1. Node là gì? 

Node là một thiết bị, thường là máy tính hay điện thoại, kết nối với mạng blockchain. Hiểu đơn giản, Node giống như một “điểm nút” trong mạng blockchain, nơi mọi thông tin được truyền đi và đảm bảo không ai có thể thay đổi dữ liệu một cách tùy tiện.

Một số vai trò của Node trong mạng lưới blockchain

  • Xác minh giao dịch: Mỗi Node sẽ kiểm tra và đảm bảo rằng từng giao dịch riêng lẻ được thực hiện hợp lệ, không gian lận. Ví dụ: Khi bạn gửi Bitcoin, Node xác minh xem bạn có đủ số dư hay không.
  • Lưu trữ dữ liệu blockchain: Node đóng vai trò như máy chủ lưu trữ dữ liệu blockchain. Full node lưu toàn bộ lịch sử giao dịch, trong khi light node chỉ lưu một phần. Nhờ đó, blockchain luôn an toàn, minh bạch và không thể bị thay đổi dữ liệu.
  • Duy trì tính phi tập trung: Mạng blockchain không có một máy chủ hay tổ chức nào kiểm soát hệ thống. Thay vào đó, nhiều node cùng tham gia để lưu trữ và xác minh dữ liệu. Khi một node bị tấn công hoặc gặp sự cố, những node khác vẫn tiếp tục hoạt động, giúp mạng luôn an toàn và không bị kiểm soát bởi một bên duy nhất. 
  • Đồng thuận trong mạng lưới: Trong blockchain, các node cùng xác nhận dữ liệu, đặc biệt về quyền sở hữu tài sản. Khi một giao dịch mới diễn ra, node sẽ kiểm tra tính hợp lệ. Nếu đa số node đồng ý, giao dịch được ghi vào blockchain, đảm bảo tính minh bạch và an toàn.

Như vậy, có thể thấy Node đóng vai trò như một “người gác cổng”, giúp giữ cho mạng lưới an toàn, minh bạch và đảm bảo tính phi tập trung.

Các Node trong mạng lưới blockchain
Các Node trong mạng lưới blockchain

2. Cách hoạt động của Node Blockchain

Dưới đây là quy trình xử lý giao dịch trong node blockchain.

Bước 1: Gửi giao dịch

Người dùng thực hiện giao dịch và gửi lên mạng blockchain.

Bước 2: Xác minh giao dịch

Các node kiểm tra giao dịch có hợp lệ không, gồm:

  • Người gửi có đủ số dư không?
  • Giao dịch có hợp lệ theo quy tắc mạng không?
  • Có bị trùng lặp hoặc gian lận không?

Nếu hợp lệ, giao dịch được lưu lại và gửi đến thợ đào (miners) hoặc trình xác thực (validators).

Bước 3: Xử lý và tạo khối mới

Miners hoặc Validators thu thập các giao dịch hợp lệ, sau đó nhóm các giao dịch này vào một khối mới và tiến hành xác nhận.

Bước 4: Thêm khối vào blockchain

Node nhận khối mới và kiểm tra tính hợp lệ. Nếu đạt yêu cầu, khối được thêm vào blockchain, còn nếu không hợp lệ, nó sẽ bị loại bỏ để bảo vệ mạng lưới.

Bước 5: Đồng bộ hóa và cập nhật dữ liệu

Sau khi khối mới được thêm vào, thông tin sẽ được truyền đến tất cả các node khác trong mạng, giúp hệ thống blockchain cập nhật và lưu trữ phiên bản dữ liệu đồng nhất.

Bước 6: Cung cấp quyền truy cập dữ liệu

Node lưu trữ toàn bộ dữ liệu giao dịch và cung cấp quyền truy cập cho người dùng, cho phép họ kiểm tra số dư, lịch sử giao dịch và đảm bảo blockchain luôn minh bạch, không thể thay đổi.

Cách vận hành của Node Blockchain
Cách vận hành của Node Blockchain

Ví dụ: Trường hợp A muốn chuyển 10 BTC cho B

  • A tạo một giao dịch chuyển 10 BTC và gửi lên mạng blockchain. Các node kiểm tra xem A có đủ BTC không và xác minh giao dịch hợp lệ.
  • Nếu hợp lệ, giao dịch được thợ đào thu thập vào một khối mới, thực hiện giải thuật toán để xác nhận. Khi khối được chấp nhận, nó sẽ được thêm vào blockchain.
  • Sau đó, toàn bộ node trong mạng cập nhật dữ liệu, đảm bảo rằng 10 BTC đã chuyển từ A sang B. Nếu có node nào chưa cập nhật, các node khác sẽ gửi bản sao để đồng bộ. Nếu có giao dịch gian lận, nó sẽ bị loại bỏ.
  • Cuối cùng, B kiểm tra ví và thấy 10 BTC đã được nhận, còn A thấy số dư giảm đi 10 BTC.

3. Các cách kiếm tiền từ Node trong Crypto

3.1. Chạy Mining Node – PoW (Đào coin)

Mining Node là loại node tham gia khai thác tiền mã hóa bằng cách xác thực giao dịch và tạo ra các khối mới trong blockchain. Điều này diễn ra trên các mạng sử dụng cơ chế Proof of Work (PoW), yêu cầu tính toán để giải quyết bài toán mật mã phức tạp. Khi giải được bài toán, Mining Node sẽ nhận được phần thưởng là coin mới đúc và một phần phí giao dịch từ mạng lưới.

Chức năng chính của Mining Node là: 

  • Xác thực giao dịch: Kiểm tra giao dịch hợp lệ trước khi đưa vào blockchain.
  • Giải bài toán PoW: Cạnh tranh với các miner khác để giải thuật toán.
  • Thêm khối mới vào blockchain: Mining Node gửi khối mới vào mạng lưới khi giải xong bài toán.

Để vận hành Mining Node, người dùng cần trang bị phần cứng mạnh như ASIC hoặc GPU, cài đặt phần mềm khai thác và kết nối với mạng blockchain. Khi một giao dịch mới tạo ra, Mining Node sẽ thu thập, xác thực, tiến hành giải bài toán. Nếu tìm được lời giải hợp lệ, Mining Node sẽ gửi kết quả lên mạng lưới, thêm khối mới vào blockchain và nhận phần thưởng.

Bạn có thể truy cập vào 2miners tìm kiếm các Pool chạy Mining Node đang hoạt động.

Ví dụ: 

  • Bitcoin (BTC): Yêu cầu máy đào ASIC mạnh như DragonMint T1, Antminer T9+, Antminer R4…. Mỗi máy đào tốn hàng nghìn USD tiền điện mỗi tháng. Phần thưởng nhận về là 3.125 BTC / block kể từ bitcoin halving tháng 04/2024. Trang trại đào Bitcoin tại Wyoming, Mỹ khi đạt công suất tối đa tiêu thụ lượng điện đủ cung cấp cho 55.000 ngôi nhà.
  • Litecoin (LTC): Thợ đào cần trang bị phần cứng mạnh mẽ, thường là các máy ASIC được thiết kế cho thuật toán Scrypt mà Litecoin sử dụng. Phần thưởng nhận về là 6.25 LTC / block kể từ halving năm 2024. Sau mỗi 840.000 khối (khoảng 4 năm), phần thưởng này sẽ giảm một nửa.
Một trại đào Bitcoin tại Mỹ
Một trại đào Bitcoin tại Mỹ

3.2. Chạy Staking Node (Validators – PoS)

Staking Node (hay Validator Node) là các node tham gia xác thực giao dịch và duy trì mạng lưới blockchain, sử dụng cơ chế Proof of Stake (PoS). Staking Node chỉ cần stake một lượng coin nhất định để đảm bảo tính trung thực. Khi xác thực thành công, họ nhận phần thưởng từ mạng lưới, bao gồm phần thưởng khối và phí giao dịch.

Chức năng chính của Staking Node trong mạng lưới blockchain là:

  • Xác thực giao dịch: Staking Node kiểm tra và phê duyệt giao dịch trước khi thêm vào blockchain.
  • Tạo và thêm khối mới: Các validators được chọn ngẫu nhiên để tạo khối dựa trên lượng coin stake.
  • Bảo vệ mạng lưới: Staking Node giúp ngăn chặn hành vi gian lận, nếu validators vi phạm, họ có thể bị phạt.

Để chạy Staking Node, bạn cần stake một lượng token nhất định theo yêu cầu của blockchain. Nếu không có đủ token hoặc không muốn tự vận hành node, bạn có thể ủy quyền coin của mình vào các pool staking do các validators vận hành. Khi đó, bạn sẽ nhận được phần thưởng staking được chia theo tỷ lệ với tổng lượng coin có trong pool.

Ví dụ: 

  • Ethereum (ETH): Bạn cần stake ít nhất 32 ETH để trở thành Validator. Ở thời kỳ đỉnh cao, mỗi validator có thể nhận khoảng 6% – 10% lợi nhuận hàng năm. Phần thưởng này thay đổi theo thời gian dựa trên tổng số ETH đang stake và hiệu suất của validators. Nếu không có đủ số ETH, bạn có thể stake trên nền tảng liquid staking uy tín khác như Lido Finance, Rocket Pool…
  • Cardano (ADA): Dự án không yêu cầu stake số lượng coin tối thiểu, bạn có thể tự vận hành node hoặc ủy quyền stake. Lợi nhuận trung bình 5% – 7% hàng năm dựa trên số coin bạn stake.
Cấu trúc của Staking Node trong mạng Ethereum
Cấu trúc của Staking Node trong mạng Ethereum

3.3. Chạy Masternode

Masternode là một loại node đặc biệt trong blockchain, không chỉ lưu trữ dữ liệu mà còn cung cấp các chức năng nâng cao như xử lý giao dịch nhanh, bảo mật nâng cao, hoặc quản trị mạng lưới.

Để chạy một Masternode, bạn cần chuẩn bị một máy chủ hoạt động 24/7 và một lượng crypto tối thiểu do dự án yêu cầu. Sau khi thiết lập Masternode, bạn sẽ nhận được phần thưởng từ mạng lưới, thường là dưới dạng token.

Quy trình cơ bản bao gồm: Mua token, stake số token đó, cài đặt máy chủ và phần mềm của dự án.

Ví dụ: 

  • Dash (DASH): Để vận hành một Masternode trên mạng lưới Dash, bạn cần stake ít nhất 1,000 DASH. Vào tháng 11/2018, phần thưởng khối xấp xỉ 3.34 DASH, mỗi Masternode được chọn nhận khoảng 1.67 DASH cho mỗi lần nhận, tương đương khoảng 6 DASH mỗi tháng.
  • Pivx (PIVX): Để thiết lập một Masternode trên mạng PIVX, bạn cần stake ít nhất 10,000 PIVX. Phần thưởng khối được chia gồm 90% dành cho staker và masternode, 10% đưa vào quỹ phát triển dự án.
Dự án Dash cho phép chạy Masternode
Dự án Dash cho phép chạy Masternode

3.4. Tham gia Testnet Node

Testnet Node là các node chạy trên mạng thử nghiệm (testnet) của một dự án blockchain, giúp dự án kiểm tra tính ổn định trước khi ra mắt chính thức (mainnet). Khi tham gia Testnet, người dùng có thể nhận phần thưởng thông qua các đợt airdrop coin của dự án khi testnet kết thúc hoặc lúc mạng chính thức hoạt động.

Chức năng chính của Testnet Node là:

  • Kiểm tra và phát hiện lỗi: Phát hiện các vấn đề kỹ thuật trước khi dự án triển khai mainnet, giảm rủi ro cho người dùng.
  • Cải thiện hiệu suất mạng: Chạy Testnet Node giúp dự án đánh giá tốc độ xử lý giao dịch, khả năng mở rộng và tính ổn định của mạng lưới.
  • Thử nghiệm hợp đồng thông minh: Hỗ trợ các nhà phát triển kiểm tra lỗ hổng trong hợp đồng thông minh trước khi triển khai mainnet.

Để tham gia Testnet Node, người dùng cài đặt phần mềm, kết nối mạng thử nghiệm và thực hiện các nhiệm vụ như xác thực giao dịch, thử nghiệm smart contract hoặc báo cáo lỗi. Một số dự án yêu cầu stake tài nguyên như bộ nhớ, băng thông để duy trì node. Khi dự án ra mắt mainnet, người tham gia có thể nhận thưởng.

Ví dụ:

  • Aptos Testnet: Dự án yêu cầu máy chủ mạnh (CPU 8 cores, RAM 32GB), cài đặt node đồng bộ với Testnet và thực hiện nhiệm vụ trong mạng thử nghiệm. Người tham gia nhận được đồng APT khi Aptos ra mắt Mainnet, giá trị lên tới hàng trăm, nghìn USD.
  • EigenLayer Testnet: Dự án yêu cầu người tham gia vận hành node với cấu hình máy chủ phù hợp để tham gia vào quá trình restaking ETH. Dự án đã airdrop đồng EIGEN tới người dùng khi chính thức hoạt động.
Chạy Testnet Node dự án EigenLayer nhận thưởng
Chạy Testnet Node dự án EigenLayer nhận thưởng

3.5. Chạy Oracle Node

Oracle Node là một loại node giúp blockchain truy cập dữ liệu từ thế giới bên ngoài. Vì blockchain không thể tự lấy thông tin từ internet, Oracle Node giống như một “cây cầu” kết nối dữ liệu thực tế (giá tài sản, thời tiết,…) vào mạng lưới phi tập trung. Người dùng vận hành Oracle Node sẽ cung cấp dữ liệu cho smart contract và nhận phần thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ.

Chức năng chính của Oracle Node là:

  • Cung cấp dữ liệu ngoài chuỗi cho blockchain: Oracle Node đưa dữ liệu thực tế từ bên ngoài vào blockchain, giúp smart contract hoạt động chính xác.
  • Xác thực và truyền tải dữ liệu: Oracle Node xác minh tính chính xác của dữ liệu trước khi gửi lên blockchain để tránh gian lận.
  • Đảm bảo tính bảo mật: Hệ thống Oracle phi tập trung chia ra nhiều node cùng cung cấp dữ liệu, giúp giảm rủi ro khi một node bị thao túng.

Bạn cung cấp dữ liệu ngoài chuỗi cho blockchain bằng cách kết nối với các nguồn thông tin vào hệ thống Oracle Node. Node thu thập, xác thực và truyền dữ liệu theo yêu cầu của mạng lưới, đảm bảo dữ liệu đúng và kịp thời. Đổi lại, bạn nhận phần thưởng bằng token của dự án dựa trên lượng dữ liệu cung cấp thành công và độ tin cậy của node.

Ví dụ: 

  • Chainlink (LINK): Người dùng cần chạy một Chainlink Node và staking LINK để đảm bảo cung cấp dữ liệu chính xác. Thời kỳ đỉnh cao của LINK năm 2021, nhà đầu tư chạy node kiếm được phần thưởng đáng kể từ phí giao dịch và staking LINK.
  • Pyth Network (PYTH): Bạn không cần stake một lượng PYTH tối thiểu để vận hành Oracle Node. Phần thưởng nhận được sẽ phụ thuộc vào số token bạn đã stake, phí giao dịch và chất lượng dữ liệu cung cấp (số lượng thông tin, độ chính xác, thời gian phản hồi,…)
Chainlink vận hành các Oracle Node
Chainlink vận hành các Oracle Node

3.6. Cung cấp dịch vụ Node-as-a-Service

Node-as-a-Service (NaaS) là mô hình cung cấp hạ tầng node cho các dự án blockchain, giúp họ vận hành mạng lưới mà không cần tự thiết lập và quản lý node. Thay vì phải tự xây dựng hệ thống, dự án hoặc nhà phát triển có thể thuê dịch vụ node từ các nhà cung cấp, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo hiệu suất ổn định.

Chức năng chính của dịch vụ NaaS:

  • Cung cấp hạ tầng node cho blockchain: Dịch vụ NaaS giúp các dự án blockchain triển khai nhanh chóng mà không cần đầu tư vào máy chủ, bảo trì hệ thống.
  • Hỗ trợ API truy vấn dữ liệu: Các nhà phát triển có thể sử dụng API từ nhà cung cấp NaaS để truy vấn dữ liệu blockchain dễ dàng, thay vì chạy node riêng.
  • Đảm bảo độ ổn định: Nền tảng NaaS đảm bảo node hoạt động ổn định 24/7, giúp các dự án blockchain duy trì kết nối mạng liên tục.

Tuy nhiên, để vận hành NaaS, bạn cần thiết lập hệ thống máy chủ mạnh mẽ và đảm bảo node chạy ổn định. Sau đó, bạn có thể cung cấp dịch vụ cho các dự án blockchain có nhu cầu, thu phí từ việc vận hành node thay cho họ.

Ví dụ: 

  • Infura: Dự án cung cấp node Ethereum dưới dạng dịch vụ, cho phép nhà phát triển sử dụng API thay vì chạy node riêng. Infura tính phí theo mức độ sử dụng API, với gói miễn phí và gói trả phí từ 50$ – 1,000$/tháng tùy nhu cầu.
  • QuickNode: Dự án cung cấp dịch vụ Node trên nền tảng QuickNode, hỗ trợ nhiều blockchain khác nhau. Doanh thu đến từ người dùng thuê dịch vụ, với mức giá từ 9$ – 299$ mỗi tháng.
Giao diện website dự án QuickNode
Giao diện website dự án QuickNode

5. Ai có thể chạy node?

Bất kỳ ai cũng có thể chạy node, miễn là bạn có thiết bị phù hợp và hiểu cách vận hành node cơ bản. Tuy nhiên tùy loại node mà nhu cầu của mỗi người có thể khác nhau.

  • Người mới tham gia: Nếu bạn chỉ muốn tìm hiểu về blockchain, bạn có thể chạy Light Node, Staking Node (PoS) trên máy tính cá nhân mà không cần nhiều tài nguyên.
  • Nhà đầu tư dài hạn: Nếu bạn có một lượng token lớn và muốn kiếm thu nhập thụ động, bạn có thể chạy Staking Node hoặc Masternode, giúp xác thực giao dịch và nhận phần thưởng từ mạng lưới.
  • Thợ đào coin (Miners): Bạn có thể chạy Mining Node (PoW) để tham gia xác thực giao dịch và thêm khối mới vào blockchain. Yêu cầu phần cứng mạnh mẽ (ASIC/GPU) và điện năng lớn và nhận thưởng từ block reward và phí giao dịch.
  • Lập trình viên & nhà phát triển: Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực blockchain, việc chạy Full Node hoặc Oracle Node sẽ giúp bạn truy cập dữ liệu blockchain nhanh hơn, hỗ trợ phát triển các ứng dụng phi tập trung tốt hơn. Full Node giúp lưu trữ toàn bộ dữ liệu blockchain và Oracle Node chuyên cung cấp dữ liệu ngoài chuỗi cho smart contract.
  • Doanh nghiệp & nhà cung cấp dịch vụ: Các công ty muốn hỗ trợ dự án hoặc cung cấp hạ tầng có thể tham gia Node-as-a-Service để vận hành node và thu phí từ khách hàng. Một số doanh nghiệp kiếm được hàng trăm đến hàng nghìn USD mỗi tháng từ mô hình này. Ví dụ: Crypto APIs, Lykke…

Chạy node yêu cầu bạn biết cách cài đặt và vận hành node theo từng blockchain cụ thể. Ngoài ra, bạn cần có máy tính đủ mạnh, kết nối mạng ổn định để node hoạt động liên tục. Một số loại node còn yêu cầu bạn đầu tư tiền để duy trì hệ thống và đảm bảo hiệu suất tốt nhất.

6. Tổng kết

Blockchain hoạt động ổn định nhờ các node, đóng vai trò lưu trữ dữ liệu và xác thực giao dịch chính xác. Qua bài viết này, 5 Phút Crypto mong muốn giúp bạn hiểu rõ Node là gì và những cách kiếm tiền từ việc vận hành nó. Chúc bạn có thêm kiến thức hữu ích để áp dụng vào hành trình đầu tư của mình!