcoin tiềm năng để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn, đồng thời một phần được chốt lời và chuyển sang stablecoin hoặc tiền pháp định (Fiat). Đây là thời điểm Mùa Altcoin bùng nổ mạnh.
3.3. Tính chu kỳ dựa theo Bitcoin Halving
Halving của Bitcoin diễn ra định kỳ sau mỗi 210.000 khối, tương đương khoảng 4 năm một lần. Theo các chu kỳ trước, sau sự kiện Halving, giá Bitcoin thường tăng mạnh rồi bước vào giai đoạn đi ngang (sideway). Mùa Altcoin thường xuất hiện ngay sau đó, cách thời điểm Halving khoảng 6 tháng đến 1 năm.
2 chu kỳ trước đó đều diễn ra như vậy, và chúng ta có hai Mùa Altcoin tiêu biểu nhất từ trước tới nay.
- Cuối năm 2017 – Đầu năm 2018: Lần Halving thứ 2 của Bitcoin diễn ra vào tháng 7/2016. Sau đó 2 tháng, giá BTC bắt đầu tăng dần, kéo theo sự khởi sắc của một số altcoin. Khoảng 3 tháng sau, mùa Altcoin bùng nổ với hàng loạt token tăng giá mạnh. Tuy nhiên, sự tăng trưởng nóng này nhanh chóng kết thúc bằng một đợt điều chỉnh mạnh vào tháng 1/2018, khi nhiều dự án gọi vốn chỉ dựa trên ý tưởng mà không có sản phẩm thực tế.
- Giữa năm 2020 – cuối 2021: Lần Halving thứ 3 của Bitcoin diễn ra vào tháng 5/2020. Khoảng 4 tháng sau, giá BTC bắt đầu tăng trưởng, đồng thời kéo theo sự khởi sắc của một số altcoin. Tiếp đó, 8 tháng sau là giai đoạn mùa Altcoin bùng nổ, với hàng loạt token tăng giá theo cấp số nhân.
Sau 2 chu kỳ có thể thấy rằng, trước khi Mùa Altcoin diễn ra thường Bitcoin sẽ tăng mạnh trước, dòng tiền sẽ bắt đầu chảy dần qua altcoin và dẫn tới Mùa Altcoin bùng nổ. Quá trình này diễn ra khoảng trên dưới 1 năm kể từ ngày Halving.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại đã có nhiều biến động, vì vậy đây chỉ là dấu hiệu tham khảo và thời gian có thể chênh lệch vài tháng.
3.4. Chỉ số Altcoin Season
Nhiều nền tảng phân tích tiền mã hóa đã phát triển các chỉ số riêng để đo lường sức mạnh của altcoin so với Bitcoin, giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt xu hướng thị trường. Trong đó, chỉ số Altcoin Season là công cụ phổ biến nhất, dựa trên biến động giá của 50 altcoin hàng đầu để xác định liệu Mùa Altcoin có đang diễn ra hay không.
Theo thống kê của đội ngũ phát triển, khi chỉ số Altcoin Season vượt mốc 75%, đó là tín hiệu cho thấy Mùa Altcoin đã bắt đầu.
Trong chu kỳ hiện tại, chỉ số này đã vượt 75% vào cuối tháng 11/2024, với nhiều token như SUI, SEI, ARB, STRK tăng mạnh. Tuy nhiên, đợt tăng chỉ kéo dài 1 tuần do Bitcoin giảm từ 108.000 USD xuống 92.500 USD, khiến chỉ số Altcoin Season nhanh chóng sụp về 43%. Vì vậy, bạn nên tiếp tục theo dõi chỉ số này để nhận định chính xác về Mùa Altcoin sắp tới.
3.5. Hiệu suất TOP altcoin cải thiện
Sau khi giá Bitcoin tăng nóng và bước vào giai đoạn ổn định, các đồng coin vốn hóa lớn, đặc biệt là những đồng tiền mã hóa lâu đời (coin cổ), thường dẫn đầu đà tăng trưởng của thị trường. Trong giai đoạn tháng 05 – 06/2021, nhiều token cổ đã cho thấy mức tăng trưởng ấn tượng: XRP tăng 2.5 lần, HBAR tăng 3 lần, và ADA tăng 3 lần. Sau đó là màn bùng nổ của loạt altcoin các mảng GameFi, NFT, Metaverse,… với hiệu suất rất ấn tượng từ x5 x10.
Vì vậy, việc quan sát động thái của các TOP Coin là rất quan trọng, điều này có thể báo hiệu về Mùa Altcoin sắp diễn ra.
4. Kế hoạch đầu tư mùa Altcoins
Trong Mùa Altcoin, việc lựa chọn token và phân bổ vốn để đầu tư dựa trên vốn hóa thị trường là một kế hoạch quan trọng. Điều này sẽ quyết định mức độ rủi ro đối với tài khoản giao dịch của bạn. Dưới đây là phân loại token theo vốn hóa và phương pháp phân bổ vốn bạn có thể tham khảo.
4.1. Cách phân loại token theo vốn hóa thị trường
4.1.1. Top Cap (Vốn hóa lớn)
Đây là các coin có vốn hóa trên 10 tỷ USD, thường nằm trong top đầu thị trường. Nhờ tính thanh khoản cao, ít biến động và được nhiều sàn giao dịch lớn hậu thuẫn, nhóm này đã khẳng định vị thế vững chắc trong thị trường crypto.
Ví dụ:
- Ethereum (ETH): Đồng coin có vốn hóa đứng thứ 2, nền tảng hạ tầng cho các dự án phát triển hệ sinh thái.
- Binance Coin (BNB): Đồng coin gốc của Binance, dùng để giảm phí giao dịch và hỗ trợ hệ sinh thái Binance Smart Chain (BSC).
- Cardano (ADA): Blockchain phi tập trung hỗ trợ hợp đồng thông minh, tập trung vào tính bền vững và khả năng mở rộng.
- Chainlink (LINK): Nền tảng cung cấp dữ liệu phi tập trung (oracle) cho các hợp đồng thông minh trên blockchain.
Nếu bạn muốn lựa chọn những đồng Crypto tương đối an toàn, hãy cân nhắc phân bổ 40% – 50% tổng vốn đầu tư vào nhóm Top Cap. Mặc dù những đồng coin thuộc nhóm này thường ổn định hơn so với các đồng Low Cap, chúng vẫn có thể chịu ảnh hưởng từ biến động thị trường. Tuy nhiên, nhờ mức độ tin cậy cao và vốn hóa lớn, nhóm Top Cap vẫn là lựa chọn phù hợp để giảm thiểu rủi ro và tạo nền tảng vững chắc cho danh mục đầu tư của bạn.
4.1.2. Mid Cap (Vốn hóa trung bình)
Nhóm này bao gồm các token có vốn hóa thị trường từ 1 tỷ đến 10 tỷ USD. Chúng thường đại diện cho các dự án với tiềm năng tăng trưởng tốt, nhưng cũng đi kèm với mức độ rủi ro lớn hơn so với nhóm Top Cap.
Ví dụ:
- Uniswap (UNI): Sàn DEX top đầu trong thị trường crypto, hỗ trợ swap token và cung cấp thanh khoản đa mạng lưới.
- Aave Protocol (AAVE): Nền tảng vay và cho vay crypto hàng đầu trong thị trường DeFi
- Ethena (ENA): Token của nền tảng DeFi Ethena, cung cấp stablecoin và giải pháp tài chính phi tập trung.
- Optimism (OP): Token của giải pháp Layer-2 trên Ethereum, tập trung vào giảm phí và tăng tốc giao dịch.
Hãy cân nhắc phân bổ khoảng 30-40% vốn vào nhóm Mid Cap. Nhóm này cung cấp sự cân bằng lý tưởng giữa tính an toàn và khả năng sinh lời, với những token tiềm năng đang trên đà phát triển mạnh, nhưng vẫn đủ ổn định để giảm thiểu rủi ro so với các nhóm vốn hóa thấp hơn.
4.1.3. Low Cap (Vốn hóa nhỏ)
Đây là các token có vốn hóa thị trường dưới 1 tỷ USD, mang tiềm năng lợi nhuận cao nhờ khả năng tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, chúng cũng đi kèm rủi ro lớn như biến động giá mạnh và tính thanh khoản thấp.
Để phân tích chi tiết hơn, nhóm Low Cap thường được chia thành 3 phân nhóm nhỏ hơn.
a. Upper Low Cap
Nhóm token này có vốn hóa từ 500 triệu USD đến 1 tỷ USD. Những dự án này thường có nền tảng phát triển tốt, với các sản phẩm hoặc dịch vụ đã thu hút được sự chú ý từ cộng đồng và nhà đầu tư, nhưng vẫn còn tiềm năng tăng trưởng để vươn lên nhóm vốn hóa cao hơn.
Ví dụ:
- Pendle Finance (PENDLE): Giao thức DeFi cho phép token hóa và giao dịch lợi suất cố định hoặc biến đổi.
- Wormhole (W): Giao thức cross-chain giúp chuyển tài sản và dữ liệu giữa các blockchain khác nhau.
- EigenLayer (EIGEN): Giao thức restaking hàng đầu, cho phép tối ưu hóa việc staking trên Ethereum để tăng hiệu suất.
- LayerZero (ZRO): Giao thức cross-chain phi tập trung, hỗ trợ giao tiếp giữa các blockchain với chi phí thấp.
Bạn chỉ nên phân bổ khoảng 10-15% vốn cho nhóm này, vì nhóm này tuy tiềm năng nhưng vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi sự biến động giá mạnh và rủi ro trong việc thực thi các kế hoạch phát triển. 10 – 15% vốn giúp bạn quản lý rủi ro hiệu quả hơn, đặc biệt khi các dự án trong nhóm này chưa có vị thế ổn định như các token Top Cap.
b. Lower Low Cap
Nhóm token có vốn hóa từ 100 triệu USD đến 500 triệu USD thường thuộc các dự án đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, chưa khẳng định vị thế vững chắc. Dù tiềm năng tăng trưởng cao, nhóm này rủi ro hơn so với nhóm 500 triệu USD – 1 tỷ USD do phụ thuộc nhiều vào hiệu quả thực thi và sự đón nhận từ cộng đồng.
Ví dụ:
- Morpho (MORPHO): Giao thức DeFi tối ưu hóa lợi suất cho người vay và người cho vay trên các nền tảng lending.
- io.net (IO): Giao thức dữ liệu phi tập trung, hỗ trợ xử lý và chia sẻ dữ liệu giữa các blockchain.
- Arkham (ARKM): Nền tảng phân tích blockchain, cung cấp dữ liệu minh bạch về giao dịch và ví tiền mã hóa.
- ZetaChain (ZETA): Blockchain Layer-1 hỗ trợ giao tiếp đa chuỗi, tập trung vào việc chuyển tài sản và dữ liệu giữa các mạng.
Với nhóm này, bạn có thể cân nhắc phân bổ từ 5-10% vốn, điều này giúp bạn kiểm soát rủi ro khi thị trường biến động mạnh.
c. Micro Cap
Nhóm token có vốn hóa dưới 100 triệu USD thường là các dự án ở giai đoạn rất sớm, với tiềm năng tăng trưởng rất lớn (x10 – x100) nhưng rủi ro cực cao.
Ví dụ:
- Lista DAO (LISTA): Giao thức Liquid Staking và Stablecoin phi tập trung được xây dựng trên chuỗi Binance Smart Chain
- Renzo (REZ): Giao thức Liquid Restaking với mục đích mở khóa thanh khoản Restake trên hệ sinh thái EigenLayer.
- Tensor (TNSR): Nền tảng giao dịch tập trung vào NFT, tối ưu hóa trải nghiệm giao dịch và thanh khoản.
- Orderly Network (ORDER): Blockchain Layer-2 cung cấp cơ sở hạ tầng để xây dựng các sàn giao dịch phi tập trung (DEX).
Bạn nên phân bổ tối đa 5% vốn vì mức độ rủi ro trong nhóm này là cực kỳ cao. Dù có thể mang lại lợi nhuận lớn, nhưng khả năng mất toàn bộ vốn cũng không hề nhỏ do thanh khoản thấp, biến động giá mạnh và nhiều dự án chưa có nền tảng phát triển rõ ràng.
4.2. Cách phân bổ vốn cho Mùa Altcoin
Dưới đây là biểu đồ tròn cách phân bổ vốn các loại altcoin giúp bạn hình dung rõ hơn:
Bạn có thể nhận thấy việc phân bổ này sẽ có lợi ích như sau:
- Đảm bảo sự an toàn: Phân bổ 80% vốn vào các nhóm Top Cap và Mid Cap mang lại sự ổn định cần thiết. Top Cap có tính thanh khoản cao, dễ giao dịch và ít biến động mạnh so với các nhóm khác. Trong khi đó, Mid Cap là nơi các dự án đang phát triển vững chắc, có cơ hội tăng trưởng nhưng vẫn duy trì mức độ an toàn đáng kể. Sự phân bổ này giúp bảo toàn phần lớn tài sản trong danh mục, đặc biệt trong những thời điểm thị trường không ổn định.
- Tối ưu hóa lợi nhuận: Dành 20% vốn cho các nhóm vốn hóa nhỏ (Upper Low Cap, Lower Low Cap, và Micro Cap) là một chiến lược hợp lý để tìm kiếm lợi nhuận cao hơn. Nhóm Low Cap thường là nơi xuất hiện các dự án có tiềm năng tăng trưởng x5, x10, thậm chí x20.
5. Đánh giá cơ hội và rủi ro trong Mùa Altcoin
Mùa Altcoin diễn ra, dòng tiền sẽ chảy rất mạnh làm các đồng tiền mã hóa tăng nhanh, nhà đầu tư cần hiểu rõ cơ hội và rủi ro có thể gặp phải để đưa ra chiến lược phù hợp. Dưới đây là những điểm cần lưu ý:
5.1. Cơ hội
- Tỉ lệ thắng lớn: Trong Mùa Altcoin, hầu hết các token đều tăng giá, từ vốn hóa lớn tăng vừa phải đến vốn hóa nhỏ tăng nhanh, thậm chí x5 x10 chỉ sau một đêm. Nếu bạn chọn đúng hệ sinh thái, tài khoản có thể tăng trưởng gấp nhiều lần nhờ dòng tiền liên tục đổ vào thị trường.
- Cơ hội “đổi vị thế”: Câu chuyện “đổi vị thế” được truyền tai nhau rất nhiều khi mỗi Mùa Altcoin diễn ra. Và bạn có thể đạt được điều đó nếu như bạn lựa chọn đồng coin tốt, vị thế mua đẹp, gồng khỏe và thoát ra đúng thời điểm.
- Đa dạng hóa danh mục đầu tư: Nếu bạn chỉ tập trung vào Bitcoin, mùa Altcoin mở ra cơ hội để bạn khám phá các dự án mới, công nghệ mới và xu hướng hot như DeFi, NFT, hoặc Layer 2. Đầu tư vào các altcoin tiềm năng giúp bạn tối ưu hóa lợi nhuận và đa dạng hóa rủi ro.
5.2. Rủi ro
- Biến động cực lớn: Altcoin tăng nhanh, nhưng giảm còn nhanh hơn. Một số đồng coin có thể mất 50-80% giá trị chỉ trong vài ngày nếu bạn không thoát lệnh kịp thời. Đừng quên rằng FOMO có thể khiến bạn “đu đỉnh” và chịu thiệt hại nặng.
- Rác coin tràn lan: Trong Mùa Altcoin, hàng loạt coin/token không có giá trị thực hoặc chỉ dựa trên hype sẽ xuất hiện. Những dự án kiểu này dễ dàng sụp đổ khi dòng tiền rút đi, để lại nhà đầu tư với những khoản lỗ không thể gỡ.
- Tâm lý tham lam chi phối: Mùa Altcoin tới chính là lúc mà lòng tham của nhà đầu tư trỗi dậy mạnh nhất, nhìn tài khoản tăng nhanh chóng từng ngày, từng giờ. Nhưng nếu không cụ thể hóa ra tiền mặt thì số lợi nhuận đó chỉ là con số trong ứng dụng giao dịch của bạn.
- Thời gian ngắn: Không nên tự ấn định rằng Mùa Altcoin sẽ diễn ra nhất định trong khoảng thời gian nào bởi không ai biết tương lai sẽ ra sao. Có thể Mùa Altcoin chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 1 tháng như 2017, hay kéo dài 5-6 tháng như 2021, việc của nhà đầu tư không phải đoán giám mà hãy dựa theo những thông tin bạn có để đưa ra kết luận. Hãy nhớ rằng “Chốt lời không bao giờ sai”
6. Tổng kết
Với những nhà đầu tư tiền mã hóa, Mùa Altcoin được xem như khoảng thời gian được đón chờ nhất trong mỗi chu kỳ crypto. Nếu bạn kỷ luật với tâm lý và phương pháp giao dịch của mình thì đây chính là cơ hội “đổi vị thế” của bạn. Thông qua bài viết này, 5Money hy vọng bạn trang bị thêm kiến thức về Mùa Altcoin là gì cùng với những kinh nghiệm cần có theo cách ĐƠN GIẢN và DỄ HIỂU nhất. Chúc bạn thành công!