1. Tổng quan về Optimism
Optimism bắt đầu từ một nhóm nghiên cứu giải pháp mở rộng Plasma cho Ethereum, sau đó chuyển sang phát triển Layer 2 nhằm cải thiện hiệu suất mạng. Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại dự án còn đang thực hiện hóa tham vọng xây dựng Superchain – một hệ sinh thái kết nối các Layer 2, cùng thúc đẩy sự mở rộng mạnh mẽ cho Ethereum.
2 sản phẩm chính của Optimism:
- OP Mainnet: Layer 2 sử dụng công nghệ Optimistic Rollup, xếp TOP 3 trong số các giải pháp Layer-2 Ethereum với TVL hơn 8,7 tỷ USD và TVL DeFi đạt hơn 1,1 tỷ USD.
- Superchain: Hệ sinh thái gồm nhiều OP Chain được xây dựng bằng bộ công cụ OP Stack, với một số cái tên quen mặt như Base, Aevo, Blast, World Chain, Zora,…
2. Tại sao nhà đầu tư nên chú ý tới Optimism (OP)?
2.1 Đội ngũ phát triển
Con người là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của bất kỳ dự án nào, kể cả Optimism cũng như hệ sinh thái Superchain.
Đội ngũ cốt lõi của Optimism là những người có chuyên môn cao về kỹ thuật với xuất thân từ các công ty hàng đầu như Ethereum, Consensys, Coinbase, Google, Meta, Amazon, Twitter, a16z, OpenSea,… với nhiều kết nối trong cộng đồng developer.
Một điểm nhấn đáng chú ý là đồng sáng lập Karl Floersch, người đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Hayden Adams (nhà sáng lập Uniswap) với thị trường crypto. Chính mối quan hệ này đã giúp thuyết phục Uniswap cùng rất nhiều tên tuổi khác gia nhập Superchain.
2.2 Mô hình kinh doanh
Tương tự các Layer 2 khác, Optimism cũng có nguồn thu chính đến từ phí giao dịch trên OP Mainnet. Điểm khác biệt nằm ở khả năng chia sẻ lợi nhuận, khi Optimism nhận thêm 15% doanh thu từ các OP Chain trong hệ sinh thái Superchain.
Từ khi ra mắt, Optimism đã thu về 17,2 nghìn ETH, tương đương khoảng 69 triệu USD. Trong đó, hơn 76% doanh thu đến từ OP Mainnet, 21% từ Base (hệ sinh thái của Coinbase), và phần còn lại từ các OP Chain nhỏ hơn như Zora, Mode, Conduit, và Derive.
Trong tương lai, các dự án tiềm năng như World Chain, Unichain và Inkchain có thể đóng góp hàng trăm triệu USD mỗi năm cho Optimism. Doanh thu này sẽ được dùng để khuyến khích sự phát triển hệ sinh thái và chia sẻ lợi nhuận, từ đó tạo động lực cho việc nắm giữ OP lâu dài.
Ngoài ra, việc nắm giữ OP còn mang lại quyền quản trị quan trọng trên OP Mainnet và toàn bộ hệ sinh thái Superchain. Các Layer 2 trong Superchain đều phải tuân thủ quy định chung và cần sở hữu OP để có tiếng nói trong việc quản trị. Điều này không chỉ thu hút nhà đầu tư hay người đầu cơ mà còn buộc các dự án tham gia vào Superchain phải duy trì lượng nắm giữ OP, củng cố giá trị cho OP.
2.3 Hệ sinh thái Superchain rất sôi động
Hệ sinh thái Superchain của Optimism đang dẫn đầu thị trường Layer 2 nhờ vào loạt yếu tố nổi bật sau:
- Bộ công cụ OP Stack: OP Stack vượt trội hơn các đối thủ như Arbitrum Orbit Stack, ZK Stack hay StarkNet Stack nhờ khả năng kết nối các chuỗi liền mạch mà không cần giao thức trung gian như LayerZero hay Wormhole, nhờ đó người dùng chuỗi này có thể tương tác với sản phẩm chuỗi khác, tạo nên hệ sinh thái hợp tác thay vì cạnh tranh.
- Sự phát triển của hệ sinh thái: Hiện đã có khoảng 60 chuỗi Rollup đang được xây dựng dựa trên công nghệ OP Stacks, trong đó một số cái tên tiềm năng như Base (Coinbase), Blast (Blur), World Chain (Worldcoin), Unichain (Uniswap), Inkchain (Kraken), và Soneium (Sony & Astar Network).
- Quỹ dự trữ mạnh mẽ: Optimism sở hữu quỹ dự trữ có đến 860 triệu OP, trị giá khoảng 2,1 tỷ USD, nhằm hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái Superchain. Từ 2023 đến nay, hơn 60 triệu OP đã được phân phối qua 6 mùa. Quỹ này sẽ tiếp tục tài trợ cho các bên đóng góp vào Superchain trong mùa 7, 8, 9,…
Superchain không chỉ ghi dấu ấn với số lượng chuỗi tham gia đông đảo mà còn nổi bật bởi các hoạt động onchain sôi động:
- Total Value Lock: Theo dữ liệu từ L2beat, trong số 11 Layer 2 hàng đầu, có tới 6 chuỗi thuộc Superchain. Đáng chú ý, Base không chỉ đứng thứ 2 về tổng TVL mà còn dẫn đầu về TVL DeFi với con số ấn tượng 5 tỷ USD.
- Active addresses: Base dẫn đầu các Layer 2 với lượng địa chỉ hoạt động mỗi ngày cao nhất, trung bình đạt 1 triệu địa chỉ kể từ giữa năm 2024. Ngoài ra, các chuỗi khác trong Superchain cũng ghi nhận con số ấn tượng như OP Mainnet (81 nghìn), World Chain (30 nghìn), Blast (24 nghìn), và Zora (17 nghìn),…
- Revenue: Mặc dù mới ra mắt vào giữa năm 2023, Base đã vượt qua OP Mainnet và đang dần bắt kịp Arbitrum về doanh thu phí. Còn xét về lợi nhuận, Base hiện đang dẫn đầu với gần 76 triệu USD, vượt xa con số 51 triệu USD của Arbitrum.
- Net Flows: Xét về dòng tiền di chuyển qua các hệ sinh thái trong 1 năm qua, Base tiếp tục là cái tên đứng đầu với 3,1 tỷ USD được đổ vào. Bên cạnh đó, người anh em OP Mainnet cũng xếp thứ 3 với dòng tiền dương 2,1 tỷ USD.
Qua dữ liệu Onchain kể trên, chỉ riêng Base cũng đã vượt trội hơn so với các hệ sinh thái Layer 2 khác. Bên cạnh đó, OP Mainnet và Blast cũng duy trì vị thế ổn định trên thị trường. Và một số cái tên mới như World Chain, Mode, Zora, Orderly cũng đáng được kỳ vọng.
Nhìn xa hơn, các dự án như Unichain, Inkchain và Sonieum đang chuẩn bị ra mắt Mainnet, hứa hẹn thu hút hàng chục triệu người dùng mới. Với tiềm năng này, Superchain được dự đoán sẽ còn tăng trưởng vượt bậc trong thời gian tới.
2.4 Định giá còn tiềm năng tăng trưởng
Tại thời điểm viết bài, Optimism được định giá khoảng 11 tỷ USD, dẫn đầu trong các Layer 2. Tuy nhiên, mức này vẫn thấp hơn nhiều so với đỉnh cũ của chính nó là 21 tỷ USD. Và trong bối cảnh thị trường Altcoin đang tăng giá, ETH sắp vượt đỉnh cũ, đây được xem là thời điểm lý tưởng để OP bứt phá.
Định giá của một số dự án nền tảng khi đạt đỉnh mùa trước:
- Ethereum: FDV 550 tỷ USD
- BNB Chain: FDV 135 tỷ USD
- Cardano: FDV 135 tỷ USD
- Solana: FDV 115 tỷ USD
- Avalanche: FDV 94 tỷ USD
- Polkadot: FDV 60 tỷ USD
- Polygon: FDV 30 tỷ USD
- Near Protocol: FDV 20 tỷ USD
So với các dự án trên thì mô hình Superchain của Optimism có thể so sánh C-Chain của Avalanche và Parachain của Polkadot. Vì vậy, định giá của Optimism hoàn toàn có thể đạt từ 50 đến 100 tỷ USD, tương ứng với mức giá OP từ 11,64 đến 23,3 USD. Nhưng đây là con số của mùa trước, nếu mùa này dòng tiền đổ vào nhiều hơn thì sao?
*Lưu ý: So sánh mang tính tham khảo, bởi Optimism khác Avalanche và Polkadot về công nghệ, mô hình kinh doanh, và bối cảnh thị trường hiện tại đã khác xa năm 2021.
2.5 Tokenomics
Optimism là một trong số ít dự án có chiến lược phân bổ token thúc đẩy sự phát triển hệ sinh thái lâu dài. Cụ thể, 19% tổng cung dành cho Airdrop và 20% cho quỹ khuyến khích Superchain (RPG). Hiện tại, vẫn còn khoảng 13% và 18,4% tổng cung được giữ lại để tiếp tục hỗ trợ và mở rộng hệ sinh thái.
Đáng chú ý, 25% tổng cung (~1,073 tỷ OP) được phân bổ cho Ecosystem Fund, quỹ đã chứng minh hiệu quả khi dùng token để thu hút các dự án lớn như Base và Inkchain tham gia Superchain. Đây là yếu tố then chốt trong chiến lược dài hạn của Optimism, đảm bảo nguồn lực dồi dào để tiếp tục hấp dẫn nhiều dự án và nhà phát triển gia nhập hệ sinh thái.
2.6 Tiềm năng thu hút người dùng nhờ cơ hội Airdrop
Dự án đã triển khai 5 đợt Airdrop, với phần thưởng dao động từ vài trăm đến vài nghìn USD cho mỗi người tham gia. Hiện tại, Optimism vẫn còn khoảng 13% tổng nguồn cung, tương đương khoảng 1,5 tỷ USD, chưa được phân phối.
Khoản Airdrop này đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân người dùng cũ và thu hút người dùng mới, tạo động lực phát triển bền vững và mở rộng hệ sinh thái Superchain trong tương lai.
Dưới đây là hướng dẫn săn Airdrop Optimism – Tham gia Superchain Ecosystem:
Ngoài Delegate OP và Active trên hệ sinh thái của Optimism, bạn có thể tham gia airdrop Optimism bằng cách tạo tài khoản Superchain Eco, nhận các Badge và tích lũy SC Point để có cơ hội được airdrop trong tương lai.
Bước 1: Truy cập Superchain Eco và kết nối ví Metamask của bạn.
Bước 2: Chuyển ví sang mạng OP Mainnet.
Bước 3: Nhập username để tạo Superchain ID. Bạn cần một ít ETH trên mạng OP Mainnet để làm phí giao dịch.
Bước 4: Hoàn thành các nhiệm vụ active giao dịch trên các Dapp của Superchain để nhận Badge, SC Point và nâng cấp Level Account.
Hiện tại, bạn có thể kiếm điểm bằng cách hoạt động trên 3 mạng lưới: OP, Mode và Base. Hãy sử dụng Velodrome để thực hiện các giao dịch Swap và tích lũy số lần giao dịch.
2.7 Quỹ đầu tư
Optimism là một dự án đã huy động thành công khoảng 430 triệu USD qua 3 vòng gọi vốn trước khi phát hành đồng OP và 2 vòng bán OTC:
- Seed (giá bán 0.015 USD): Huy động 3.5 triệu USD từ Paradigm và IDEO Colab Ventures. Token đã mở khóa 100%.
- Series A (giá bán 0.074 USD): Huy động 25 triệu USD từ A16z, Paradigm và IDEO Colab Ventures. Token đã mở khóa khoảng 53% và tiếp tục trả vào ngày cuối cùng mỗi tháng cho đến tháng 4 năm 2026.
- Series B (giá bán 0.38 USD): Huy động 150 triệu USD từ A16z và Paradigm. Token đã mở khóa khoảng 53% và tiếp tục trả vào ngày cuối cùng mỗi tháng cho đến tháng 4 năm 2026.
- Vòng OTC 1 (giá bán 1,3 – 1,4 USD): Huy động khoảng 162 triệu USD từ 7 nhà đầu tư ẩn danh. Token sẽ bị khóa đến tháng 9 năm 2025.
- Vòng OTC 2 (giá bán 4,3 – 4,8): Huy động khoảng 89 triệu USD từ A16z. Token sẽ bị khóa đến tháng 3 năm 2026.
Chúng ta chỉ biết chắc chắn về số lượng token đã bán trong 2 vòng OTC, nhưng giá bán cụ thể vẫn chưa được xác định rõ. Các ước tính hiện tại chỉ dựa trên thời điểm dự án công bố thông tin, do đó con số này có thể không hoàn toàn chính xác.
Và bạn cần chú ý các điểm sau:
- Quỹ đầu tư đánh giá cao: Các quỹ hàng đầu như Paradigm và A16z đã đầu tư mạnh vào Optimism từ năm 2020, khẳng định tiềm năng dài hạn của dự án. Với chiến lược nắm giữ lâu dài, các quỹ này không chỉ tránh việc xả token mà còn tích cực tìm kiếm cơ hội để nâng cao giá trị danh mục đầu tư.
- Giá hiện tại: OP hiện có giá 2,5 USD, tăng hàng trăm lần so với vòng Seed và hàng chục lần so với vòng Series A, nhưng vẫn chỉ bằng một nửa so với giá ở vòng OTC 2.
- Lịch trả token: Vòng Seed đã hoàn tất việc trả token, vòng Series A và B đã trả 53%, trong khi hai vòng OTC vẫn đang bị khóa.
Các quỹ đã sẵn sàng mua OP ở mức giá trên 4 USD, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào giá trị dài hạn của dự án. Đặc biệt, với sự hậu thuẫn hàng trăm triệu USD từ Paradigm và A16z, Optimism có cơ sở vững chắc để tiếp tục thu hút sự chú ý của cộng đồng nhà đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái.
2.8 Optimism Trust
Grayscale vừa giới thiệu Optimism Trust, giúp nhà đầu tư truyền thống tiếp cận OP thông qua cổ phiếu quỹ trên sàn chứng khoán mà không cần lưu trữ hoặc quản lý trực tiếp token OP. Đây là bước tiến lớn, mang lại sự tiện lợi cho cả nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức.
Nhìn lại các trường hợp gần đây như Bittensor Trust (TAO) và Sui Trust (SUI), cả hai đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng kể từ khi ra mắt vào ngày 7/8/2024: TAO tăng 140%, trong khi SUI tăng mạnh tới 650%.
Dù tác động của Optimism Trust lên giá OP trong tương lai còn chưa rõ ràng, đây vẫn là tín hiệu tích cực, cho thấy OP đang thu hút dòng tiền đầu tư mới, mở ra cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
3. Rủi ro cần lưu ý khi đầu tư vào Optimism (OP)
Mặc dù Optimism rất tiềm năng, nhưng không dự án nào là hoàn hảo. Nhà đầu tư cũng cần phải chú ý đến những rủi ro sau khi rót tiền vào Optimism:
- Mạng lưới OP Mainnet: Layer 2 này vẫn thể hiện sự bất ổn trong công nghệ khi blockchain đã từng ngừng hoạt động vì Sequencer không thể sản xuất khối. Hơn nữa, hệ thống chứng minh permissionless fraud proof ra mắt vào tháng 6 cũng gặp phải nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.
- Bản chất của Optimistic Rollup: Hầu hết các OP Chain sử dụng công nghệ Optimistic Rollup, nơi giao dịch mất 7 ngày để được xác nhận trên Ethereum. Trong khoảng thời gian này, giao dịch trên Layer 2 có thể bị đảo ngược nếu không được Ethereum chấp nhận, tạo ra rủi ro ảnh hưởng đến toàn bộ mạng lưới.
- Quỹ đầu tư: Hiện tại, các quỹ nắm giữ khoảng 25% tổng cung OP, với các vòng Seed và Series A & B đã ghi nhận lợi nhuận lớn. Điều này tiềm ẩn nguy cơ các quỹ sẽ xả token bất kỳ lúc nào, gây áp lực đáng kể cho OP. Hơn nữa, việc không công bố giá mua trong các vòng OTC khiến nhà đầu tư khó ước tính ngưỡng giá mà các quỹ có thể chốt lời. Sự mơ hồ này tạo áp lực tâm lý lớn, làm tăng thêm rủi ro và sự bất ổn cho thị trường.
- Áp lực Vesting: Có 43 triệu OP (107 triệu USD) được mở khóa mỗi tháng, tương đối lớn so với khối lượng giao dịch hàng ngày khoảng 1 tỷ USD. Dù không chắc các quỹ và team sẽ xả token, nhưng con số này gây ra lo ngại cho nhà đầu tư khi nắm giữ OP.
Mặc dù Optimism sở hữu tiềm năng lớn, nhưng các rủi ro kể trên có thể ảnh hưởng trực tiếp đến giá OP, dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư. Do đó, hãy cân nhắc kỹ lưỡng và đánh giá cẩn thận trước khi quyết định nắm giữ hoặc rót tiền vào OP.
4. Tổng kết
Optimism được mệnh danh là “ông vua” của Layer 2 nhờ hệ sinh thái Superchain đầy tiềm năng. Với tiềm lực mạnh mẽ và định hướng phát triển dài hạn, dự án được kỳ vọng có thể đạt giá trị từ 50 đến 100 tỷ USD trong chu kỳ này. Tuy nhiên, các rủi ro khi nắm giữ OP cũng đáng lưu ý, đòi hỏi nhà đầu tư phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định.
Bài viết đã phân tích những lý do khiến Optimism (OP) trở thành tâm điểm chú ý của giới đầu tư. Hy vọng bạn đã có thêm góc nhìn mới để đưa ra lựa chọn sáng suốt cho chiến lược đầu tư của mình.
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.