1. Nâng cấp Pectra là gì?
Pectra là nâng cấp tiếp theo của Ethereum từ sau nâng cấp Dencun nhằm cải thiện hiệu suất, bảo mật và khả năng mở rộng của mạng lưới. Pectra là tên gọi được tổng hợp từ 2 bản nâng cấp nhỏ khác là ‘Prague’ ở Execution Layer và ‘Electra’ ở Consensus Layer.
Mục tiêu chính của nâng cấp Pectra nhằm:
- Nâng cao trải nghiệm người dùng (UX) qua các tính năng mới như uỷ quyền cho người khác thanh toán phí giao dịch, chia ví thành nhiều ví nhỏ với mục đích riêng.
- Cải thiện các thay đổi hướng tới validator từ đó làm tăng hiệu suất của mạng lưới.
Nâng cấp Pectra dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Tính tới thời điểm hiện tại đã có 9 EIP được liệt kê để triển khai cho Pectra là: EIP-2357, EIP-2935, EIP-6110, EIP-7002, EIP-7251, EIP-7549, EIP-7594, EIP-7685 & EIP-7702.
*EIP (Ethereum Improvement Proposal) là một tài liệu kỹ thuật cung cấp thông tin về các tính năng hoặc thay đổi đề xuất cho nền tảng Ethereum, bất kỳ ai trong cộng đồng cũng có thể đưa ra các EIP. Tuy nhiên không phải tất cả những EIP đều dễ dàng được thông qua, nó phải chứng minh được giá trị mang lại cho mạng lưới Ethereum và cũng phải được thông qua sự chấp thuận của cộng đồng cũng như đội cũ cốt lõi của Ethereum.
2. Các EIP đáng chú ý
Có đến 9 EIP khác nhau trong bản nâng cấp sắp tới. Tuy nhiên, 5Money đã chọn ra 2 EIP quan trọng và có ảnh hưởng lớn nhất đến mạng lưới của Ethereum cũng như trải nghiệm người dùng là EIP-7251 và EIP-7702.
2.1 EIP 7251: Increase the MAX_EFFECTIVE_BALANCE (Maxeb)
Sau The Merge, Ethereum chuyển sang cơ chế đồng thuận Proof of Stake, làm tăng đáng kể số lượng người tham gia vận hành mạng lưới (Validators).
Tính đến ngày 28/7, mạng lưới Ethereum đã có hơn 1 triệu validator hoạt động, điều này gây khó khăn trong việc xử lý và tổng hợp thông tin khi mỗi lần xác nhận một giao dịch phải cần đến sự đồng thuận của 2/3 số validator (~67%).
Số lượng Validator trên mạng lưới Ethereum (Nguồn: Validator Queue)
EIP-7251 sẽ thay đổi lượng ETH cần thiết để trở thành validator trên mạng lưới, điều chỉnh từ mức cố định 32 ETH lên tối đa 2,048 ETH. Điều này nghĩa là đầu vào tối thiểu vẫn là 32 ETH nhưng tối đa có thể là 2,048 ETH.
Hãy hình dung nếu bạn có 2,048 ETH và muốn trở thành validator hiện tại, bạn phải vận hành khoảng 63 validator khác nhau. Tuy nhiên, sau bản cập nhật Pectra, bạn chỉ cần vận hành 1 validator duy nhất.
Thông số kỹ thuật EIP-7251
Tác động của EIP-7251 sẽ rất lớn khi ảnh hưởng đến số lượng validator, càng ít validator thì thời gian truyền thông tin giữa các validator càng giảm, từ đó các tác vụ sẽ được xử lý nhanh hơn. Đặt nền móng cho các bản nâng cấp trong tương lai như ePBS (enshrine Proposer-Builder Separation) và SSF (Single-Slot Finality).
Các lợi ích của EIP-7251 bao gồm:
- Giải quyết các thách thức của Consensus Layer: Bằng cách giảm số lượng validator, Ethereum sẽ bớt quá tải và từ đó tăng hiệu suất cho mạng lưới.
- Chi phí vận hành: Giảm số lượng validator sẽ giúp các tổ chức lớn giảm bớt được chi phí vận hành.
- Lợi ích tích lũy cho Solo Staker: Các validator nhỏ lẻ vẫn có thể nhận được phần thưởng ngay cả khi họ staking một lượng nhỏ ETH.
2.2 EIP 7702 Set EOA account code for one transaction
EIP-7702 được đề xuất thay thế cho EIP-3074 trong nâng cấp Pectra, mặc dù cả hai bản cải tiến này đều tập trung vào cung cấp chức năng SA (Smart Account) cho các tài khoản trên mạng lưới Ethereum (EOA) nhưng mỗi EIP lại có cách tiếp cận khác nhau. Trong đó, EIP-7702 phù hợp với lộ trình tập trung vào Account Abstraction hơn.
Với EIP-7702, hiện EOA có thể có thêm các tính năng nâng cao mới như:
- Batching: Cho phép người dùng gộp nhiều thao tác lại thành một thao tác duy nhất. Ví dụ, khi bạn sử dụng DEX cho việc swap token, thao tác đầu tiên bạn phải phê duyệt cho thao tác swap của mình, sau đó bạn tiếp tục thực hiện thêm một thao tác khác là ký xác nhận. Sau nâng cấp này, bạn sẽ chỉ cần thao tác một lần duy nhất.
- Sponsorship: Tài khoản X có thể thanh toán hộ phí giao dịch cho tài khoản Y, ngoài ra có thể trả bằng bất kỳ ERC-20 nào khác.
- Privilege de-escalation: Cho phép người dùng có thể tạo khóa con (sub-key) và cung cấp cho một số đặc quyền nhất định. Ví dụ, bạn có thể chia ví bạn thành nhiều ngăn, từng ngăn này chứa các tờ tiền khác nhau và từng ngăn này chỉ có thể tiêu cho mục đích được chỉ định trước.
3. Chi tiết các EIP còn lại trong nâng cấp Pectra
3.1 EIP 2537: Precompile for BLS12-381 curve operations
Đề xuất này nhằm gộp nhiều chữ ký của người dùng lại thành một chữ ký duy nhất, giúp giảm thiểu không gian lưu trữ và tăng hiệu quả xử lý giao dịch., giúp việc xác minh chữ ký BLS trở nên an toàn và hiệu quả hơn.
3.2 EIP 2935: Serve historical block hashes from state
EIP-2935 đề xuất lưu trữ thông tin các block trong bộ nhớ của smart contract, cải thiện hiệu quả hệ thống blockchain, đặc biệt cho stateless clients. Thay vì phải truy tìm thông tin từ các block cũ để xác thực giao dịch, stateless clients có thể lấy thông tin cần thiết từ smart contract, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
*stateless clients: là các node không lưu trữ toàn bộ dữ liệu của blockchain mà thay vào đó chỉ lưu trữ các thông tin cần thiết để phục vụ cho quá trình xử lý giao dịch, điều này giúp giảm dung lượng lưu trữ cho stateless clients
3.3 EIP 6110: Supply validator deposits on chain
Hiện tại, các validator muốn gửi ETH vào mạng lưới Ethereum để tham gia vận hành phải trải qua nhiều lớp trung gian, cụ thể là lớp Execution Layer và Consensus Layer. Số lượng validator trên Ethereum hiện nay đã vượt quá 1 triệu, khiến người dùng phải chờ ít nhất 12 giờ để xử lý xong.
EIP-6110 nhằm đơn giản hóa quá trình này, giúp người dùng dễ dàng stake ETH để trở thành validator. Đề xuất này sẽ giải quyết các vấn đề như sau:
- Xử lý tiền gửi của người muốn tham gia vào vận hành validator trên mạng lưới ngay trên một lớp duy nhất là Execution Layer.
- Giảm thời gian đợi để chờ được xử lý từ 12h xuống còn 13 phút.
3.4 EIP 7002: Execution layer triggerable withdrawals
Khi người dùng muốn stake ETH vào mạng lưới để trở thành validator thì có 2 cách tham gia.
- Người dùng tự quản lý và vận hành validator riêng của mình hay còn được gọi là solo-staking.
- Ủy quyền cho cho các bên thứ ba chạy validator cho mình, trường hợp này bắt buộc người dùng phải có sự tin tưởng tuyệt đối với bên thứ ba này, nếu bên thứ ba hành có các hành vi sai trái dẫn đến bị phạt hết tài sản thì người dùng tự chịu trách nhiệm.
Hiện tại, khi người dùng muốn rút tiền từ các bên thứ ba, phải gửi yêu cầu lên Execution Layer và chờ xử lý cùng nhiều yêu cầu khác. Việc ủy quyền này đòi hỏi sự tin tưởng vì bên thứ ba quyết định việc gửi hoặc rút ETH.
EIP-7002 sẽ đơn giản hóa quá trình này, cho phép người dùng tự kiểm soát việc rút tiền mà không cần chữ ký của bên thứ ba.
3.5 EIP 7549: Move committee index outside Attestation
EIP-7549 nâng cao hiệu quả và khả năng mở rộng của mạng lưới Beacon Chain bằng cách tối ưu hóa việc xử lý và tổng hợp các phiếu đồng thuận của các validator. Hiện tại, mỗi phiếu cần có ba thông tin xác nhận, gây ra quá tải thông tin và làm chậm quá trình xử lý.
EIP-7549 cải thiện hiệu suất bằng cách làm cho việc xử lý và xác minh các phiếu bầu nhanh chóng và hiệu quả hơn.
3.6 EIP 7594: PeerDAS – Peer Data Availability Sampling
PeerDAS là đề xuất để nâng mức trần của một blob trong mỗi một block trên Ethereum, từ đó tạo thêm khoảng trống trong trường hợp nhu cầu sử dụng của các giải pháp Rollup tăng lên.
3.7 EIP 7685 General purpose execution layer requests
Đề xuất này nhằm cải thiện an toàn và hiệu quả của hệ thống blockchain bằng cách tạo ra một phương pháp mới để lưu trữ và xử lý các yêu cầu kích hoạt bởi hợp đồng thông minh, giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào các bên trung gian.
4. Ảnh hưởng của nâng cấp Pectra đối với mạng lưới Ethereum
Không thể phủ nhận được sự thành công của nâng cấp Decun trước đó, đóng góp một phần vào sự sôi động của hệ sinh thái Layer 2 khi đã giảm đến 80% chi phí gửi dữ liệu hay còn gọi là calldata lên Ethereum. Nếu như Decun tập trung vào giải quyết các bài toán về chi phí của Layer 2 thì bản nâng cấp Pectra sắp tới sẽ tập trung phần lớn vào vấn đề của validator cũng như một phần về trải nghiệm người dùng.
Về phần trải nghiệm người dùng thì sau bản nâng cấp này sẽ thì việc thanh toán sẽ trở nên linh hoạt khi cho phép người dùng gộp các thao tác thành một lần ký duy nhất và cũng có thể uỷ quyền cho người khác thanh toán giúp mình, đây là một bước lớn giúp đưa Ethereum tiếp cận đông đảo người dùng.
5. Nâng cấp tiếp theo hậu Pectra là gì?
Sau Pectra, bản nâng cấp tiếp theo của Ethereum sẽ Osaka. Trong bản nâng cấp rất có thể có thêm ‘Verkle Trees’ rất được mong đợi từ các developer.
Nâng cấp Osaka (Nguồn: Ethereum)
Verkle Trees là một loại cấu trúc dữ liệu mới, hứa hẹn sẽ lại nhiều lợi ích cho Ethereum.
- Giảm tải kích thước của các bằng chứng, giúp các bằng chứng có thể luân chuyển một cách dễ dàng và các stateless clients hoạt động hiệu quả hơn. (bằng chứng ám chỉ việc xác minh tính hợp lệ của giao dịch).
- Yêu cầu phần cứng thấp hơn để chạy một node, giúp cải thiện sự phân quyền.
- Các node mới có thể tham gia mạng ngay lập tức với quá trình đồng bộ hóa nhanh hơn.
- Tiềm năng mở rộng có thể cho phép giới hạn gas cao hơn, nghĩa là mạng lưới có thể xử lý nhiều giao dịch hơn trong một block.
- Tương thích hơn với zkEVM trong tương lai.
6. Tổng kết
Nâng cấp Pectra của Ethereum là một trong những cải tiến cực kỳ quan trọng, mục đích cuối cùng là hướng tới mục đích tăng hiệu suất mạng lưới, khả năng mở rộng quy mô và trải nghiệm người dùng. Đây là một trong những bước tiến đột phá có ảnh hưởng lớn đến cả hệ sinh thái, đưa Ethereum tiến gần hơn đến sứ mệnh Mass Adoption.
Có thể bạn quan tâm: