1. Orderbook là gì?

Orderbook, hay còn gọi là sổ lệnh, là danh sách các lệnh mua và bán đang chờ được thực hiện trên một thị trường. Nói đơn giản, người mua sẽ đặt lệnh với mức giá họ muốn trả, còn người bán đặt lệnh với mức giá họ muốn bán. Sổ lệnh giúp mọi người dễ dàng nhìn thấy giá cả và khối lượng giao dịch, từ đó chọn mức giá phù hợp để mua hoặc bán.

Có thể hiểu đơn giản, Orderbook là một nơi mà các nhà giao dịch có thể tìm thấy những đối tác mua bán phù hợp với nhu cầu của mình. Điều này tạo ra sự kết nối giữa các nhà giao dịch và giúp các giao dịch diễn ra thuận lợi hơn. 

Thị trường hiện nay áp dụng nhiều cơ chế khớp lệnh như Batch Auctions (đấu giá theo lô), P2P Matching (khớp lệnh ngang hàng), Request For Quote (yêu cầu báo giá) hay AMM. Tuy nhiên, Orderbook vẫn là cơ chế phổ biến nhất, nhờ sự đơn giản và dễ sử dụng.

sổ lênh giao dịch
Sổ lệnh giao dịch Orderbook

Orderbook không phải là một khái niệm mới mà đã xuất hiện từ lâu, được áp dụng rộng rãi trong thị trường tài chính truyền thống. Hiện nay, Orderbook vẫn giữ vai trò quan trọng trên các sàn giao dịch tập trung (CEX) để đáp ứng nhu cầu giao dịch tiền mã hóa. Đáng chú ý, công cụ này ngày càng được tích hợp vào nhiều sàn DEX trong hệ sinh thái DeFi, mở rộng tính ứng dụng của nó.

2. Các thành phần cơ bản của Orderbook 

Orderbook có các thành phần cơ bản sau mà bạn cần phải biết:  

  • Giá mua: Mức giá mà người mua sẵn sàng trả để mua tài sản. 
  • Giá bán: Mức giá mà người bán sẵn sàng bán tài sản.
  • Giá thị trường: Đây là mức giá trung bình giữa giá mua cao nhấtgiá bán thấp nhất trên sổ lệnh.
  • Khối lượng: Là lượng tài sản có sẵn cho giao dịch ở một mức giá cụ thể. 
  • Lệnh thị trường (Market): Lệnh mua hoặc bán ngay lập tức với thanh khoản có sẵn trên thị trường. 
  • Lệnh giới hạn (Limit): Lệnh mua hoặc bán với mức giá do người dùng đặt trước. Lệnh này sẽ chỉ được khớp khi có thanh khoản đủ điều kiện. 
  • Chênh lệch giá (Spread): Là khoảng cách giữa giá bán thấp nhấtgiá mua cao nhất. Nếu spread quá lớn, có thể là dấu hiệu cho thấy thanh khoản của sổ lệnh kém. 
  • Khớp lệnh (Matching): Khi lệnh mua và bán có mức giá phù hợp, chúng sẽ được khớp và giao dịch sẽ được thực hiện, đồng thời bị xóa khỏi sổ lệnh.
Các thành phần cơ bản hiển thị trên Orderbook 
Các thành phần cơ bản hiển thị trên Orderbook 

3. Cơ chế hoạt động của Orderbook là gì?

Orderbook hoạt động bằng cách tự động khớp lệnh mua và bán khi chúng có cùng mức giá. Phần lệnh đã khớp sẽ được xóa khỏi sổ lệnh, trong khi phần chưa khớp sẽ tiếp tục nằm lại cho đến khi được giao dịch hoặc bị hủy. Quá trình này diễn ra liên tục, đảm bảo các lệnh được xử lý một cách trơn tru.

Cơ chế này có thể làm giá thay đổi theo hai trường hợp:

  • Giá tăng: Khi nhiều trader mua liên tục, họ khớp dần các lệnh bán từ giá thấp lên cao. Điều này làm giá bán thấp nhấtgiá mua cao nhất của các lệnh có sẵn trên sổ lệnh tăng, kéo giá thị trường đi lên.
  • Giá giảm: Khi nhiều trader bán liên tục, họ khớp dần các lệnh mua từ giá cao xuống thấp. Kết quả là giá mua cao nhấtgiá bán thấp nhất của các lệnh có sẵn trên sổ lệnh giảm, khiến giá thị trường đi xuống.

Ngoài ra, việc giá tăng hay giảm trên Orderbook có thể không phải do khớp lệnh mà do nhà giao dịch hủy lệnh hay thay đổi giá của lệnh ban đầu, tác động đến giá mua cao nhấtgiá bán thấp nhất

Lệnh mua (Buy) và lệnh bán (Sell) trên sổ lệnh
Lệnh mua (Buy) và lệnh bán (Sell) trên sổ lệnh

Trên sổ lệnh, phần lớn các lệnh mua bán là lệnh limit do người dùng tự đặt, dẫn đến thanh khoản thường không cao. Để cải thiện, các Market Maker (MM) sẽ tham gia đặt lệnh mua và bán, giúp tăng thanh khoản và đảm bảo giao dịch diễn ra trơn tru. Đổi lại, họ kiếm lợi từ phí giao dịch và chênh lệch giá mua bán.

4. Ưu và nhược điểm của Orderbook là gì? 

4.1 Ưu điểm 

  • Minh bạch: Orderbook cho phép người dùng thấy tất cả các lệnh đang chờ cùng mức giá mà người mua hay người bán muốn giao dịch.
  • Khớp lệnh chính xác: Orderbook cho phép các lệnh được khớp chính xác theo mức giá mà người dùng yêu cầu.
  • Tính linh hoạt: Các nhà đầu tư có thể đặt lệnh chờ, lệnh thị trường, hoặc lệnh dừng theo mức giá mong muốn.

4.2 Nhược điểm 

  • Yêu cầu thanh khoản: Orderbook có thể gặp vấn đề khi không có đủ thanh khoản để khớp các lệnh lớn, điều này có thể làm tăng spread hoặc dẫn đến việc không thể thực hiện giao dịch.
  • Không hỗ trợ cho tài sản vốn hóa thấp: Orderbook chỉ phù hợp cho các tài sản có vốn hóa lớn, nhiều người giao dịch. Còn các tài sản mới hay vốn hóa thấp ít người giao dịch thì sẽ không hỗ trợ được vì không có thanh khoản. 

5. TOP dự án DEX Orderbook trong Crypto

5.1 dYdX

Các thị trường giao dịch trên dYdX Chain
Các thị trường giao dịch trên dYdX Chain

dYdX là một trong những nền tảng DEX tiên phong ứng dụng cơ chế Orderbook, đặc biệt trong giao dịch hợp đồng tương lai vĩnh cửu (perpetual futures). Ban đầu, Orderbook của dYdX được vận hành bởi Sequencer của Layer 2, xây dựng dựa trên công nghệ StarkEx. Tuy nhiên, với phiên bản V4 mới nhất, Orderbook của dYdX hiện đã hoạt động trên blockchain riêng của nó, được phát triển bằng bộ công cụ Cosmos SDK.

Nhờ thanh khoản mạnh mẽ và giao diện thân thiện, dYdX từng đạt khối lượng giao dịch hàng tỷ USD mỗi ngày, thậm chí có lúc vượt cả Coinbase. Hiện tại, dù không còn dẫn đầu thị trường perp DEX, xếp sau Hyperliquid và Jupiter nhưng dYdX vẫn là cái tên lớn nằm trong top 3.

5.2 Hyperliquid 

Hyperliquid là một nền tảng Perp DEX mới ra mắt giữa năm 2023, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, dự án đã vươn lên đứng đầu thị trường với TVL đạt 1.5 tỷ USD và khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới hàng tỷ USD.

Thống kê TVL và volume giao dịch trên Hyperliquid
Thống kê TVL và volume giao dịch trên Hyperliquid

Tương tự dYdX, Hyperliquid cũng xây dựng một blockchain Layer 1 riêng bằng Cosmos SDK để vận hành Orderbook, đã nhanh chóng chiếm lĩnh vị trí số 1 nhờ vào những ưu điểm nổi bật như:

  • Tốc độ giao dịch cực kỳ nhanh, lên đến 100k tps.
  • Giao diện người dùng cực kỳ thân thiện và dễ sử dụng.
  • Thanh khoản lớn, giúp giảm thiểu trượt giá.
  • Vault có nhiều thanh khoản hỗ trợ chiến lược tạo lập thị trường và thanh lý lệnh hiệu quả.

Hyperliquid ra mắt token vào cuối năm 2024 và đạt mức giá cao nhất là 34 USD, tương đương với định giá 34 tỷ USD. Lúc TGE, dự án đã airdrop 31% tổng cung token cho hơn 90 nghìn người dùng, ước tính trị giá khoảng 10,5 tỷ USD là đợt airdrop lớn nhất thị trường crypto. 

Điều đặc biệt là Hyperliquid không huy động vốn từ các quỹ đầu tư, nhưng vẫn khẳng định được vị thế trên thị trường nhờ vào đội ngũ sáng lập đến từ Harvard và những công ty lớn như Google hay Hudson River Trading. Với đội ngũ này, Hyperliquid chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái thành công lớn trong tương lai.

5.3 Vertex 

Vertex mang đến một thị trường giao dịch Spot và Perp trên Arbitrum, kết hợp giữa sổ lệnh Offchain và AMM để cung cấp thanh khoản mượt mà cho người dùng. Sổ lệnh Offchain này được vận hành bởi Sequencer, giúp đảm bảo các giao dịch diễn ra nhanh chóng và hiệu quả. 

Điểm đặc biệt của Vertex là Vertex Edge – sổ lệnh chung kết nối thanh khoản giữa các chuỗi. Điều này cho phép dự án trên các chuỗi khác có thể sử dụng chung nguồn thanh khoản. Cụ thể, mỗi lệnh được mở trên các DEX ở chuỗi khác sẽ được Sequencer ghi vào sổ lệnh chung trên Arbitrum. Việc này giúp tập trung thanh khoản, mang lại trải nghiệm người dùng vượt trội. 

Khả năng két nối thanh khoản của EDGE
Khả năng kết nối thanh khoản của EDGE

Ban đầu dự án chỉ hỗ trợ hệ sinh thái Arbitrum, hiện tại Vertex đã mở rộng ra các chuỗi khác như Sei, Mantle, Base và Blast. Vertex có TVL khoảng 100 triệu USD và khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới hàng trăm triệu USD, chủ yếu được thực hiện trên Sei và Arbitrum.

5.4 Phoenix 

Phoenix là một dự án DEX Orderbook hiếm hoi hoạt động hoàn toàn onchain, với khối lượng giao dịch Spot lên đến hàng trăm triệu USD mỗi ngày. Được xây dựng trên Solana nên Phoenix có tốc độ khớp lệnh cực kỳ nhanh – chỉ mất 0.5 giây, cùng mức phí giao dịch siêu rẻ chỉ 0.01%.

Sàn giao dịch Phoenix
Sàn giao dịch Phoenix

Dự án được phát triển bởi Ellipsis Labs, một công ty khởi nghiệp có trụ sở tại New York, đã huy động hơn 44 triệu USD từ các quỹ hàng đầu như Paradigm, Electric Capital và Haun Ventures. 

Bên cạnh Phoenix, Ellipsis Labs còn đang phát triển Atlas – một chuỗi Layer 2 DeFi tương thích với SVM trên Ethereum. Trong tương lai, có thể Phoenix sẽ được chuyển lên Layer 2 Atlas, giúp tăng tốc độ giao dịch và cạnh tranh mạnh mẽ với các DEX Orderbook Offchain khác trên thị trường.

6. Dự phóng về Orderbook

Hiện tại, thị trường Crypto có 2 cơ chế Orderbook chính:

  • Orderbook Onchain: Cơ chế ghi và khớp tất cả các lệnh mua bán trực tiếp trên blockchain thông qua smart contract. Điều này đảm bảo tính minh bạch và an toàn nhờ toàn bộ dữ liệu được lưu trữ và xử lý trên blockchain. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình này là phí giao dịch cao và tốc độ chậm do hạn chế về khả năng mở rộng của blockchain.
  • Orderbook Offchain (CLOB): Cơ chế lưu trữ và khớp lệnh trên một hoặc một nhóm node độc lập, thay vì blockchain. Chỉ khi giao dịch được hoàn thành, dữ liệu mới được ghi lên blockchain. Điều này giúp giảm phí và tăng tốc độ giao dịch. Tuy nhiên, mô hình này kém bảo mật hơn và tiềm ẩn rủi ro gian lận do không hoạt động hoàn toàn trên blockchain.

Trước đây, Orderbook từng được thử nghiệm Onchain trong DeFi nhưng không đạt hiệu quả do tốc độ xử lý của blockchain còn hạn chế. Để khắc phục, một số sàn DEX đã áp dụng Orderbook Offchain, tương tự các sàn CEX, nhằm cải thiện tốc độ và giảm chi phí giao dịch.

Hiện nay, nhờ những tiến bộ công nghệ, Orderbook trở lại hoàn toàn Onchain, với các dự án tiêu biểu như dYdX V4, Hyperliquid hay Phoenix trên Solana. Những dự án này đã chứng minh hiệu quả vượt trội, nhờ vào các blockchain thế hệ mới với khả năng xử lý lên đến hàng chục hoặc hàng trăm nghìn TPS. Với sự cải thiện liên tục, Orderbook Onchain đang tiến đến một bước đột phá, vừa đảm bảo tốc độ cao, vừa duy trì tính an toàn và minh bạch – những đặc tính cốt lõi của blockchain.

Tương lai, DEX Orderbook sẽ phát triển theo ba hướng chính: 

  • Orderbook Omnichain: Hiện tại, mỗi chuỗi hay dự án đều xây dựng sổ lệnh riêng, dẫn đến việc thanh khoản bị phân mảnh. Một số dự án như Vertex Edge và Orderly tạo ra một sổ lệnh chung cho tất cả các chuỗi, giúp các dự án mới có thể thừa hưởng thanh khoản từ sổ lệnh này ngay lập tức. 
  • Onchain: Blockchain vốn nổi bật với tính minh bạch và phi tập trung, điều này khiến các DEX Orderbook Offchain trở nên lạc nhịp so với xu hướng chung của thị trường. Ngược lại, các DEX Orderbook Onchain đang khẳng định vị thế là tương lai của giao dịch phi tập trung. Với sự tiến bộ của công nghệ, điều này đã trở thành hiện thực, minh chứng qua những dự án như dYdX, Hyperliquid và Phoenix.
  • AMM vs Orderbook: Thanh khoản trên Orderbook chủ yếu đến từ các lệnh limit của người dùng và Market Maker. Nếu kết hợp AMM (Automated Market Maker) với Orderbook, sẽ tạo ra thanh khoản dày hơn, giúp giảm trượt giá và mang đến trải nghiệm giao dịch tốt hơn. 

Nếu một dự án có thể kết hợp hai trong ba yếu tố kể trên hoặc thậm chí cả ba, đồng thời sở hữu đội ngũ phát triển xuất sắc thì đó chắc chắn là một cơ hội đầu tư đầy hứa hẹn trong tương lai.

7. Tổng kết 

Orderbook đang trên đà phát triển mạnh mẽ và được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận những bước tiến đáng kể. Các cải tiến như Orderbook Omnichain hay tích hợp Vault hứa hẹn mang đến một hệ sinh thái giao dịch toàn diện, tốc độ cao và chi phí thấp. Những đổi mới này sẽ giúp người dùng tận dụng tối đa cơ hội trong thị trường crypto đầy tiềm năng.

5 Phút Crypto hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phát triển và tiềm năng của Orderbook trong thị trường crypto. Hy vọng những kiến thức này sẽ giúp bạn nắm bắt tốt hơn các cơ hội trong thị trường crypto.