1. Perpetual là gì?
Perpetual, hay hợp đồng vĩnh viễn, là một loại hợp đồng phái sinh phổ biến trong giao dịch tiền mã hóa và tài chính truyền thống. Nó cho phép nhà giao dịch dự đoán xu hướng giá của tài sản mà không cần sở hữu tài sản đó.
- Nếu bạn tin rằng giá sẽ tăng, bạn có thể mở vị thế Long (mua). Khi giá tăng, bạn có thể bán lại với giá cao hơn để kiếm lợi nhuận.
- Ngược lại, nếu bạn dự đoán giá sẽ giảm, bạn có thể mở vị thế Short (bán khống). Khi giá giảm, bạn mua lại với giá thấp hơn và hưởng chênh lệch lợi nhuận.
Điểm đặc biệt của Perpetual so với hợp đồng tương lai thông thường là không có ngày đáo hạn, nghĩa là bạn có thể giữ vị thế bao lâu tùy thích, miễn là duy trì đủ ký quỹ để tránh bị thanh lý.

Sản phẩm giao dịch Perpetual trong crypto là con gà đẻ trứng vàng cho các sàn DEX trong thị trường Crypto, với khối lượng giao dịch hàng chục đến hàng trăm tỷ USD mỗi ngày, từ đó mang lại thu nhập đáng kể cho các dự án này.
Các điểm nổi bật của Perpetual:
- Không kỳ hạn: Bạn không phải lo về ngày đáo hạn, vì hợp đồng sẽ được mở mãi cho đến khi bạn đóng lệnh, miễn là bạn duy trì mức ký quỹ. Nếu không duy trì đủ ký quỹ, lệnh của bạn sẽ bị thanh lý và bạn có thể mất toàn bộ số tiền ký quỹ.
- Không sở hữu tài sản thật: Bạn chỉ giao dịch dựa trên giá trị tài sản hoặc chỉ số chứ không trực tiếp sở hữu tài sản đó.
- Kiếm lợi nhuận dựa trên kỳ vọng giá: Có thể kiếm lợi nhuận trong thị trường giá lên bằng cách mở lệnh Long (mua thấp bán cao) và trong thị trường giá xuống bằng cách mở lệnh Short (bán cao mua thấp).
- Đòn bẩy: Chỉ cần một số vốn nhỏ, bạn đã có thể tham gia thị trường, vì các sàn giao dịch cho phép dùng đòn bẩy từ vài chục đến cả nghìn lần. Đòn bẩy càng cao, lợi nhuận có thể càng lớn, nhưng rủi ro mất sạch vốn cũng cao không kém.
2. Các khái niệm cần biết khi giao dịch Perpetual
- Đòn bẩy (Leverage): Là tỷ lệ giữa số tiền mà bạn có thể giao dịch và số tiền bạn cần ký quỹ để mở một vị thế. Đòn bẩy cho phép bạn giao dịch với số tiền lớn hơn nhiều so với số dư thực tế của mình.
- Ký quỹ ban đầu (Initial Margin): Là số tiền bạn cần để mở một vị thế giao dịch. Đây là phần vốn bạn phải đặt cọc để bắt đầu giao dịch, thường được tính dưới dạng tỷ lệ phần trăm của giá trị giao dịch.
- Ký quỹ duy trì (Maintenance Margin): Là mức ký quỹ tối thiểu bạn phải duy trì trong tài khoản của mình để giữ vị thế mở. Nếu số dư tài khoản của mình bị giảm dưới mức này thì lệnh của bạn sẽ bị thanh lý.
- Thanh lý (Liquidation): Thanh lý xảy ra khi số dư tài khoản của bạn giảm dưới mức ký quỹ duy vị thế, sàn giao dịch tự động đóng vị thế của bạn để ngừng thua lỗ thêm.
- Phí tài trợ (Funding Rate): Là khoản phí sinh ra để giữ giá hợp đồng Perpetual bằng với giá thị trường (giao ngay/Spot) của tài sản giao dịch.
- Lợi nhuận và Thua lỗ (PnL): Là số tiền bạn kiếm được hoặc mất từ giao dịch. PnL được tính dựa trên sự thay đổi giá của tài sản so với giá vào lệnh của bạn.
- Chế độ ký quỹ: Quyết định cách thức sàn giao dịch sử dụng tài khoản của bạn để duy trì vị thế. Có hai chế độ ký quỹ phổ biến: Cross Margin (toàn bộ số dư trong tài khoản dùng để duy trì các vị thế) và Isolated Margin (sử dụng một quỹ riêng biệt để duy trì từng vị thế).
Bạn có thể quan sát một lệnh Long MORPHO ở hình trên: Lệnh đang mở với đòn bẩy 10x ở chế độ Cross Margin, khối lượng 18,405 MORPHO, giá hiện tại là 1,4017 (tăng khoảng 28,7% so với giá vào lệnh 1,0891), tương đương với lợi nhuận là 5,765 USD. Ký quỹ ban đầu là 2,014 USD và ký quỹ duy trì là 411 USD.

3. Cơ chế hoạt động của Perpetual là gì?
Cơ chế hoạt động của Perpetual khá đơn giản với những điểm nổi bật sau:
- Mở vị thế giao dịch: Người dùng chọn lệnh Long (dự đoán giá tăng) hoặc lệnh Short (dự đoán giá giảm), không cần sở hữu tài sản gốc. Đây là sự khác biệt với giao dịch Spot, nơi nhà đầu tư phải mua tài sản thực tế.
- Lợi nhuận và thua lỗ:
- Nếu giá di chuyển đúng hướng dự đoán, người giao dịch có lợi nhuận và có thể chốt lời bất cứ lúc nào.
- Nếu giá đi ngược lại, thua lỗ sẽ xảy ra, tùy thuộc vào đòn bẩy sử dụng.
- Thanh lý vị thế: Khi lỗ vượt mức ký quỹ duy trì, sàn giao dịch sẽ tự động thanh lý để ngừng lỗ lớn hơn vốn ký quỹ ban đầu.
- Bổ sung ký quỹ (Margin Call): Trước khi bị thanh lý, người giao dịch có thể nạp thêm tiền để tăng mức ký quỹ, giữ vị thế lâu hơn và tránh bị đóng lệnh ngoài ý muốn.
Lợi nhuận hoặc thua lỗ chỉ được xác định khi đóng lệnh, và lệnh có thể duy trì cho đến khi bị thanh lý hoặc người dùng tự đóng.

4. Tính ứng dụng của Perpetual là gì?
Một số ứng dụng của giao dịch hợp đồng Perpetual như sau:
- Đầu cơ: Perpetual Futures là công cụ phổ biến cho những nhà đầu cơ vì cho phép họ dự đoán biến động giá của tài sản cơ sở mà không cần sở hữu tài sản đó. Nhà giao dịch có thể Long (mua) nếu kỳ vọng giá sẽ tăng hoặc Short (bán) nếu dự đoán giá sẽ giảm, giúp họ kiếm lợi nhuận trong cả hai chiều của thị trường.
- Phòng ngừa rủi ro: Perpetual Futures cũng là công cụ hữu ích để phòng ngừa rủi ro đối với các nhà đầu tư hoặc tổ chức sở hữu tài sản cơ sở. Họ có thể mở lệnh Short tài sản đó để giảm thiểu thiệt hại từ những biến động giá không mong muốn mà không cần phải bán tài sản cơ sở.
Ví dụ: Người dùng mua 10.000 BNB để tham gia Launchpool hoặc Launchpad trên Binance và muốn bảo vệ mình khỏi biến động giá của BNB. Họ có thể mở một lệnh Short với khối lượng 10.000 BNB (đòn bẩy 1x), giúp bảo vệ mình dù giá BNB có tăng hay giảm.
- Kinh doanh chênh lệch giá (Arbitrage): Perpetual Futures có thể được dùng để kinh doanh chênh lệch giá giữa các sàn giao dịch hoặc giữa hợp đồng Perpetual và giá tài sản cơ sở (spot market).

Ví dụ: Nếu có sự chênh lệch giá giữa hợp đồng Perpetual trên một sàn giao dịch và giá Bitcoin trên sàn khác, nhà giao dịch có thể mua Bitcoin trên sàn này và bán hợp đồng Perpetual Futures trên sàn kia để kiếm lợi từ sự chênh lệch giá.
- Kinh doanh phí Funding Rate: Nhà giao dịch có thể kiếm lợi nhuận từ phí qua đêm, một cơ chế giúp duy trì giá hợp đồng Perpetual sát với giá tài sản cơ sở (spot price).
Ví dụ: Trong thị trường giá lên, người dùng mua 1.000 BTC và đồng thời mở một lệnh Short với hợp đồng Perpetual. Điều này giúp họ kiếm lợi nhuận từ phí funding rate.
5. Phân loại Perpetual
Dựa trên cơ chế khớp lệnh giao dịch, Perpetual có thể phân thành các loại chính như sau:
- Orderbook: Người dùng đặt lệnh mua/bán, và lệnh sẽ khớp khi giá phù hợp. Đây là mô hình phổ biến nhất trong giao dịch Perpetual.
- Ưu điểm: Phản ánh nhu cầu mua bán thực tế của nhà giao dịch và phù hợp với các tài sản có vốn hóa lớn, nhu cầu giao dịch cao.
- Nhược điểm: Không phù hợp với các tài sản có vốn hóa thấp và phải phụ thuộc vào thanh khoản từ người giao dịch đối lập hoặc Market Maker.
- Pool: Nền tảng giao dịch sẽ có các Pool (bể chứa) tài sản. Người dùng giao dịch dựa trên giá được cập nhật từ Oracle. Nếu thắng, họ nhận tài sản từ Pool, còn nếu thua, tài sản thế chấp của họ sẽ được chuyển vào Pool.
- Ưu điểm: Hoạt động tự động bằng smart contract và không cần nhà giao dịch đối lập hay Market Maker.
- Nhược điểm: Phụ thuộc vào nguồn cấp giá của oracle và thanh khoản trong Pool.
Ngoài ra, có một số mô hình cải tiến như vAMM (Virtual AMM), sAMM (Smart AMM) giúp tối ưu trải nghiệm giao dịch. Một mô hình mới xuất hiện là Smart Contract Trading, nơi người dùng thế chấp token quản trị để giao dịch theo giá Oracle. Nếu thắng, họ nhận token mới; nếu thua, token thế chấp sĩ bị đốt.
6. Một số dự án Perpetual nổi bật trong thị trường Crypto
6.1 Hyperliquid
Hyperliquid là nền tảng Perp DEX mới ra mắt vào giữa năm 2023, và nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường với TVL đạt 1.5 tỷ USD và khối lượng giao dịch hàng ngày lên đến hàng tỷ USD.

Giống như dYdX, Hyperliquid cũng xây dựng blockchain Layer 1 riêng bằng Cosmos SDK để vận hành Orderbook, nhưng nổi bật nhờ những ưu điểm như:
- Tốc độ giao dịch cực nhanh (100k tps).
- Giao diện dễ sử dụng.
- Thanh khoản dày, giảm trượt giá.
- Kho tài sản phong phú, hỗ trợ hiệu quả cho chiến lược thị trường và thanh lý.
Điều đáng chú ý là dù Hyperliquid huy động vốn từ các quỹ đầu tư, công ty vẫn khẳng định được vị thế vững chắc nhờ vào đội ngũ sáng lập giàu kinh nghiệm, với những cái tên xuất thân từ Harvard, Google và Hudson River Trading. Chính đội ngũ này sẽ là chìa khóa giúp Hyperliquid tiếp tục gặt hái thành công lớn trong tương lai.
6.2 DYdX
DYdX là nền tảng DEX tiên phong sử dụng cơ chế Orderbook cho giao dịch perpetual futures. Ban đầu hoạt động trên Layer 2 với StarkEx, nhưng phiên bản V4 mới đã chuyển sang sử dụng blockchain riêng phát triển bằng Cosmos SDK.
Với thanh khoản mạnh và giao diện thân thiện, dYdX từng đạt khối lượng giao dịch khổng lồ, có lúc vượt qua cả Coinbase. Dù hiện tại không còn giữ ngôi đầu trong thị trường perp DEX, dYdX vẫn là một tên tuổi lớn.

6.3 GMX
GMX là sàn DEX đầu tiên áp dụng mô hình giao dịch hợp đồng Perpetual thông qua một Pool thanh khoản chung. Cụ thể, người dùng sẽ giao dịch theo giá được cung cấp bởi Oracle. Nếu thắng, họ nhận tài sản từ Pool, còn nếu thua, tài sản thế chấp sẽ bị chuyển vào Pool.

Mô hình này đã chứng tỏ sự hiệu quả vượt trội và rất phù hợp với thị trường crypto, giúp GMX vượt qua dYdX để vươn lên vị trí số 1, đồng thời khởi xướng trào lưu Real Yield trên Arbitrum vào giữa năm 2023.
Hiện nay, dự án đã đạt khoảng 650 triệu USD TVL và khối lượng giao dịch hàng ngày lên đến hàng trăm triệu USD. Tuy nhiên, GMX hiện chỉ còn là một cái tên quen thuộc trong top 10 Perp DEX hàng đầu, khi nhiều dự án mới có tính cạnh tranh cao hơn đã xuất hiện.
7. Tiềm năng của mảng Perpetual trong thị trường Crypto
Hiện nay, Orderbook là mô hình phổ biến nhất cho giao dịch Perpetual trên cả DEX và CEX, vì nó phản ánh chính xác nhu cầu mua bán của thị trường. Ngoài ra, mô hình giao dịch với Pool thanh khoản như GMX cũng đang cho thấy hiệu quả tích cực.
Tương lai, Perp DEX sẽ phát triển theo ba hướng chính:
- Orderbook Omnichain: Xây dựng sổ lệnh chung cho các cặp giao dịch trên nhiều chuỗi, giúp tập trung thanh khoản và mang lại trải nghiệm giao dịch tương tự CEX.
- Kết hợp AMM: AMM sẽ tăng cường thanh khoản cho giao dịch, hỗ trợ tài sản ít thanh khoản và khắc phục nhược điểm của Orderbook cần nhà giao dịch đối lập.
- Tạo Vault: Các Perp DEX đang phát triển Vault để người dùng gửi tài sản và kiếm lợi nhuận, sau đó sử dụng nguồn thanh khoản này cho các cặp giao dịch, thanh lý lệnh hoặc cho MM vay.
Trong ba hướng phát triển này, Orderbook Omnichain kết hợp với Vault là chủ đạo, còn AMM đóng vai trò hỗ trợ. Nếu một dự án có thể kết hợp cả ba yếu tố hoặc hai yếu tố chủ đạo, cùng đội ngũ mạnh mẽ và nhà đầu tư lớn, đây sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong tương lai.
Mảng Perp có thể thu hút hàng chục triệu người dùng và giao dịch hàng trăm tỷ USD mỗi ngày khi có sự chuyển dịch từ CEX sang DEX, cùng với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư và tổ chức truyền thống.
8. Tổng kết
Perpetual là công cụ giao dịch mạnh mẽ giúp nhà đầu tư kiếm lời từ biến động giá mà không cần sở hữu tài sản. Tuy nhiên, với mức đòn bẩy cao, người tham gia cần hiểu rõ rủi ro và quản lý chúng tốt. Với sự phát triển của công nghệ blockchain và nhu cầu ngày càng lớn trong thị trường crypto, Perpetual DEX hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai.