1. Stablecoin là gì?
Stablecoin là loại tiền mã hóa được sinh ra để giữ giá trị ổn định, chúng được neo giá với đồng đô la Mỹ (USD), vàng, hoặc sử dụng thuật toán để duy trì giá quanh 1 USD. Nhờ tính ổn định này, Stablecoin được coi như là “tiền mặt” trong thế giới Crypto, giúp nhà đầu tư dễ dàng mua các tài sản khác như Bitcoin, Ethereum hay NFT.

Bên cạnh đó, Stablecoin còn có nhiều ứng dụng thực tế khác như:
- Thanh toán: Stablecoin giúp giao dịch và chuyển tiền nhanh chóng với chi phí thấp và không mất thời gian chờ như ngân hàng truyền thống. Qua đó người dùng có thể thanh toán hoặc gửi tiền xuyên biên giới dễ dàng mà không lo phí chuyển đổi tiền tệ. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp cũng đã chấp nhận USDT, USDC thay thế thẻ tín dụng và chuyển khoản.
- Cầu nối Web2 và Web3: Stablecoin giúp nhà đầu tư giao dịch các loại tài sản Crypto khác một cách dễ dàng mà không cần dùng tiền pháp định hay Bitcoin và Ethereum, vốn có tính biến động cao. Từ đó giúp người dùng có thể bắt đầu với Stablecoin để tham gia DeFi, NFT hoặc GameFi một cách đơn giản và an toàn hơn.
- Kiếm lợi nhuận: Stablecoin được sử dụng rộng rãi trong các giao thức DeFi như Aave, MakerDAO, Lido để vay, cho vay và tham gia các hoạt động tạo lợi nhuận như staking, farming. Ngoài ra, các nền tảng như Binance Earn, OKX Earn cũng cho phép gửi Stablecoin với lãi suất cao hơn ngân hàng truyền thống, giúp người dùng tận dụng Stablecoin như một tài sản sinh lời hiệu quả.
- Bảo vệ danh mục đầu tư: Khi thị trường Crypto biến động mạnh, nhà đầu tư có thể lập tức bán sang Stablecoin để bảo toàn vốn, tránh tổn thất nặng nề. Điều này tương tự như việc nhà đầu tư truyền thống rút về tiền mặt khi thị trường chứng khoán lao dốc.
Tính đến nay, vốn hóa của Stablecoin đã vượt mốc 200 tỷ USD. Trong đó, USDT của Tether dẫn đầu với hơn 50% thị phần, tương đương khoảng 142 tỷ USD, theo sau là USDC của Circle và USDS và Tron DAO.

Có thể bạn quan tâm:
2. Cơ chế hoạt động của Stablecoin
Dựa trên cơ chế đảm bảo giá trị, Stablecoin được chia thành các loại sau:
2.1 Stablecoin được bảo chứng bằng tiền pháp định (Fiat-collateralized Stablecoins)
Khi người dùng mua Stablecoin, họ sẽ chuyển tiền pháp định vào tài khoản của tổ chức phát hành. Tổ chức này sau đó phát hành số lượng Stablecoin tương ứng và gửi vào ví của người dùng. Khi người dùng muốn đổi lại tiền pháp định, tổ chức này sẽ mua lại Stablecoin và hoàn trả tiền theo tỷ lệ 1:1.
Số tiền pháp định tổ chức nhận được thường sẽ đầu tư vào các tài sản sinh lợi như trái phiếu chính phủ Mỹ, giúp tổ chức kiếm thêm lợi nhuận. Điển hình như Tether (USDT), với hơn 80% dự trữ được đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ, tương đương khoảng 113 tỷ USD USD tính quý 4 năm 2024.
Ví dụ: Để mua 1 USDT, người dùng gửi 1 USD vào tài khoản của Tether, sau đó Tether sẽ phát hành 1 USDT và gửi vào ví người dùng. Khi người dùng muốn đổi 1 USDT lấy 1 USD, Tether sẽ mua lại 1 USDT và chuyển 1 USD vào tài khoản của người dùng.

Tuy nhiên, loại Stablecoin này phụ thuộc vào tổ chức phát hành, có thể gặp rủi ro nếu tổ chức không duy trì đủ USD để dự trữ. Vì thế các tổ chức phát hành cũng sẽ thường xuyên phải trải qua kiểm toán độc lập để đảm bảo tính minh bạch và uy tín.
Hiện tại, Stablecoin được bảo chứng bởi tiền pháp định đang chiếm gần 90% thị phần trong lĩnh vực Stablecoin, với tổng vốn hóa đạt 227 tỷ USD. Dẫn đầu vẫn là hai “ông lớn” USDT và USDC.

2.2 Stablecoin được bảo chứng bằng Crypto (Crypto-collateralized Stablecoins)
Stablecoin này được bảo chứng bằng các đồng coin như ETH, SOL,… Khi nhà đầu tư thế chấp những tài sản này vào các giao thức DeFi, họ sẽ nhận lại stablecoin. Tuy nhiên, vì giá trị của các tài sản này có thể biến động mạnh, nên stablecoin thường được thế chấp với giá trị cao hơn số tiền phát hành để đảm bảo sự ổn định. Tuy vậy, vẫn có rủi ro từ biến động giá của các tài sản Crypto mà người dùng thế chấp.
Ví dụ: Người dùng có thể thế chấp 100 đô ETH vào MakerDAO, và nền tảng này sẽ phát hành 90 đô Stablecoin DAI cho người dùng. Sau đó, người dùng có thể sử dụng DAI để tham gia vào các hoạt động DeFi như vay, cho vay, farming,…..Nếu giá ETH giảm sâu và tỷ lệ thế chấp xuống dưới 170%, MakerDAO sẽ tự động thanh lý ETH của người dùng để đảm bảo hệ thống an toàn. Điều này có thể khiến người dùng mất tài sản thế chấp nếu không nạp thêm ETH kịp thời.
Đây là loại Stablecoin có vốn hóa lớn thứ 2 sau Fiat-collateralized Stablecoins, hiện đã đạt hơn 5 tỷ USD.

2.3 Stablecoin thuật toán (Algorithmic Stablecoins)
Loại Stablecoin này sẽ sử dụng các thuật toán để điều chỉnh số lượng coin trong lưu thông, giúp duy trì giá của Stablecoin quanh mốc 1 USD. Khi giá Stablecoin vượt mức trên 1 USD, hệ thống của bên phát hành sẽ tăng số lượng Stablecoin để giá giảm xuống. Ngược lại, khi giá thấp hơn 1 USD, thuật toán sẽ giảm số lượng Stablecoin để đẩy giá lên.
Ví dụ: UST (TerraUSD) là một stablecoin thuật toán được thiết kế để duy trì giá trị ổn định ở mức 1 USD thông qua cơ chế cung cầu và sự tương tác với đồng LUNA. Khi giá trị của UST vượt quá 1 USD, người dùng có thể chuyển đổi LUNA thành UST, giúp tăng cung UST và đưa giá trị của nó trở lại mức 1 USD. Ngược lại, khi giá trị của UST giảm dưới 1 USD, người dùng có thể chuyển đổi UST thành LUNA, giúp giảm cung UST và đẩy giá trị của nó trở lại mức 1 USD.
Tuy nhiên, Stablecoin thuật toán có thể đối mặt với một số rủi ro, bao gồm:
- Thanh khoản kém: Khi thị trường thiếu thanh khoản, stablecoin có thể gặp khó khăn trong việc duy trì giá trị ổn định, đặc biệt khi nhu cầu biến động đột ngột hoặc thị trường biến động mạnh, dẫn đến nguy cơ mất giá.
- Thiên nga đen: Đây là những sự kiện bất ngờ có thể gây hậu quả nghiêm trọng với Stablecoin thuật toán. Ví dụ, UST (TerraUSD) mất peg với USD khi cơ chế cung cầu không còn duy trì được sự cân bằng, khiến giá giảm mạnh và tác động tiêu cực đến toàn bộ thị trường.
Loại Stablecoin này đã có khoảng thời gian khuynh đảo thị trường nhờ sự lớn mạnh của UST (TerraUSD). Tuy nhiên, sau cú sập của LUNA, nó đã kéo theo cả hệ thống stablecoin thuật toán và khiến nhà đầu tư mất dần niềm tin vào Stablecoin thuật toátoán . Hiện vốn hóa của ngách này chỉ còn hơn 800 triệu USD. Chiếm phần lớn thị phần hiện tại đang là USDD, được phát hành bởi Tron DAO.

2.4 Stablecoin được bảo chứng bằng hàng hóa (Commodity-backed Stablecoins)
Cơ chế của Stablecoin này tương tự như Stablecoin được bảo chứng bằng tiền pháp định, nhưng tổ chức phát hành sẽ sử dụng các loại hàng hóa, chẳng hạn như vàng, bạc hoặc dầu mỏ, làm tài sản thế chấp thay vì là đồng USD. Giá trị của loại Stablecoin này sẽ được neo theo giá thị trường của hàng hóa đó. Vì thế bạn có thể gặp rủi ro nếu giá trị hàng hóa thay đổi mạnh.
Ví dụ: QGOLD là một Stablecoin được bảo chứng bằng vàng, trong đó mỗi token QGOLD đại diện cho 1 ounce vàng được lưu trữ trong kho vàng của tổ chức phát hành Quorium. Khi người dùng mua QGOLD, họ sẽ sở hữu một phần vàng trong kho của Quorium, và giá trị của QGOLD sẽ thay đổi theo giá vàng trên thị trường.
Theo thống kê từ Coingecko, hiện vốn hóa của nó mới chỉ đạt hơn 200 triệu USD, một con số khá khiêm tốn so với các ngách stablecoin khác.

3. Cách mua/bán và nắm giữ Stablecoin
Hiện đã có rất nhiều cách để nhà đầu tư có thể mua/bán hoặc nắm giữ Stablecoin, dưới đây là một số lựa chọn phổ biến:
- Sàn giao dịch tập trung (CEX): Các sàn giao dịch lớn như Binance, OKX, Coinbase hiện đã hỗ trợ người dùng mua các đồng Stablecoin như USDT, USDC, BUSD bằng tiền pháp định thông qua hình thức P2P. Ngoài ra, người dùng cũng có thể nạp các đồng tiền mã hóa khác như BTC, ETH lên sàn để bán ra Stablecoin như USDT, USDC hoặc BUSD một cách nhanh chóng và thuận tiện.
- Sàn giao dịch phi tập trung (DEX): Nếu không nạp lên các sàn CEX, bạn cũng có thể sử dụng các sàn DEX như Uniswap, SushiSwap, hoặc Pancakeswap để hoán đổi tài sản Crypto bạn đang có sang USDT, DAI, USDC trực tiếp mà không cần một bân trung gian.
- Vay Stablecoin trên nền tảng DeFi: Các giao thức DeFi như Aave, Compound,…cũng hỗ trợ việc sử dụng các đồng coin khác như ETH, BTC và SOL làm tài sản thế chấp để vay Stablecoin.
- Ví Web3: Các ví Web3 như Phantom và Trust Wallet cũng đã hỗ trợ việc mua Stablecoin thông qua thẻ tín dụng hoặc Visa Card.
4. Cách kiếm tiền với stablecoin
Stablecoin không chỉ dùng để lưu trữ giá trị mà còn có nhiều cách để kiếm lợi nhuận. Dưới đây là một số phương pháp phổ biến:
1. Gửi tiết kiệm
- Trên các nền tảng CeFi: Bạn có thể gửi stablecoin vào Binance Earn, Nexo hoặc Crypto.com để nhận lãi suất từ 2-10%/năm tùy nền tảng.
- Trên DeFi: Các giao thức như Aave, Compound hoặc Venus cho phép bạn gửi vay stablecoin và nhận lãi suất. Lãi suất trên các giao thức DeFi thường có lãi cao hơn nhưng đi kèm rủi ro từ nền tảng bị hack hoặc ví bị xâm nhập nếu truy cập vào các nền tảng lừa đảo.
2. Cung cấp thanh khoản (Liquidity Providing – LP)
- Khi cung cấp stablecoin vào các pool thanh khoản trên Uniswap, Curve, PancakeSwap hoặc Balancer, bạn sẽ nhận được phí giao dịch từ người dùng swap tài sản.
3. Farming và Yield Aggregator
- Các nền tảng như Yearn Finance, Beefy Finance hoặc Autofarm giúp bạn tự động tối ưu hóa lợi nhuận bằng cách đem số Stablecoin bạn nạp vào đến nơi có lãi suất cao nhất.
- Hình thức này có lợi suất cao hơn gửi tiết kiệm nhưng cần kiểm tra kỹ độ uy tín của nền tảng.
4. Tham gia Launchpool trên các sàn CEX
- Bạn có thể tham gia khóa Stablecoin trên Launchpool của các sàn CEX như Binance, OKX… để nhận thưởng token mới. Nếu token này có giá trị, đây có thể là một cơ hội sinh lời đầy tiềm năng.
Tùy vào mức độ chấp nhận rủi ro và hiểu biết về thị trường, bạn có thể chọn phương pháp phù hợp để tối ưu lợi nhuận từ stablecoin..
5. Ưu và nhược điểm của Stablecoin
Ưu điểm của Stablecoin:
- Ổn định giá: Giảm thiểu rủi ro biến động giá, phù hợp cho các giao dịch và thanh toán.
- Tính thanh khoản cao: Dễ dàng mua bán và trao đổi trên các sàn giao dịch, mang lại sự linh hoạt.
- Chi phí giao dịch thấp: Thường có phí giao dịch thấp hơn so với các phương thức thanh toán truyền thống.
- Tốc độ giao dịch nhanh: Giao dịch được xử lý nhanh chóng trên blockchain và tiết kiệm thời gian.
- Minh bạch: Một số Stablecoin được kiểm toán định kỳ để đảm bảo tính minh bạch và sự tin cậy.
Nhược điểm của Stablecoin:
- Rủi ro tập trung: Một số Stablecoin do các tổ chức tập trung phát hành và quản lý, điều này có thể gây ra rủi ro về bảo mật và quản lý.
- Rủi ro mất giá: Dù được thiết kế để ổn định giá, Stablecoin vẫn có thể mất giá (De-peg) trong một số tình huống, như khi tổ chức phát hành gặp sự cố hoặc các nhà đầu tư bán tháo.
- Rủi ro pháp lý: Khung pháp lý cho Stablecoin vẫn chưa rõ ràng ở nhiều quốc gia, có thể gây khó khăn trong việc quản lý và tuân thủ các quy định của quốc gia đó.
- Quy định pháp lý: Stablecoin đang chịu sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý trên toàn cầu. Các quy định mới, như yêu cầu về dự trữ tài sản và cấp phép tại Hoa Kỳ hay MiCA ở châu Âu, có thể gây áp lực lớn lên các nhà phát hành. Nếu không tuân thủ, một số stablecoin có thể bị hạn chế giao dịch hoặc thậm chí bị cấm, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường.
6. Kết luận
Bài viết trên đã cung cấp đầy đủ thông tin về Stablecoin, từ định nghĩa, phân loại, cơ chế hoạt động, cách mua, cho đến ưu nhược điểm và triển vọng trong tương lai. Hy vọng rằng những thông tin này sẽ giúp bạn tự tin hơn trong hành trình đầu tư. Đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất trên Website của 5 Phút Crypto để luôn cập nhật những thông tin nổi bật và kiến thức giá trị trong thị trường Crypto nhé!