1. Tổng quan về dự án Uniswap
Uniswap là sàn giao dịch phi tập trung (DEX) được thiết kế giúp người dùng mua bán token trực tiếp thông qua công nghệ blockchain mà không cần qua bất kỳ nền tảng tập trung nào.
Ban đầu, Uniswap chỉ hoạt động trên mạng Ethereum, nhưng đến nay, dự án đã mở rộng sang nhiều mạng lưới EVM khác như BNB Chain, Base, Arbitrum, Optimism, Polygon,…
Tại thời điểm viết bài này, Uniswap đang là sàn DEX dẫn đầu hệ sinh thái DeFi với TVL ở mức 6,73 tỷ USD và khối lượng giao dịch hàng ngày lên tới 2,7 tỷ USD – con số cực kỳ ấn tượng trong mảng DEX.
Nhiều sàn DEX như Raydium trên hệ Solana, PancakeSwap thuộc hệ BNB Chain hay Aerodrome trên hệ Base ra đời sau này và cạnh tranh với Uniswap. Tuy nhiên, Uniswap vẫn giữ vững vị thế dẫn đầu nhờ sự đổi mới không ngừng, liên tục ra mắt các sản phẩm tiên tiến và khả năng hoạt động rộng khắp trên hầu hết các blockchain lớn.
Uniswap đã gọi vốn 188,8 triệu USD thông qua 4 vòng từ các quỹ hàng đầu như Andreessen Horowitz (a16z), Paradigm, Polychain Capital, Coinbase Ventures,…
Đội ngũ sáng lập Uniswap gồm những chuyên gia với nền tảng học vấn vững vàng và nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý, phân tích, vận hành và blockchain. Kể từ khi ra mắt vào năm 2018, họ đã đưa Uniswap trở thành một trong những dự án tiên phong trong thị trường Crypto và DeFi.
Tiếp theo, cùng 5Money tìm hiểu những lý do khiến bạn cần để mắt tới UNI trong thời gian tới nhé!
2. Tại sao nhà đầu tư nên chú ý tới sàn DEX Uniswap (UNI)?
2.1. DeFi là xương sống của các hệ sinh thái Blockchain
DeFi (tài chính phi tập trung) là thành phần không thể thiếu trong mọi hệ sinh thái blockchain, đáp ứng các nhu cầu rất thực tế như trao đổi tài sản (DEX), cho vay, yield farming và phát hành stablecoin.
Vì vậy, để phát triển bền vững, bất kỳ blockchain nào cũng cần một hệ sinh thái DeFi mạnh mẽ, vừa là động lực thu hút người dùng mới, vừa nâng cao giá trị sử dụng của toàn bộ nền tảng.
Ngành DeFi đang ghi nhận sự tăng trưởng bền vững, thể hiện rõ qua biểu đồ tổng giá trị bị khóa (TVL). TVL đã có sự tăng trưởng đáng kể từ 55 tỷ USD đến đỉnh điểm hiện tại là 137 tỷ USD, gần gấp 3 lần so với đầu năm.
Dòng tiền trong hệ sinh thái DeFi luôn khởi nguồn từ các sàn giao dịch phi tập trung (DEX) – nền tảng cốt lõi của DeFi. Uniswap, một trong những DEX phổ biến nhất, không chỉ hoạt động trên nhiều hệ sinh thái mà còn khẳng định vị thế vững chắc ở từng nền tảng. Nhờ đó, Uniswap sẽ tiếp tục hưởng lợi đáng kể từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của DeFi.
Dưới đây là top 10 dự án có TVL nổi bật nhất thuộc ngành DeFi, duy nhất chỉ có Uniswap làm về mảng DEX có trong danh sách này, chứng minh vị thế dẫn đầu của dự án giữa hàng loạt các DEX khác trên thị trường.
2.2. Uniswap liên tục cải tiến để dẫn đầu thị trường
Uniswap khẳng định vị thế dẫn đầu của mình thông qua nỗ lực không ngừng trong cải tiến và đổi mới công nghệ. Điều này được minh chứng khi nhiều sàn giao dịch phi tập trung khác, như PancakeSwap, Aerodrome hay SushiSwap, đã lấy cảm hứng từ Uniswap để tạo ra các phiên bản tương tự.
Dù vậy, Uniswap vẫn duy trì ngôi vương nhờ sự phát triển liên tục và những bước đột phá công nghệ. Gần đây nhất, hai dự án nổi bật là Uniswap V4 và Unichain đã tiếp tục củng cố vị trí hàng đầu trên thị trường DeFi.
a. Mạng lưới Blockchain Layer 2 – Unichain
Unichain là Blockchain Layer 2 do Uniswap Labs phát triển, Mạng lưới sử dụng công nghệ Optimism Rollup từ OP Stack nên Unichain có khả năng tương thích cao EVM cùng độ mở rộng hiệu quả với các mạng thuộc hệ sinh thái Superchain.
Một mục tiêu quan trọng của Unichain là gia tăng giá trị cho token UNI. Các validator sẽ cần stake UNI để tham gia vận hành mạng lưới và nhận chia sẻ doanh thu từ dự án. Đây là bước đi chiến lược, tăng tính ứng dụng của UNI và khuyến khích người dùng nắm giữ token lâu dài.
Ngoài ra, Unichain cũng góp phần làm tăng doanh thu của chính Uniswap thông qua cơ chế trích xuất MEV. Hiểu đơn giản rằng khi ra mắt Unichain, nguồn lợi nhuận MEV sẽ được chuyển tới cho các validator do Uniswap quản lý.
b. Uniswap V4
Uniswap V4 là bản nâng cấp mới nhất của Uniswap Protocol, được dự án giới thiệu vào cuối năm 2023 và dự kiến mainnet vào Quý 4 năm 2024.
Điểm nổi bật nhất của phiên bản V4 so với V3 là tính năng “Hooks” – bộ công cụ giúp các nhà phát triển có thể tùy chỉnh được các tính năng có trong pool gồm có:
- Đặt lệnh mua bán vào các thời điểm xác định.
- Thực hiện giao dịch lớn theo thời gian.
- Hỗ trợ lệnh giới hạn (Limit Order).
- Tự động gửi tiền nhàn rỗi trong pool vào các giao thức cho vay.
- Gộp phí giao dịch.
- Chia sẻ lợi nhuận từ MEV cho pool.
Ngoài “Hooks”, để đảm bảo người dùng sẽ sử dụng nhà cung cấp thanh khoản Uniswap thay vì các AMM khác, bản V4 thực hiện thêm các cải tiến mới nhằm giúp người dùng tối ưu hóa chi phí giao dịch:
- Singleton Design: Uniswap V4 sẽ sử dụng một hợp đồng duy nhất để lưu trữ token cho tất cả các pool. Điều này giúp cho người dùng tiết kiệm đáng kể chi phí gas vì lệnh hoán đổi token sẽ không phải chuyển giao qua các pool nữa. Dự án ước tính giảm 99% chi phí tạo pool, từ đó lảm giảm chi phí giao dịch của người dùng.
- Flash Accounting: Người dùng có thể thực hiện nhiều thao tác trong cùng một giao dịch duy nhất, tới cuối giao dịch mới phải thanh toán các khoản chi phí.
Tóm lại, phiên bản V4 chủ yếu tập trung vào cải thiện trải nghiệm người dùng, giúp họ dễ dàng truy cập vào các pool thanh khoản trên nền tảng, đồng thời tăng tốc độ và giảm chi phí giao dịch. Hứa hẹn sẽ là điểm nhấn trong ngành DeFi khi ra mắt bản mainnet chính thức.
Trên đây là 2 dự án mới nhất của Uniswap chuẩn bị trình làng trong thời gian tới, được kỳ vọng sẽ giúp nền tảng thu hút thêm nhiều người dùng và mở rộng độ phủ sóng của mình.
2.3. Một trong số ít dự án tạo ra doanh thu bền vững
Từ bảng doanh thu trong 4 năm gần nhất của Uniswap, có thể thấy rằng:
- Năm 2021, Uniswap đạt đỉnh doanh thu 1,37 tỷ USD từ phí giao dịch, nhờ thị trường uptrend mạnh mẽ và sự bùng nổ của mùa hè DeFi.
- Dù thị trường bước vào “mùa đông Crypto” trong giai đoạn 2022-2023, doanh thu của Uniswap vẫn duy trì mức đáng kể, lần lượt đạt 754,18 triệu USD và 519,67 triệu USD. Điều này cho thấy khả năng thích nghi và bền bỉ của Uniswap trong việc tạo giá trị ngay cả trong điều kiện thị trường không thuận lợi.
- Từ đầu năm 2024 đến nay, doanh thu của Uniswap đã đạt gần 939 triệu USD, thể hiện sức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự hồi phục của thị trường crypto.
Uniswap là một trong số ít những dự án tạo ra doanh thu bền vững nhất trong số các DEX. Chỉ từ đầu năm 2024 tới nay, doanh thu từ phí của Uniswap gấp 4,3 lần doanh thu sàn DEX đứng thứ 2 là Aerodrome, cao vượt trội so với các đối thủ DEX khác.
2.4. Đề xuất chia sẻ doanh thu nhằm tăng thêm usecase cho UNI
Vào ngày 31/05/2024, Uniswap Foundation đã giới thiệu đề xuất chia sẻ một phần phí giao dịch từ các pool cho người dùng staking hoặc ủy quyền token UNI. Đề xuất này đã được thông qua với sự đồng thuận tuyệt đối (100% phiếu bầu), nhưng vẫn chưa triển khai vì các vấn đề liên quan đến SEC và nội bộ. Nếu đề xuất được triển khai sẽ kích thích người dùng mua và nắm giữ token UNI lâu hơn, tạo động lực thúc đẩy giá UNI tăng trưởng.
2.5 Tokenomics
Theo lịch trả token, thời điểm hiện tại Uniswap đã mở khóa hết token cho tất cả các phân bổ, nên dự án không còn áp lực lạm phát token. Vậy nên không có mối lo ngại nào với việc token mở khóa xong bị đội ngũ xả hàng.
Vì thế, điều cần quan tâm là liệu các quỹ, đội ngũ dự án, cố vấn và những người nắm giữ lâu năm đã xả hàng ở mức giá hiện tại hay chưa.
2.6. Khả năng tăng trưởng của UNI
Uniswap ra mắt vào tháng 9/2020 với giá chỉ khoảng 3,5$ và vốn hóa thị trường đạt 344 triệu USD. Tuy nhiên, dự án đã chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, đạt mức giá cao nhất mọi thời đại (All-time high) là 44.97$, tương ứng với vốn hóa khoảng 22 tỷ USD, gấp gần 13 lần vào mùa uptrend 2021.
Sau giai đoạn đạt đỉnh, Uniswap trải qua sự điều chỉnh mạnh, giá dao động trong khoảng 3-6 USD suốt hai năm thị trường Crypto “đóng băng”. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, giá UNI đã cho thấy dấu hiệu phục hồi rõ rệt, với vốn hóa thị trường hiện đạt khoảng 10 tỷ USD.
Dù vậy, mức giá hiện tại vẫn cách xa đỉnh cũ, để lại dư địa lớn cho sự tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh các tổ chức tài chính truyền thống ngày càng rót vốn mạnh mẽ vào thị trường Crypto.
Tuy nhiên, Uniswap được xếp vào hàng các dự án có định giá cao nên đây sẽ là dự án phù hợp với những nhà đầu tư có nhu cầu xây dựng danh mục an toàn, bền vững thay vì danh mục đầu cơ ngắn hạn.
3. Một số rủi ro cần lưu tâm khi đầu tư dự án Uniswap
Mặc dù rất tiềm năng nhưng bạn cũng cần lưu ý những rủi ro sau khi rót vốn đầu tư Uniswap:
- Định giá cao: Với vị thế dẫn đầu và sức ảnh hưởng lớn trong hệ sinh thái DeFi, Uniswap được xếp vào nhóm các dự án có định giá cao. Điều này khiến Uniswap chỉ phù hợp cho những nhà đầu tư ưu tiên xây dựng danh mục an toàn và bền vững, hơn là các chiến lược đầu cơ ngắn hạn với kỳ vọng lợi nhuận nhanh chóng.
- Rủi ro cạnh tranh: Thị trường hiện có nhiều sàn DEX khác như PancakeSwap, Aerodrome, SushiSwap… liên tục cải tiến và có khả năng thu hút người dùng cùng thanh khoản từ Uniswap. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các sàn tập trung (CEX) cũng tạo áp lực cạnh tranh lớn, đòi hỏi Uniswap phải không ngừng đổi mới để giữ vững vị thế.
- Rủi ro dự án mới: Uniswap bản V4 và Unichain vẫn chưa chính thức hoạt động. Trước khi đi vào triển khai, vẫn có khả năng rủi ro như không được cộng đồng đón nhận hoặc các vấn đề về công nghệ.
- Rủi ro thị trường: Giá token UNI vẫn chịu biến động mạnh, phụ thuộc vào tâm lý thị trường, biến động của Bitcoin, và các yếu tố vĩ mô như lãi suất, quy định pháp lý hoặc kiện tụng. Những yếu tố này không chỉ ảnh hưởng đến giá trị của UNI mà còn tác động tới niềm tin của nhà đầu tư.
4. Tổng kết
5Money hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn cái nhìn rõ nét hơn về tiềm năng của dự án Uniswap và token UNI. Tuy nhiên, đầu tư luôn đi kèm với rủi ro, vì vậy hãy đảm bảo bạn đã nghiên cứu kỹ lưỡng và cân nhắc cẩn thận trước khi đưa ra quyết định. Chúc bạn thành công trên hành trình đầu tư của mình!
Miễn trừ trách nhiệm: 5Money khuyến cáo người đọc phải trang bị kiến thức sâu sắc về thị trường Crypto trước khi tham gia đầu tư. Thông tin trong bài viết không được xem là lời khuyên tài chính, 5Money không chịu trách nhiệm với bất kỳ quyết định đầu tư nào của các bạn.