1. Tổng quan về Morpho Protocol
Morpho Protocol là một giao thức cho vay tài sản (lending) khởi nguồn trên Ethereum và hiện đã mở rộng sang Base với tham vọng cạnh tranh trực tiếp với “ông lớn” Aave – Dự án Lending TOP 1 thị trường.
Ban đầu, Morpho phát triển sản phẩm Morpho Optimizer, lớp tối ưu lãi suất cho người dùng trên Aave và Compound. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nền tảng khác và khó mở rộng, Morpho đã chuyển hướng sang Morpho Blue, một cải tiến mới với tham vọng thay đổi thị trường Lending. Hiện tại, dự án đã ngừng hoạt động Morpho Optimizer và đổi tên Morpho Blue thành Morpho.
Từ khi ra mắt vào 08/2022, Morpho đã đạt hơn 5,6 tỷ USD tổng giá trị tiền gửi và 2 tỷ USD khoản vay, lọt vào top 4 giao thức Lending lớn nhất. Trong đó, Morpho Blue chiếm hơn 5 tỷ USD TVL, với hàng trăm loại tài sản được chấp nhận trên Ethereum và Base, vượt trội hơn hẳn so với vài chục tài sản trên Aave hay bất kỳ giao thức nào khác.
2. Những lý do tại sao nhà đầu tư nên chú ý tới Morpho Protocol?
2.1 Đội ngũ phát triển tài năng
Morpho bắt đầu từ một nhóm nhỏ kỹ sư và nhà nghiên cứu trẻ tại Pháp, với 4-5 thành viên chủ chốt. Được đào tạo bài bản tại Télécom Paris, một trong những trường kỹ thuật hàng đầu tại Pháp và có kinh nghiệm làm việc tại các tổ chức uy tín như Amazon, BNP Paribas, Gelato Network và Nomadic Labs.
Đáng chú ý, dự án đã huy động được 18 triệu USD vào năm 2022, khi CEO Paul Frambot vẫn còn học năm ba đại học. Sự kiện này không chỉ chứng minh tầm nhìn mà còn cho thấy khả năng trong việc thuyết phục các nhà đầu tư của đội ngũ sáng lập.
2.2 Sản phẩm đột phá
Dưới đây là cách Morpho Blue giải quyết các vấn đề tồn tại trên thị trường lending hiện tại, đặc biệt trong bối cảnh Aave đang thống trị:
- Hạn chế về số lượng tài sản: Mặc dù Aave đã có Isolated Pool trong phiên bản V3 để hạn chế rủi ro khi chấp nhận nhiều tài sản hơn, nhưng nó cũng chỉ dừng lại ở những tài sản có vốn hóa lớn như UNI, MKR (SKY), BAL, CRV, ENS, SNX, 1INCH,…
> Morpho Blue hỗ trợ bất kỳ tài sản nào, kể cả các loại tài sản mới, thậm chí là có độ rủi ro cao. Điều này tạo nên sự đa dạng trong danh mục tài sản, người dùng có nhiều sự lựa chọn hơn nhau như LST, LRT, RWA hay LP Token.
Với hơn 50 loại tài sản cho vay và 100 tài sản thế chấp, Morpho Blue vượt trội so với các dự án Lending truyền thống, mang lại nhiều cơ hội cho người dùng tối ưu hóa nguồn vốn và sinh lời.
- Thiếu cạnh tranh: Tài sản trên Aave, cùng một loại tài sản sẽ được gộp chung vào một Pool và đặt mức lãi suất chung cho bên vay và bên cho vay. Nên người dùng rất có ít quyền lựa chọn.
> Morpho Blue cho phép bất kỳ ai cũng có thể tạo Pool cho vay, thúc đẩy sự phát triển theo nhu cầu thị trường. Người dùng có thể cạnh tranh để đưa ra mức lãi suất hấp dẫn hơn, mang lại nhiều lựa chọn phù hợp với khẩu vị đầu tư khác nhau.
Ví dụ, lãi suất cho vay có thể đạt đến 23% với USDC, 18% với DAI, hoặc thậm chí là lãi suất vay âm cho các tài sản như USD0, WBTC, USDA. Tính năng này không chỉ mang lại nhiều lợi ích và giúp tối ưu hóa dòng tiền cho người dùng.
- DAO quản lý mọi thứ: Mọi quyết định trên các giao thức Lending khác đều phải thông qua bởi DAO như: Phê duyệt tài sản mới, thay đổi lãi suất,… Điều này khiến nền tảng không phản ứng kịp với thị trường biến động và bắt kịp các xu hướng mới.
> Morpho Blue thúc đẩy sự phát triển tự do của thị trường cho vay vì không bị quản lý trực tiếp bởi DAO. Điều này giúp các Pool phản ứng nhanh hơn với biến động thị trường, giảm thiểu các hạn chế và rào cản đối với dự án tham gia.
Với hơn 80 Vault và hàng trăm thị trường cho vay khác nhau, Morpho Blue mở ra không gian phát triển linh hoạt, tối ưu hóa trải nghiệm cho người dùng.
- Aave V3 bị phân mảnh thanh khoản: Mô hình Isolated Pool trên Aave V3 cho phép mỗi tài sản có một pool riêng biệt, nhằm cách ly rủi ro của các tài sản vốn hóa thấp khỏi pool chính trên Aave V2. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thanh khoản bị phân tán vào nhiều pool khác nhau, gây ra tình trạng thanh khoản bị phân mảnh.
> Morpho còn phải gặp tình trạng nặng nề hơn, nhưng đã phát triển 2 công cụ để giải quyết vấn đề phân mảnh thanh khoản và giao diện phức tạp, với tên gọi là Vaults và Public Allocator.
Vaults giúp người cho vay quản lý tài sản và rủi ro trên nhiều Pool, người dùng chỉ cần gửi tiền vào Vault và hưởng lãi suất. Trong khi đó, Public Allocator là công cụ tự động gộp thanh khoản của một loại tài sản từ nhiều Pool vào một Pool để đáp ứng nhu cầu vay của người dùng.
Nhờ các lợi thế trên mà dự án thu hút được sự tin tưởng từ các nhà quản lý quỹ như SparkDAO, MEV Capital và Steakhouse Financial. Nhiều dự án khác như Defi Saver, Instadapp hay Moonwell cũng chọn sử dụng thanh khoản từ Morpho để phát triển sản phẩm của riêng mình.
Một trong những bước ngoặt lớn nhất là sự hợp tác giữa Pendle, Ethena và MakerDAO. MakerDAO đã cho vay 600 triệu DAI với tài sản thế chấp là USDe, sUSDe và PT token. Kết quả? MakerDAO thu về 20 triệu USD chỉ sau 6 tháng, đồng thời giúp Pendle và Ethena mở rộng chỗ đứng trong DeFi.
2.3 Quỹ đầu tư chất lượng và ít áp lực xả token trong trung hạn
Morpho Protocol đã huy động thành công 69,35 triệu USD, vượt xa Compound (33,2 triệu USD) và Aave (32,5 triệu USD), trở thành dự án Lending được rót vốn nhiều nhất. Các quỹ lớn như A16z, Coinbase Ventures, Variant, Pantera, và IOSG cũng góp mặt, khẳng định tiềm năng đột phá của Morpho trong thị trường.
Các holder MORPHO sẽ không chịu áp lực mở khóa token lớn trước tháng 3/2025. Tuy nhiên, từ 03/04/2025 đến 03/10/2025, 16,8% tổng cung từ quỹ đầu tư sẽ mở khóa. Tiếp đó, từ 21/11/2025 trong 2 năm, thêm 21,9% tổng cung từ Strategic Partners và Founder sẽ được mở khóa, có thể ảnh hưởng đến giá.
2.4 Định giá hợp lý
So sánh Morpho Protocol với các dự án Lending hàng đầu dựa vào TVL, Marketcap (vốn hóa thị trường) và FDV (định giá) ở thời điểm hiện tại như sau:
Marketcap/TVL | FDV/TVL | |
Aave | 0,15 | 0,16 |
Compound | 0,18 | 0,21 |
Morpho | 0,09 | 0,57 |
- Marketcap: Xét về Marketcap hiện tại thì Morpho đang bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực của dự án, dựa trên TVL so với Aave và Compound. Morpho phải x2 mức giá này thì mới phản ánh đúng giá trị của nó.
- FDV: Xét về định giá thì Morpho đang được đánh giá cao hơn gấp 2 lần so với Compound và gấp 3 lần so với Aave.
Việc so sánh một dự án mới với các dự án cũ trong ngắn hạn, đặc biệt là trong giai đoạn không có nhiều áp lực trả token thì dựa trên Marketcap sẽ trực quan hơn. Tức là giá của Morpho hiện tại vẫn còn đang thấp hơn giá trị thực của nó khoảng 50%.
Về dài hạn, định giá 3 tỷ USD hiện tại của Morpho còn thấp so với tiềm năng sản phẩm và đội ngũ phát triển. Ở chu kỳ trước, Aave đạt đỉnh 10 tỷ USD, Compound là 8,5 tỷ USD. Với việc Compound dần mất sức cạnh tranh, Morpho có khả năng sánh ngang Aave, đạt ít nhất 10 tỷ USD trong mùa này. Nếu thị trường mở rộng hơn so với chu kỳ trước, Morpho thậm chí có thể chạm mức định giá 20 đến 30 tỷ USD.
3. Một số rủi ro mà nhà đầu tư cần chú ý
3.1 Tokenomics
Một rủi ro lớn khi đầu tư vào Morpho là sự tập trung token quá cao vào đội ngũ sáng lập và các quỹ đầu tư mạo hiểm, chiếm đến 53.4% tổng cung, trong đó riêng nhóm sáng lập giữ 15.2%. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ xả bán lượng lớn token khi mở khóa, gây áp lực giảm giá và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.
Đặc biệt, lịch trả token vòng Seed Extended từ tháng 4/2025 đến tháng 10/2025 sẽ giải phóng 16.8% tổng cung trong 6 tháng ngắn ngủi. Áp lực bán tăng đột ngột có thể khiến giá token MORPHO giảm mạnh, gây lo ngại cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, từ cuối năm 2025 đến 2027, lượng token lớn từ nhóm Strategic Partners (21.9%) và Founders tiếp tục được mở khóa dần. Điều này tiềm ẩn rủi ro bán tháo kéo dài, làm suy giảm niềm tin và giá trị của dự án trên thị trường.
3.2 Vấn đề bảo mật
- Dùng một source code với 600 dòng mã: Morpho Blue được thiết kế chỉ với 600 dòng code và không có kế hoạch nâng cấp mã nguồn. Việc này có thể khiến nền tảng có nguy cơ không bắt kịp các đổi mới công nghệ DeFi trong tương lai.
- Rủi ro Smart Contract: Tất cả các Pool cho vay đều được tạo trên một Smart Contract, do đó chỉ cần một lỗi nhỏ cũng có thể khiến toàn bộ thị trường trên Morpho có nguy cơ bị tấn công.
3.3 Cạnh tranh với Aave
Morpho phải đối mặt với “ông lớn” Aave, nền tảng Lending đình đám với TVL cao gấp 7 lần. Aave không chỉ có thâm niên phát triển mà còn sở hữu độ tin cậy cao, điều này khiến Morpho gặp nhiều thách thức trong việc thu hút người dùng và dòng tiền, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường Lending đang dần bão hòa.
Dù Morpho đã cải thiện phần nào sự phân mảnh thanh khoản với mô hình linh hoạt, nhưng giải pháp này chưa đủ triệt để. Aave, với khả năng tập trung thanh khoản vượt trội hơn, vẫn là lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà đầu tư lớn.
Ngoài ra, Morpho chưa có bước tiến rõ ràng trong việc xây dựng blockchain riêng, trong khi Aave và các dự án lớn như Uniswap đã bắt kịp xu hướng này. Việc chậm chân trước các đổi mới có thể làm giảm sức cạnh tranh và khả năng mở rộng của Morpho trong tương lai.
4. Tổng Kết
Morpho Protocol là cơ hội hấp dẫn trong DeFi với sản phẩm sáng tạo và sự ủng hộ từ các quỹ lớn. Tuy nhiên, cạnh tranh từ Aave, rủi ro bảo mật và áp lực trả token đòi hỏi nhà đầu tư phải thận trọng. Theo dõi sát bước tiến của dự án và quản lý rủi ro kỹ lưỡng sẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận.