1. Pi Network là gì?
Pi Network là một loại tiền mã hóa có thể được khai thác trên điện thoại di động, giúp mọi người tiếp cận Blockchain mà không cần tới phần cứng mạnh như việc khai thác Bitcoin.
Pi Network được ra mắt vào ngày 14/03/2019 (Pi Day – 3.14) bởi một nhóm tiến sĩ và chuyên gia từ Đại học Stanford, với tầm nhìn muốn biến PI trở thành đồng tiền tiêu chuẩn được sử dụng để thanh toán trong các hoạt động hằng ngày như mua bán, trao đổi…

Pi Network không nổi tiếng nhờ công nghệ, người tạo ra dự án hay các ứng dụng của nền tảng mà nhờ vào cộng đồng của họ. Thật vậy, Pi Network sở hữu một cộng đồng vô cùng đông đảo với hơn 60 triệu người dùng. Trong đó đã có hơn 19 triệu tài khoản đã tiến hành KYC.
Đến nay, sau hơn gần 6 năm phát triển, PI cũng đã được niêm yết trên các sàn giao dịch nổi tiếng. Vậy dự án có gì đặc biệt và có đáng để chúng ta đầu tư hay không? Cùng 5 Phút Crypto tìm hiểu nhé!
2. Đội ngũ phát triển
Đội ngũ phát triển của Pi Network đều là những cái tên có học vấn cao, có bằng Tiến sĩ trong lĩnh vực công nghệ. Nổi bật trong đó bao gồm:
- Nicolas Kokkalis (Co-Founder & CEO): Ông có bằng Tiến sĩ Khoa học Máy tính tại đại học Stanford. Ông từng giảng dạy về Blockchain và từng làm việc tại StartX (vườn ươm khởi nghiệp của Stanford). Ông cũng là người sáng lập Gameyola – nền tảng phân phối và kiếm tiền từ game trên mạng xã hội.
- Chengdiao Fan (Co-Founder & Head of Product): Cô có bằng Tiến sĩ Máy tính tại đại học Stanford. Cô chuyên nghiên cứu về các hành vi cộng đồng và từng làm tại StartX cũng như có kinh nghiệm về khoa học dữ liệu, AI.

3. Nhà đầu tư và đối tác
Pi Network phát triển theo mô hình hướng tới cộng đồng, không phụ thuộc vào quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) hay các tổ chức tài chính.
4. Sản phẩm của Pi Network là gì?
Pi Network tập trung xây dựng một hệ sinh thái các dự án xoay quanh đồng PI. PI sẽ được dùng làm đồng tiền trung gian, đồng tiền tiêu chuẩn như cách đồng tiền pháp định hiện tại (VNĐ, USD) được sử dụng.

Trong hệ sinh thái Pi hiện tại có dự án Map of Pi, tại app này bạn có thể:
- Tìm những nơi chấp nhận thanh toán bằng PI để đổi lấy hàng hóa. Cộng đồng Pi thường gọi đây là ‘đồng thuận’. Đồng thuận: 1 PI = x VNĐ.
Dễ dàng nhìn thấy được PI được dự án định hình là trung tâm của việc trao đổi, mọi thứ đều có thể được dùng để trao đổi với PI.
Ngoài Map of Pi, hệ sinh thái Pi Network hiện vẫn còn rất nhiều dự án làm về nhiều mảng khác nhau. Ví dụ: Pi Game cho phép người dùng chơi game để nhận PI.

5. Lộ trình phát triển
Pi Network có 3 giai đoạn phát triển chính, từ Testnet đến Mainnet hoàn chỉnh.
- Phase 1 – Thiết kế, Phân phối & Xây dựng Mạng Tin Cậy: Bắt đầu từ 2019, giai đoạn này tập trung vào việc phát triển ứng dụng khai thác Pi trên điện thoại, xây dựng cộng đồng. Hệ thống chỉ mô phỏng cơ chế blockchain, Pi chưa thể mua/bán và tất cả số Pi khai thác trong giai đoạn này sẽ được chuyển sang Mainnet khi ra mắt.
- Phase 2 – Testnet: Từ 2021, Pi Network triển khai Blockchain trên Testnet và cho phép người dùng chạy Node trên máy tính để kiểm tra hoạt động mạng. Testnet chạy song song với hệ thống cũ để đối chiếu dữ liệu, phát hiện lỗi và điều chỉnh trước khi chuyển sang Mainnet. Đây là bước chuẩn bị quan trọng để đảm bảo hệ thống ổn định khi đi vào hoạt động chính thức.
- Phase 3 – Mainnet: Từ cuối 2022 đến nay, Pi Network đã ra mắt Mainnet kín, chỉ những tài khoản đã KYC mới được giữ số dư Pi. Hệ thống mô phỏng và Testnet sẽ đóng lại, Blockchain Pi vận hành độc lập và không bị kiểm soát bởi tổ chức. Tiếp đó là giai đoạn Mainnet công khai, khi Pi có thể giao dịch trên các sàn giao dịch và được sử dụng rộng rãi.
Hiện tại dự án đã bước qua giai đoạn 3 và dự kiến bản Mainnet công khai sẽ ra mắt vào ngày 20/2/2025.

6. Tokenomics
6.1 Tổng quan về Token PI
Tên Token | Pi Network |
Ticker | PI |
Blockchain | Update… |
Contract | Update… |
Tổng cung | 9,294 tỷ PI |
Tổng cung tối đa | 100 tỷ PI |
Sàn giao dịch | OKX |
6.2 Token Unlock & Token Allocation
100 tỷ PI sẽ được phân phối thành 2 phần chính là Community (80%) và Core Team (20%).
Community được nhận tới 80% ~ 80 tỷ PI, trong đó:
- 65 tỷ PI sẽ được phân phối qua việc đào trên điện thoại.
- 10 tỷ PI dùng để phát triển hệ sinh thái thông qua các hoạt động như hỗ trợ nhân sự, hợp tác doanh nghiệp, tổ chức và tài trợ sự kiện cộng đồng.
- 5 tỷ PI còn lại sẽ dùng để duy trì tính thanh khoản cho toàn bộ hệ sinh thái bao gồm người dùng (Pioneers) và các nhà phát triển ứng dụng.

Phần lớn token sẽ được phân phối qua việc đào (Mining). Tuy vậy cơ chế của giai đoạn Pre-mainnet và Mainnet có sự khác nhau tương đối lớn.
Tại giai đoạn Pre-Mainnet: Trước Mainnet, cơ chế khai thác giúp mở rộng mạng lưới, phân phối PI đến nhiều người nhất có thể, tạo ra một biểu đồ tin cậy (Trust Graph). Nhờ đó, Pi đạt hơn 35 triệu người dùng hoạt động trong giai đoạn này.
Còn ở giai đoạn Mainnet: Từ tháng 3/2022, khi bước vào giai đoạn Mainnet kín, cơ chế khai thác thay đổi nhằm:
- Khuyến khích đa dạng đóng góp: Người dùng không chỉ khai thác bằng cách bấm nút mà còn được thưởng dựa trên mức độ tham gia vào hệ sinh thái, như chạy Node, sử dụng ứng dụng Pi, và khóa Pi (Pi Lockup).
- Tạo sự bền vững: Tốc độ phát hành Pi giảm dần theo thời gian để đảm bảo nguồn cung không bị mất kiểm soát.
- Hướng tới phi tập trung và ổn định: Cơ chế mới giúp xây dựng một hệ sinh thái thực sự, đảm bảo Pi có giá trị và được sử dụng rộng rãi.
Lưu ý:
Trong White Paper của dự án có đề cập rằng sau khi 100 tỷ Pi được phân phối hết, cộng đồng có thể xem xét việc tạo thêm nguồn cung (lạm phát) nhằm:
- Tiếp tục thưởng cho người khai thác.
- Bù đắp lượng PI bị mất do sự cố hoặc không sử dụng.
- Đảm bảo thanh khoản và hạn chế việc tích trữ PI quá mức. Việc này sẽ do cộng đồng và quỹ phi lợi nhuận thảo luận, quyết định theo cơ chế phi tập trung.

6.3 Token Usecase
PI đóng vai trò trung tâm trong mạng lưới với nhiều ứng dụng.
- Thưởng cho những nhà khai thác.
- Làm phần thưởng cho các nhà phát triển.
- Tài trợ cho các sự kiện cộng đồng.
7. Tiềm năng và thách thức
Tiềm năng:
- Điểm mạnh nhất của PI hiện tại đó là sở hữu một cộng đồng cực kì tin tưởng dự án. Đặc biệt là tại các nước Châu Á hay Việt Nam, chúng ta có thể rõ ràng điều này.

Thách thức:
- Tất cả những gì PI có được hiện tại là ứng dụng dùng để khai thác PI. Các ứng dụng vệ tinh trong hệ sinh thái hiện tại vẫn còn rất đơn sơ và theo thiên hướng tiện ích chứ không đặt nặng yếu tố tài chính như các dự án Web3.
- Việc biến một đồng tiền mã hóa thành phương thức thanh toán chính thức cho các hoạt động hàng ngày là rất khó khăn. Các quốc gia luôn giữ quyền kiểm soát tiền pháp định vì nó liên quan đến sự phát triển kinh tế và chính trị của họ. Tại Việt Nam, đã có thời điểm một số cá nhân bị xử phạt do dùng PI làm phương tiện trao đổi.
- Lộ trình phát triển sau giai đoạn mainnet hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Mọi thứ khá chung chung như “phát triển hệ sinh thái” và chúng ta không có quá nhiều cơ sở để đánh giá.
- Phần lớn token nằm trong tay các thợ đào. Áp lực xả sẽ là tương đối lớn khi họ đã tham gia vào mạng lưới cũng ngót nghét 5-6 năm.
8. Kênh thông tin dự án
9. Tổng kết
Dù sở hữu cộng đồng khổng lồ với hơn 60 triệu người dùng, Pi Network vẫn cần phải phải cải thiện rất nhiều, đặc biệt là việc phát triển hệ sinh thái và trở thành một phương thức thanh toán chính thức.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về Pi Network. Chúc bạn có thêm thông tin hữu ích để đưa ra quyết định đầu tư thông minh!