1. Tổng quan thị trường Layer 1 và Layer 2 năm 2024
Năm 2024 đánh dấu một giai đoạn khó khăn cho các dự án Layer 1 và Layer 2. Nhiều dự án ra mắt với kỳ vọng lớn nhưng nhanh chóng mất đà sau airdrop, thể hiện qua sự sụt giảm cả giá token lẫn TVL (tổng giá trị tài sản khóa trong hệ sinh thái). Dưới đây là một số ví dụ điển hình:
- Starknet (STRK): Giá giảm từ 1.95 USD (20/2/2024) xuống 0.17 USD, TVL tụt từ 290 triệu USD xuống 54 triệu USD.
- ZKsync Era (ZK): Giá giảm từ 0.21 USD (17/6/2024) xuống 0.078 USD, TVL giảm từ 270 triệu USD xuống dưới 80 triệu USD.
- Scroll (SCR): Giá từ 1.15 USD (22/10/2024) xuống 0.37 USD, TVL giảm từ 834 triệu USD còn 75 triệu USD.
- Blast (BLAST): Giá từ 0.027 USD (26/6/2024) xuống 0.0038 USD, TVL từ 1.6 tỷ USD còn 123 triệu USD
- Mode Network (MODE): Giá chia 10 lần – Giảm từ 0.05 USD về còn 0.0048 USD trong khi TVL cũng chẳng khá khẩm.
=> Các số liệu trên cho thấy nhu cầu đối với token gần như không tồn tại, đồng thời phản ánh khó khăn trong việc duy trì thanh khoản và giữ chân người dùng sau giai đoạn airdrop.
Hiện tượng này không hiếm gặp, đặc biệt với các dự án bám theo mô hình truyền thống: khởi đầu bằng cách thu hút người dùng và thanh khoản bằng airdrop, rồi cố gắng tạo điểm nhấn cho hệ sinh thái qua các lĩnh vực như NFT, Gaming hay Memecoin,…
- DeFi Spring của Starknet khép lại sau hơn nửa năm triển khai nhưng không mang tới quá nhiều thay đổi cho mạng lưới.
- Quỹ Gaming của Arbitrum cũng có nguy cơ bị hủy bỏ do thiếu tính minh bạch và hiệu quả kém, dù được cấp hẳn 225 triệu ARB để thúc đẩy hệ sinh thái.
- ZKsync Ignite buộc phải tạm dừng vì việc thu hút dòng tiền kém hiệu quả.

Trong bức tranh ảm đạm đó, chỉ có một dự án cho thấy sự tăng trưởng tích cực cả về TVL và giá token: đó chính là Hyperliquid.
- HYPE niêm yết ở mức 6.5 USD và đạt ATH ở mức 32 USD chỉ chưa đầy 1 tháng sau đó.
- TVL của cả hệ cũng nhanh chóng đạt mốc 690 triệu USD, tốc độ và thời gian tăng trưởng đi khá tương đồng với giá HYPE.
Hyperliquid đã chứng minh cho cộng đồng thấy một điều đó là vẫn có cơ hội từ các dự án cơ sở hạ tầng. Miễn là dự án đó có nội tại, xây dựng được niềm tin từ cộng đồng, hướng đi khác biệt và cơ hội trên mạng lưới.
Với Hyperliquid, dự án gần như đạt đủ mọi yếu tố khi:
- Airdrop siêu lớn, hình thành được cộng đồng trader trung thành ở lại mạng lưới.
- Hyperliquid giờ đây là điểm đến yêu thích của các whale, khi việc giao dịch trên nền tảng mang lại trải nghiệm không khác gì CEX.
- Hyperliquid không chỉ là một sàn giao dịch phái sinh thông thường, dự án là cả một hệ sinh thái với các mảnh ghép như Memecoin, NFT, Trading… Với sự xuất hiện của HyperEVM, giờ đây, các dApps trên EVM chains có thể dễ dàng triển khai sản phẩm trên Layer 1 này.
- Cơ hội về airdrop từ các dApps và Hyper season 2 vẫn còn đó. Với trải nghiệm giao dịch vượt trội, vừa trade, vừa săn airdrop thì có lẽ Hyperliquid sẽ còn là điểm nóng trong tương lai.

Ngoài sự thành công của Hyperliquid, dòng tiền cũng chỉ tập trung chủ yếu ở một số mạng lưới như Base (Chưa có token), Solana hay Sui. Các mạng lưới cũ như Avalanche, Polkadot, Ethereum, BNB Chain,… cho tới các Layer 1 mới như Aptos, Sei, lại chưa đạt kỳ vọng cả về giá lẫn cơ hội đầu tư.
Tại sao bối cảnh như vậy lại diễn ra? Cùng 5 Phút Crypto tìm hiểu tiếp nhé!
2. Tại sao đa phần coin nền tảng vẫn chưa bùng nổ?
2.1 Câu chuyện tốc độ – phí gas không còn quá nóng
Các Layer 1 (Avalanche, Solana) hay Layer 2 (Arbitrum, Optimism, ZKsync…) vốn sinh ra để giải quyết phí gas cao và tốc độ chậm của Ethereum. Tuy nhiên, giờ hầu hết đã giải được bài toán “nhanh, rẻ”, dẫn đến việc cạnh tranh bằng TPS (tốc độ giao dịch) hay phí gas không còn thu hút như trước.
=> Tâm lý người dùng thay đổi: họ chỉ quan tâm đến “Cơ hội” (Airdrop, Memecoin, AI Agent…), thay vì những yếu tố kỹ thuật thuần túy.
2.2 Kẻ mạnh lại càng mạnh
Cơ sở hạ tầng thì ngày càng nhiều, nhưng cơ hội, sự sáng tạo của dApps trên các mạng lưới là không có. Điều này dẫn đến một thực trạng:
- Các chain nhiều cơ hội (Airdrop, Memecoin, AI Agent…) như Solana, Base có lượng người dùng khủng. Người dùng sẽ mang theo tài sản của họ và tạo ra lớp thanh khoản dày trên hệ sinh thái.
- Người dùng và thanh khoản là thứ các dApps yêu thích. Không ai muốn xây dự án trên một mạng lưới không có người dùng. Từ yếu tố đó thu hút thêm các nhà phát triển lên trên các chuỗi này.
- Khi đã yên vị ở 1-2 hệ sinh thái, người dùng thường sẽ “lười” di chuyển tiền của mình sang các mạng lưới khác, hoặc nếu có thì cũng chỉ dùng 1 phần nhỏ tiền để tìm kiếm cơ hội.
=> Việc này vô tình khiến cho các mạng lưới vốn đã mạnh nay còn mạnh hơn. Các Layer 1 và Layer 2 khác thì lại gặp muôn vàn khó khăn trong việc lôi kéo người dùng.

Khi thị trường cơ sở hạ tầng bão hòa (Trải nghiệm không chênh nhau trên các chuỗi), giá trị của một mạng lưới đã chuyển từ “nhanh/rẻ” sang các cơ hội trên chuỗi, tính cộng đồng và việc trở thành “người đi đầu” trong một ngách sản phẩm mới (VD: Story với thị trường IP…).
2.3 Những cái tên mới trên đường đua coin nền tảng
Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục đón thêm một số dự án cơ sở hạ tầng khác như:
- Monad: Độ hot thì khỏi bàn, chắc chắn là mạng lưới đáng mong nhất chờ nhất năm 2025.
- MegaETH: Layer 2 thế hệ mới trên Ethereum.
- Eclipse: Layer 2 kết hợp điểm mạnh giữa Ethereum và Solana.
- Abstract: Layer 2 được xây dựng bởi đội ngũ Pudgy Penguins.
3. Dự đoán xu hướng Layer 1 và Layer 2 trong năm 2025
Bên cạnh đó, Berachain cũng vừa hoàn thành xong cơ chế Proof of Liquidity, Sonic đang dần hồi sinh dưới bàn tay của Andree Conje. Trong khi đó Aptos, Sei vẫn là một ẩn số…
Cuộc chiến giành thị phần của các Layer 1 trong năm 2025 có lẽ cũng không quá khác biệt so với năm 2024. Theo góc nhìn của Chris (@capradavis) – Researcher tại Messari, anh đã chỉ ra 3 giá trị cốt lõi mà các chain mới nên theo đuổi để đạt được sự thành công:
- Một sản phẩm B2C (Sản phẩm hướng đến người dùng cuối) đột phá, thu hút và giữ chân sự chú ý của người dùng.
- Tối ưu hóa cơ sở hạ tầng mang lại trải nghiệm tốt hơn hàng chục lần cho một vài trường hợp sử dụng cụ thể.
- Tối ưu hóa cơ sở hạ tầng mở ra mục đích sử dụng hoàn toàn mới.
Theo Chris, Hyperliquid thành công là vì thõa mãn được tiêu chí 1 và 2:
- Sản phẩm của Hyperliquid rất mượt, vượt trội hơn hết so với các Perp DEX đang có trên thị trường. Điều này mang lại trải nghiệm hoàn toàn khác biệt so với những gì người dùng on-chain được trải nghiệm trước đây.
- Airdrop to cùng việc không niêm yết bất cứ sàn giao dịch Tier1 nào cũng giúp Hyperliquid gây được tiếng vang trong cộng đồng.
Từ 3 yếu tố cốt lõi trên, Chris đang nhìn thấy 2 mạng lưới có khả năng bùng nổ trong năm 2025 đó là Abstract Chain (Tiêu chí 1) và Story Protocol (Tiêu chí 3).
3.1 Abstract Chain
Abstract Chain có cách tiếp cận với người dùng tương đối khác biệt so với các Blockchain trên thị trường.
Họ thiết kế 1 giao diện “All-in-one” với:
- Trading, khám phá dự án trong hệ sinh thái, livestream, donate, wallet trên 1 giao diện duy nhất.
- Bạn có thể đăng nhập bằng email, dự án sẽ tạo cho bạn 1 ví Web3. Điều này mang lại trải nghiệm tương tự như Web2.
Bản thân mình khi trải nghiệm mạng lưới thì cảm thấy vô cùng hài lòng, mọi thứ cực kì mượt mà. Abstract có thể nói là Layer2 mang lại trải nghiệm tốt nhất, tính cho tới thời điểm hiện tại.
Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân của mình, mặc dù làm rất tốt ở khâu trải nghiệm người dùng nhưng chừng đó là chưa đủ để Abstract bùng nổ. Họ cần thêm:
- Đa dạng cơ hội trên mạng lưới.
- Mũi nhọn dự án đang tập trung đó là Gaming, các xu hướng khác như SocialFi, AI Agent hay Memecoin hoàn toàn có thể được đẩy.
Abstract đã chính thức ra mắt mainnet vào 28/1/2025. Người dùng có thể làm theo hướng dẫn làm Airdrop hệ sinh thái Abstract bằng cách tương tác với mạng lưới, dự án trong hệ để thu thập XP.

3.2 Story Protocol
Với Story Protocol, dự án đang đáp ứng được tiêu chí 3 của Chris khi chọn một ngách thị trường hoàn toàn khác, đó là tài sản trí tuệ on-chain. (IP Assets).
Câu chuyện của Story sẽ là một hướng đi tương đối dài hơi và có thể khó bùng nổ trong giai đoạn ngắn hạn. Tuy nhiên, đây là dự án đáng để chúng ta theo dõi. Không dễ gì mà a16z đã dẫn đầu 3 vòng gọi vốn.
Tham khảo cơ hội kiếm tiền trên hệ sinh thái Story Protocol!

4. Cơ hội cho nhà đầu tư nhỏ lẻ là gì?
Bên trên là góc nhìn từ việc xây dựng và phát triển dự án. Vậy còn cơ hội dành cho nhà đầu tư nhỏ lẻ thì sao?
- Airdrop: Với các dự án như Monad, Abstract, Eclipse,… thì đó là Testnet, các Layer 2 thì tham gia retroactive… Dù thị trường “nắng mưa thất thường”, airdrop vẫn là kênh kiếm tiền mà bạn không nên bỏ qua.
- Incentive: Cuộc chiến thu hút người dùng sẽ diễn ra và incentive chính là chiến dịch mà các dự án hay sử dụng. Trên phương diện người dùng, chúng ta có thể tận dụng nguồn lợi nhuận này từ các mạng lưới đang triển khai incentive.
- dApps: Các mạng lưới có cộng đồng lớn như Monad sẽ là điểm đến ưa thích của các dự án. Các mô hình sáng tạo, hay ho khả năng cao sẽ diễn ra trên đây. Việc của chúng ta là quan sát để tìm ra cơ hội đầu tư.
5. Tổng kết
Hy vọng qua bài viết, bạn đã có được cái nhìn tổng quan về tình hình phát triển của thị trường Layer 1 và Layer 2 trong năm 2024, cũng như một số dự phóng về xu hướng này trong năm 2025.
Cuộc đua thu hút người dùng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Nó diễn ra tương tự như cách các nhãn hàng tiêu dùng ở thị trường Web2 cạnh tranh khốc liệt để giành lấy sự chú ý của khách hàng.