PI thiếu nửa đô để có vốn hóa tối đa bằng XRP?
Niêm yết với mức giá 2 USD
Hôm nay 20/02, Pi Network – dự án khai thác Crypto trên điện thoại thông minh với hơn 60 triệu người dùng – chính thức niêm yết trên sàn OKX sau hơn 6 năm ròng rã.
$PI đã niêm yết OKX với mức giá quanh 2 USD, thật sự đã gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư khi trước đó đã có không ít thông tin tiêu cực về đồng coin này.

$PI mở đầu ở mức 2 USD, nhanh chóng tăng lên 2.2 USD, nhưng chỉ trong vòng hai giờ sau đó, giá đã giảm 50%, hiện giao dịch quanh 0.97 USD.
Lý thuyết “PI thiếu 0.5$ để có vốn hóa tối đa bằng XRP”?
FDV (Fully Diluted Valuation) hay vốn hóa tối đa là giá trị ước tính nếu tất cả token đều được lưu hành trên thị trường của một dự án, được tính bằng cách nhân giá hiện tại của token với tổng cung tối đa có thể phát hành.
FDV (Vốn hóa tối đa) = Giá hiện tại x Tổng cung tối đa
Lý thuyết của so sánh “vui vẻ” này như sau:
- Giá của PI khi niêm yết sàn OKX đã chạm mốc cao nhất là 2.2 USD, tổng cung tối đa của PI là 100 tỷ PI.
- Trùng hợp thay khi tổng cung của XRP cũng là 100 tỷ XRP và giá hiện tại là 2.7 USD.
Nói quá lên một chút, PI chỉ cần thêm 0.5 USD nữa và đạt giá 2.7 USD thì lúc đó vốn hóa tối đa của PI sẽ bằng với XRP.

Đó chỉ là một so sánh mang tính chất vui vẻ, nghiêm túc mà nói, ta có thể thấy cung lưu hành hiện tại (số token có thể giao dịch) của PI chỉ hơn 1.5 tỷ PI, kém xa với con số 57.8 tỷ của XRP.
Để dễ tưởng tượng, PI mới chỉ ở vạch xuất phát với 1% chặng đường, trong khi XRP đã đi được hơn nửa hành trình và từng chạm mức 3.84 USD.

Tuy nhiên, trong thế giới Crypto, mọi kịch bản đều có thể xảy ra. Với quãng đường dài phía trước, liệu PI có thể tạo nên bất ngờ sau khi đã gây chấn động với mức giá khởi điểm 2 USD?
Mô hình khai thác gây tranh cãi của PI
Pi Network thu hút sự chú ý nhờ mô hình khai thác trên điện thoại, cho phép người dùng đào Pi mà không cần phần cứng chuyên dụng. Tuy nhiên, để tham gia, người dùng phải nhận được lời mời từ một thành viên khác và có thể mời thêm người để gia tăng phần thưởng.

Cách hoạt động này có nét tương đồng với các mô hình tiếp thị đa cấp (MLM) hoặc hệ thống kim tự tháp, tương tự như các dự án gây tranh cãi trước đây như SafeMoon hay HEX.
Dự án bắt đầu từ năm 2019, ra mắt testnet vào 2020, và token PI hiện đánh dấu sự kiện mainnet chính thức. Điều này đồng nghĩa với việc token được khai thác trước đó có thể chuyển nhượng và giao dịch.
Thanh khoản yếu, giá PI dễ bị thao túng
Dù vốn hóa được định giá cao, thanh khoản của PI hiện đang rất thấp. Trên sàn giao dịch có tính thanh khoản cao nhất hiện tại là OKX, độ sâu thị trường chỉ vào khoảng 33.000 – 60.000 USD cho mức trượt giá 2%. Điều này có nghĩa là chỉ cần một lệnh giao dịch 100.000 USD cũng đủ để làm giá PI biến động mạnh.
Với mức vốn hóa thị trường của PI, một biến động giá 2% có thể tương đương với 146 triệu USD giá trị dự án bị dịch chuyển.
Để kiểm soát áp lực bán, Pi Network áp dụng chính sách “lock-up” cho phép người dùng khóa token trong tối đa 3 năm để nhận phần thưởng khai thác cao hơn. Tuy nhiên, phương pháp này cũng từng được áp dụng trong dự án HEX, và khi giá HEX sụt giảm hơn 99% từ 2021 đến 2024, nhiều nhà đầu tư đã bị kẹt với số token gần như vô giá trị.
